Một số hộ dân phường Phước Long A (quận 9, TP.HCM) còn “bám trụ” do chưa thỏa thuận được giá đền bù - Ảnh: Tiến Long |
Đồ họa: Vĩ Cường |
Theo kế hoạch ban đầu, toàn bộ dự án nâng cấp và mở rộng xa lộ Hà Nội (TP.HCM) hoàn thành vào năm 2013, thế nhưng đến nay công trình này vẫn thi công ì ạch vì vướng giải tỏa.
Theo ông Nguyễn Thanh Nam - giám đốc điều hành dự án mở rộng xa lộ Hà Nội thuộc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII), chủ đầu tư dự án, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội là một trong những tuyến đường cửa ngõ huyết mạch quan trọng nhất của TP.HCM.
Hiện dự án đã hoàn thành trục đường chính rộng 48m cho 10 làn xe. Riêng công trình mở rộng hai đường song hành cho bốn làn xe (dành cho xe máy và ôtô lưu thông vào các khu dân cư) vẫn còn vướng giải tỏa, riêng tại Q.9 đến nay vẫn còn 333 hộ chưa bàn giao mặt bằng thi công.
Chỗ nào cũng vướng
Cụ thể, với dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, đoạn xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 trên địa bàn Q.9 từ cầu Rạch Chiếc đến đường số 13 - quốc lộ 1 (gần nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM) dài 10,8km còn vướng giải tỏa.
Đồng thời đoạn quốc lộ 1 dài 2,2km từ đường số 13 đến gần ngã ba Tân Vạn thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương cũng chưa xúc tiến đền bù giải tỏa.
Trong đó, đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến ngã ba trạm 2 (Q.9) mới có 317/608 hộ bàn giao mặt bằng (P.Phước Long A mới có 170/421 hộ bàn giao mặt bằng, P.Phước Long B có 34/59 hộ bàn giao mặt bằng và P.Hiệp Phú có 113/128 hộ bàn giao mặt bằng).
Đoạn quốc lộ 1 từ ngã ba trạm 2 đến đường số 13 - quốc lộ 1, CII mới nhận bàn giao mặt bằng 64/118 hộ. Như vậy, toàn bộ trên địa bàn Q.9 vẫn còn 333/726 hộ chưa bàn giao mặt bằng.
Với tình hình giải tỏa ì ạch trên, ông Nguyễn Thanh Nam cho biết hiện nhà thầu thi công theo kiểu “da beo”, triển khai thi công trên toàn bộ những đoạn đã nhận bàn giao mặt bằng từ Q.9, trong đó có những đoạn đã trải bêtông nhựa, thi công vỉa hè.
Riêng những đoạn bàn giao mặt bằng không liên tục, từ vài chục mét đến một, hai trăm mét khiến thời gian thi công kéo dài, gây khó khăn cho nhà thầu thi công, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và công việc kinh doanh, sinh hoạt của một số hộ dân trên tuyến đường này.
Xử lý ra sao?
Theo CII, vào cuối tháng 4-2014, UBND TP.HCM đã chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ thi công hoàn thành dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1.
Theo đó, giao UBND Q.9 khẩn trương thực hiện thu hồi đất các trường hợp còn lại, đảm bảo bàn giao toàn bộ mặt bằng còn lại trước 31-12-2014.
Về tiến độ thi công dự án, UBND TP.HCM giao trước 2-9-2014, hoàn thành đoạn tuyến trước khu du lịch Suối Tiên và trước ngày 31-12-2014 các đoạn, tuyến còn lại.
Theo CII, ở đoạn trước khu du lịch Suối Tiên, đoạn từ trạm 2 đến cầu đi bộ khu du lịch Suối Tiên, đơn vị đã hoàn thành trải bêtông nhựa thô và dự kiến cuối tháng 10-2014 sẽ hoàn thành tráng nhựa hạt mịn và sơn kẻ đường ở khu vực này.
Ông Trần Quang Lâm - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết thời gian qua, sở đã liên tục có văn bản kiến nghị UBND Q.9 đôn đốc, vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư triển khai thi công mở rộng xa lộ Hà Nội.
Theo đó, giúp dự án thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo hiệu quả kinh tế của dự án và góp phần giải quyết ùn tắc giao thông trên tuyến đường này.
Về đền bù giải tỏa đoạn quốc lộ 1 trên địa bàn tỉnh Bình Dương dài 2,2km, UBND TP.HCM cũng đã có kiến nghị Thủ tướng cho TP.HCM vay khoảng 1.400 tỉ đồng để đền bù giải tỏa. Tuy nhiên, Bộ Tài chính có ý kiến là Bộ Giao thông vận tải đã bàn giao tuyến đường này cho TP.HCM quản lý.
Do đó, TP.HCM cần xem xét cân đối nguồn vốn để thực hiện dự án. Vì vậy, TP.HCM đã giao cho các sở ngành tham mưu nghiên cứu trình TP.HCM xem xét quyết định trong thời gian tới.
Bồi thường 20 triệu đồng thì làm được gì?
Bà Tạ Thị Tú, chủ ngôi nhà 22/27 xa lộ Hà Nội (tổ 1, khu phố 3, P.Phước Long A, Q.9), cho biết nguyên nhân khiến bà đang phải bám trụ lại ngôi nhà nằm trong diện bị giải tỏa của mình là do: “Những nhà dân nằm cạnh nhà tôi đều có mức giá bồi thường cao hơn nhà tôi. Trong khi những nhà sát vách nhận mức tiền bồi thường 8,1 triệu đồng/m2 thì nhà tôi chỉ được nhận 5,3 triệu đồng/m2”.
Ngôi nhà bà Tú đang ở mua từ năm 1992, hiện đã xuống cấp và thường xuyên bị ngập nước. Theo bà Tú, đã từ nhiều năm nay nhà bà phải sống khổ sở trong chính căn nhà của mình chứ không dám sửa sang, nâng cấp gì cả.
Cách nhà bà Tú hơn 10m là căn nhà của ông Danh Phải. Ông Phải cho biết theo mức giá đền bù của địa phương thông báo, căn nhà của ông đang ở nếu nhận tổng tiền đền bù chỉ được hơn 20 triệu đồng.
“Với số tiền đó, tôi không thể tìm chỗ ở mới. Nhìn những nhà xung quanh, tiền đền bù mỗi mét vuông hơn 10 triệu đồng, có những nhà gần 20 triệu đồng/m2, trong khi nhà tôi chỉ được mấy trăm ngàn/m2 thấy xót của quá” - ông Phải than thở.
Ngồi trước ngôi nhà tuềnh toàng nằm sát xa lộ Hà Nội, bà Hà Thị Lan (790 xa lộ Hà Nội, P.Hiệp Phú, Q.9) lục lại đống hồ sơ giấy tờ nhà và những lá đơn thưa kiện đã ngả màu. Theo bà Lan, căn nhà rộng hơn 63m2 này chỉ được hỗ trợ khoản tiền 372 triệu đồng sau khi bị giải tỏa trắng.
“Việc mở rộng đường sá là cần thiết, đặc biệt là tuyến đường cửa ngõ lớn như xa lộ Hà Nội, nên chuyện người dân chịu một phần thiệt thòi khi bị giải tỏa là không tránh khỏi. Tuy nhiên, với cách tính tiền hỗ trợ cho phần đất của gia đình tôi như hiện nay là không chấp nhận được” - bà Lan nói.
Không thể thay đổi giá bồi thường? Đại diện Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.9 cho biết hiện nay còn hơn 200 hộ dân chưa chịu nhận tiền bồi thường và yêu cầu tăng giá đất bồi thường. Tại dự án này, giá bồi thường đất ở mặt tiền xa lộ Hà Nội là 18.650.000 đồng/m2, người dân yêu cầu phải bồi thường gần 30 triệu đồng/m2. Giá bồi thường đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có nhà ở bằng 40% giá đất ở, đất nông nghiệp thuần khoảng 1,3 triệu đồng/m2. Người dân cho rằng giá này thấp hơn giá đất mà các hộ dân xung quanh đã chuyển nhượng nên không đồng ý nhận bồi thường. Vị đại diện Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.9 cho hay hiện không thể thay đổi giá vì giá bồi thường của dự án này đã xây dựng phù hợp với quy định của pháp luật. Các phòng, ban và đoàn thể của Q.9 đang vận động, thuyết phục người dân chấp nhận giá bồi thường để bàn giao mặt bằng. Nếu trong trường hợp cần mặt bằng gấp, UBND Q.9 sẽ xin ý kiến UBND TP.HCM để thu hồi đất bắt buộc đối với người dân. Theo kế hoạch, đến hết năm 2014 UBND Q.9 phải bàn giao mặt bằng. |
Dự án đường Phạm Văn Đồng vẫn vướng giải tỏa Theo ông Trần Quang Lâm - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, ở đường Phạm Văn Đồng, đoạn từ đường Trường Sơn đến nút giao thông Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn dài 1,9km, sau nhiều đợt vận động, đến nay trên địa bàn Q.Tân Bình chỉ còn vướng 17 hộ. UBND TP.HCM đã giao Sở Tài nguyên - môi trường chủ trì và phối hợp với Thanh tra TP.HCM, Văn phòng tiếp dân TP.HCM đề xuất để sớm giải quyết các hộ này. Trong khi đó, Sở Giao thông vận tải TP đang tiếp tục đề nghị đơn vị chủ đầu tư GS (Hàn Quốc) sớm triển khai các đoạn mặt bằng đã được giải tỏa để sớm hoàn thành dự án. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận