20/07/2023 14:33 GMT+7

Đường sông chưa thông vì vướng thủ tục

Theo kế hoạch từ nay đến năm 2025, về đường sông, TP.HCM tối thiểu vận hành thêm năm tuyến đường thủy kết hợp du lịch sông nước với nhiều điểm đến hấp dẫn, kỳ vọng tạo ra một TP.HCM "trên bến, dưới thuyền".

Sông Sài Gòn đoạn qua quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sông Sài Gòn đoạn qua quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đặc biệt trong đó các tuyến đường thủy liên tỉnh như TP.HCM - Côn Đảo, TP.HCM - Gò Công Đông... được ưu tiên. Tuy nhiên, với những gì đã triển khai, để "đánh thức" sông Sài Gòn, khơi thông đường thủy "chia lửa" với giao thông đường bộ thì còn rất nhiều việc phải làm.

Lên kế hoạch nhiều tuyến giao thông đường thủy

Mới đây, Sở GTVT TP.HCM cho biết đã phối hợp với Sở Du lịch TP.HCM bàn giải pháp phát triển giao thông đường thủy. Ngoài các tuyến vận chuyển hành khách đi lại và du lịch trong TP còn có các tuyến đường thủy liên tỉnh TP.HCM đi Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM đi Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre... phục vụ nhu cầu người dân về du lịch, dịch vụ, đi lại, nâng cao khả năng vận chuyển hàng hóa. Phấn đấu đến năm 2025, TP.HCM có ít nhất năm tuyến giao thông đường thủy.

Lãnh đạo Sở GTVT cũng cho rằng tiềm năng phát triển đường thủy trong vận tải hàng hóa, hành khách là rất lớn và TP phải phấn đấu rất nhiều mới phát huy được hết những lợi thế, tiềm năng sông nước.

Lãnh đạo các tỉnh lân cận như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang... cũng thông tin trong quy hoạch giao thông đường thủy của các địa phương đều có những dự án nhằm kết nối với đường thủy TP.HCM để tăng khả năng vận chuyển hành khách, hàng hóa, thu hút du lịch và chia lửa cho giao thông đường bộ đang quá tải.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào giao thông đường thủy tại TP.HCM xác nhận có rất nhiều khó khăn đang chờ đón các kế hoạch này, nhất là về quy hoạch và thủ tục. Ngay cả những dự án đã được triển khai cũng chưa đạt như kỳ vọng của nhà đầu tư cũng như người dân.

Tuyến tàu Water bus chở khách trên sông Sài Gòn (TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG

Tuyến tàu Water bus chở khách trên sông Sài Gòn (TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG

Không phù hợp đi lại, du lịch thiếu sản phẩm

Những ngày đầu tháng 7-2023, chúng tôi trở lại tuyến buýt thủy số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) sau gần 6 năm đi vào hoạt động. Tại bến Bạch Đằng - điểm đầu tuyến, có khá nhiều khách đến tham quan, chụp ảnh. Từ 15h trở đi, lượng khách tập trung đông hơn xếp hàng chờ tới giờ khởi hành. Hầu hết là khách du lịch, các gia đình đưa con nhỏ đi ngắm cảnh sông Sài Gòn.

Chị Nguyễn Thị Thúy (quận 1) nhận xét loại hình buýt sông hiện nay chỉ thích hợp phục vụ du lịch, chưa thể đi lại hằng ngày bởi còn một số hạn chế. Toàn tuyến chỉ mới xong năm bến là Bạch Đằng, Bình An, Thanh Đa, Hiệp Bình Chánh, Linh Đông nhưng hạ tầng đơn sơ, thiếu bãi đậu xe... nên người dân đi lại, du lịch đều không thuận tiện.

Còn các tàu nhà hàng thì "tour" quá đơn điệu so với cách tổ chức của Singapore, Thái Lan... Bởi vì bến để vào không có, điểm tham quan hạn chế. Dọc hai bên bờ sông không được đầu tư hệ thống quán xá, cảnh quan, dịch vụ gì đặc sắc để giữ chân khách.

Anh Nguyễn Minh Quân - một nhân viên văn phòng sống ở TP Thủ Đức - chia sẻ do làm việc ở quận 1 nên đã thử đi tàu buýt đến công sở để đỡ bị kẹt xe đường bộ. Tuy nhiên, anh Quân "vỡ mộng" vì việc di chuyển bằng buýt thủy bất tiện, mất nhiều thời gian không kém đường bộ.

Con tàu Greenlines DP K6 xuôi dòng kênh Chợ Gạo về Tiền Giang trong lần được tham gia vận chuyển hàng hóa về TP.HCM trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 (tháng 7-2021) khó khăn trong việc đi lại bằng đường bộ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Con tàu Greenlines DP K6 xuôi dòng kênh Chợ Gạo về Tiền Giang trong lần được tham gia vận chuyển hàng hóa về TP.HCM trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 (tháng 7-2021) khó khăn trong việc đi lại bằng đường bộ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều "điểm nghẽn", nhà đầu tư "mắc cạn"

Trao đổi về những hạn chế của đường thủy hiện nay, nhiều doanh nghiệp khai thác tàu khách, tàu du lịch trên sông Sài Gòn cho rằng có nhiều "điểm nghẽn" níu chân khiến TP.HCM khó phát triển đường thủy.

Đơn cử như tuyến buýt thủy số 1 khai trương từ năm 2017 nhưng đến nay chỉ có 5/9 bến dọc bờ sông, các bến còn lại vướng thủ tục, vướng dự án chưa thể triển khai tiếp. Tuyến buýt thủy số 2 dài khoảng 10,3km, có lộ trình đi qua địa bàn các quận 1, 4, 5, 6, 8 vẫn còn nằm trên giấy.

Các tuyến tàu đi các tỉnh như Bạch Đằng - Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) rục rịch từ năm 2019, tuyến TP.HCM - tỉnh Tiền Giang, TP.HCM - tỉnh Bến Tre... chưa có tuyến nào chính thức hoạt động.

Ông Nguyễn Kim Toản - giám đốc Công ty TNHH MTV Thường Nhật (chủ đầu tư tuyến buýt sông số 1) - nói công ty làm dự án từ năm 2010 đến nay thủ tục cho thuê đất vẫn chưa xong, bến bãi không đủ dẫn tới trì trệ hoạt động. "Công ty mong các đơn vị sớm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện hạ tầng", ông Toản nói.

Ông An Sơn Lâm - đại diện tàu Đông Dương - nêu ra câu chuyện tĩnh không cầu trên sông thấp gây khó cho tàu qua lại, tàu du lịch hầu như không qua được cầu Sài Gòn và cầu Ba Son. Đã có doanh nghiệp mua tàu lớn nhưng khi mang về lại không thể đi qua một số cầu trên sông Sài Gòn.

"Suốt những năm qua, nhiều doanh nghiệp nóng lòng muốn đầu tư phát triển sông Sài Gòn "trên bến, dưới thuyền" như nhiều nước trên thế giới. Muốn như vậy TP.HCM cần đầu tư xứng tầm, có cơ chế tháo gỡ khó khăn đầu tư bến bãi, điểm neo đậu, đồng bộ tĩnh không cầu tạo luồng, tuyến đường thủy phù hợp với xu hướng phát triển trong vòng vài chục năm", ông Lâm nói.

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Bùi Hòa An - phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM - khẳng định trong giai đoạn 2023-2025, Sở GTVT TP cùng với Sở Du lịch TP và các đơn vị nỗ lực tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy phát triển mạng lưới vận tải, du lịch đường sông

Riêng vấn đề thiếu bến bãi, Sở GTVT đã phối hợp với các đơn vị khảo sát 12 vị trí neo đậu để phát triển du lịch TP.HCM, đặc biệt là huyện Cần Giờ.

Về lâu dài, Quốc hội vừa thông qua nghị quyết mới về cơ chế đặc thù cho TP.HCM đột phá để "khơi thông" hạ tầng giao thông đường thủy, tạo sức bật cho du lịch thủy và kinh tế ven dòng sông Sài Gòn. Với nghị quyết này, rất nhiều vướng mắc được tháo gỡ, mở ra giai đoạn mới cho ngành đường thủy, kỳ vọng sớm "chia lửa" với đường bộ.

Đường sông chưa thông vì vướng thủ tục - Ảnh 4.

Nhiều bến thủy, bến du thuyền vẫn nằm trên giấy

Tuyến phà đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của người dân TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: THANH ĐẠM

Tuyến phà đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của người dân TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: THANH ĐẠM

Dù lợi thế song việc khai thác các tuyến vận tải thủy TP.HCM chưa xứng tiềm năng vì vướng nhiều thủ tục. Nhiều bến bãi còn nằm trên giấy suốt nhiều năm ảnh hưởng quá trình phát triển vận tải, du lịch...

16 năm trước, dự án bến tàu khách quốc tế nằm trong quần thể dự án khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu nhà ở đô thị quy mô 117ha tại phường Phú Thuận (quận 7), do Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula làm chủ đầu tư, đã được TP phê duyệt nhưng do vướng thủ tục mà đến nay bến tàu vẫn chưa xây dựng.

Ở khu vực trung tâm TP, khu cảng Sài Gòn - Khánh Hội có cầu cảng bằng bê tông cốt thép kiên cố, thuận lợi để tàu khách nội địa, tàu nhà hàng, tàu hành khách quốc tế ra vào. Khu cảng này thuộc dự án khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội đã được TP.HCM chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH đầu tư phát triển Ngọc Viễn Đông làm chủ đầu tư vào năm 2016 nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thể triển khai xây dựng.

Năm 2015, Công ty TNHH Thường Nhật trúng thầu vận hành tuyến buýt thủy số 1 và 2. TP phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi về 19 vị trí để làm bến thủy công cộng. Tuy nhiên, đến nay việc giao nhận đất để xây dựng bến bãi theo hợp đồng ký kết vẫn chưa hoàn thiện vì công tác triển khai quy hoạch bến bãi rất chậm.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đường thủy, việc chậm triển khai theo kế hoạch sẽ làm tuyến vận tải thiếu bến, gây bất tiện cho chuyện đi lại của người dân.

"Hiện nay TP đã có đề xuất phát triển khoảng 400 bến thủy để khai thác lợi thế hơn 1.000km sông ngòi, kênh rạch. Tuy nhiên, việc quan trọng nhất vẫn là triển khai, cập nhật quy hoạch các bến bãi. Bởi theo quy định, có quy hoạch mới có thể xây dựng được bến bãi, nhà chờ", lãnh đạo doanh nghiệp trên nói.

Nhiều tuyến giao thông thủy kết nối với TP.HCM

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 36 tuyến, luồng đường thủy nội địa với tổng chiều dài 324km, phân bố trong đất liền và Côn Đảo. Trong đó có 24 tuyến sông có thể khai thác vận tải với tổng chiều dài khoảng 119km ở khu vực đất liền.

Hệ thống đường thủy nội địa hiện hữu đã góp phần đáp ứng được nhu cầu vận tải nội địa không những của tỉnh mà còn trung chuyển hàng hóa phục vụ xuất nhập khẩu giữa hệ thống cảng biển của Bà Rịa - Vũng Tàu với ĐBSCL và TP.HCM. Đặc biệt, tuyến phà biển Vũng Tàu - Cần Giờ khai trương đã đáp ứng nhu cầu đi lại, đa dạng hóa hình thức vận tải, tăng cường khả năng kết nối của TP Vũng Tàu với các tỉnh thành trong vùng.

Ông Trần Thượng Chí (giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Bình Dương và TP.HCM hợp tác "đánh thức" sông Sài Gòn

Đường thủy giữa TP.HCM và Bình Dương có sông Sài Gòn (từ ngã ba Thị Nghè đến đập Dầu Tiếng) dài 130km, theo quy hoạch là một trong 26 tuyến vận tải thủy chính của miền Nam đến năm 2030. Có 16 cảng được quy hoạch trên sông Sài Gòn qua địa bàn TP.HCM và Bình Dương, góp phần chia sẻ áp lực với đường bộ và thúc đẩy logistics.

Bình Dương đang lên kế hoạch xây dựng cảng An Tây trên sông Sài Gòn, giáp với vành đai 4 TP.HCM trong giai đoạn 2023-2027. Đây là cảng sông quy mô lớn, diện tích dự kiến 100ha, tổng mức đầu tư gần 2.300 tỉ đồng. Cảng sông An Tây sẽ mở ra "con đường tơ lụa" mới trên sông để kết nối các nhà máy, khu công nghiệp từ Bình Dương tới các cảng tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Võ Văn Minh (chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương)

Năm 2024 sẽ có phà biển kết nối TP.HCM với Tiền Giang

Tuyến phà biển kết nối TP.HCM với Tiền Giang có cự ly khoảng 12km (một chiều), kết nối thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông) với huyện Cần Giờ để tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa và phát triển du lịch của hai địa phương.

Tuyến sẽ sử dụng hai phà biển có khả năng chở trên 250 hành khách, 100 xe máy và 15 ô tô, xe tải. Kinh phí đầu tư ước tính khoảng 114 tỉ đồng và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2024. Khi đưa vào hoạt động thì thời gian qua lại giữa hai địa phương này sẽ được rút ngắn xuống còn khoảng 30 phút, bằng phân nửa so với đường bộ.

Ông Trần Văn Bon (giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang)

Các con sông, dòng kênh kể chuyện trong Lễ hội sông nước TP.HCM

Để đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của TP, đa dạng hóa các sự kiện, lễ hội phục vụ người dân và du khách, ngành du lịch TP.HCM sẽ tổ chức Lễ hội sông nước TP.HCM lần thứ nhất năm 2023 vào tháng 8.

Lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 4 đến 6-8 tại các địa điểm: cảng Sài Gòn - cảng hành khách tàu biển, công viên bến Bạch Đằng, khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, bến Bình Đông, khu du lịch văn hóa Suối Tiên và các khu du lịch, điểm đến khác trên địa bàn TP Thủ Đức và các quận, huyện.

Điểm nhấn của sự kiện là show diễn thực cảnh với chủ đề "Sài Gòn - Dòng sông kể chuyện". Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, câu chuyện lịch sử của một Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM được kể trong năm chương nghệ thuật gồm: Khẩn hoang - Mở cõi - Trên bến dưới thuyền - Hòn ngọc Viễn Đông - Rực rỡ TP bên sông.

Các câu chuyện sẽ được kể bằng sự kết hợp giữa các loại hình nghệ thuật từ dân gian đến đương đại, âm nhạc, vũ kịch, ánh sáng, điện ảnh đậm sắc màu văn hóa - nghệ thuật, giải trí kết hợp cùng các công nghệ trình diễn hiện đại.

Ngoài ra, trong lễ hội còn có màn diễu hành từ cảng Sài Gòn đến Landmark 81 với khoảng 30 - 40 tàu thuyền của các đơn vị đang khai thác du lịch trên sông Sài Gòn.

Bí thư Nguyễn Văn Nên: Quan tâm phát triển giao thông đường sông, đường sắtBí thư Nguyễn Văn Nên: Quan tâm phát triển giao thông đường sông, đường sắt

Ngoài đường bộ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng cần quan tâm, quy hoạch phát triển thêm giao thông đường sông, đường sắt trong kết nối vùng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp