Phần 6,4ha có chứa các đường sắt đã mọc nhà, phần 4,8ha dự kiến lắp lại 3 đường sắt đã tháo cũng đã thành dự án nhà ở thương mại - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phản hồi về đề nghị lắp lại 3 đường sắt đã dỡ từ 2015, Công ty cổ phần Vật tư đường sắt Sài Gòn cho biết tháng 1-2015, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thoái toàn bộ 73,79% cổ phần tại doanh nghiệp này.
Tài sản đường sắt nằm trên đất doanh nghiệp?
Tại bản công bố thông tin cho nhà đầu đầu tư, Công ty cổ phần Vật tư đường sắt Sài Gòn có các hợp đồng thuê đất tại rộng 117.332m2, hợp đồng thuê trụ sở công ty 86 Nguyễn Thông (Q.3, TP.HCM).
"Trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Trạm vật tư đường sắt Dĩ An cấp năm 2011 không có phần diện tích đường sắt", văn bản nêu.
Ngoài ra, công ty còn có dự án góp vốn bằng quyền sử dụng đất thuê với diện tích 63.080m2 (trong tổng 117.332m2 đất trạm vật tư) với Công ty TNHH Phát triển Nhà xe lửa Dĩ An làm dự án nhà ở thương mại.
Kết quả thoái vốn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thu về hơn 34,9 tỉ đồng từ việc bán toàn bộ 73,79 % cổ phần tại doanh nghiệp.
Công ty cổ phần Vật tư đường sắt Sài Gòn cho rằng kết cấu hạ tầng các nhánh đường sắt là tài sản Nhà nước khi cổ phần hóa, thoái vốn lại nằm trên đất doanh nghiệp này.
Sau khi thoái hết vốn, tháng 5-2015 Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã cho doanh nghiệp cải dịch các đường sắt tại trạm vật tư lấy đất làm dự án.
Tháng 12-2016, UBND Bình Dương cho Công ty phát triển nhà xe lửa Dĩ An sử dụng 64.050m2 (đất có chứa 4 đường sắt - PV) trên tổng số 117.332m2 trạm vật tư làm dự án nhà ở thương mại đường sắt.
Phần đất còn lại 4,8ha của trạm vật tư (dự kiến lắp 3 đường sắt sau khi dịch chuyển - PV) cũng đã được chuyển nhượng cho Công ty TNHH Phát triển Nhà xe lửa Dĩ An làm dự án nhà ở mở rộng.
Công ty tiếp tục kiến nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng của 3 đường sắt tại trạm vật tư đã được doanh nghiệp này dỡ từ 2015.
Địa phương đang rà soát
Hiện Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường sắt Việt Nam đang tổng rà soát quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại Công ty cổ phần Vật tư đường sắt Sài Gòn để làm rõ trách nhiệm đơn vị liên quan đến việc dỡ đường sắt và đất dành cho đường sắt thành dự án nhà ở.
Bước đầu, Bộ Giao thông vận tải cho biết việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho doanh nghiệp lập phương án tháo dỡ, cải dịch đường sắt mà không báo cáo bộ là chưa phù hợp với quy định pháp luật.
Đồng thời, yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo đơn vị liên quan lắp lại nguyên trạng đường sắt tại khu đất, trong khi tiếp tục chờ cấp thẩm quyền kết luận.
Trao đổi ý kiến lắp lại nguyên trạng đường sắt nơi địa phương đã phê duyệt làm dự án nhà ở, một lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết lãnh đạo tỉnh này đã giao Sở Xây dựng phối hợp Sở Tài nguyên - môi trường, thị xã Dĩ An rà soát để báo cáo.
Văn phòng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng cho biết đã đốc thúc Công ty cổ phần Vật tư đường sắt Sài Gòn lắp lại các đường sắt đã dỡ tại khu đất 4,8ha trạm vật tư.
Khi được hỏi về việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không còn nắm vốn tại doanh nghiệp (thoái hết vốn từ 2015) thì "chỉ đạo" ra sao, vị này nói đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải về hướng xử lý.
Được xây dựng từ thời Pháp
Đường ray và đất dưới đường sắt Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An là tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia - Ảnh: ĐỨC PHÚ
Một chuyên gia đường sắt cho biết các đường sắt tại Trạm vật tư đường sắt Dĩ An được xây dựng từ thời Pháp. Trong đó, Trạm vật tư đường sắt Dĩ An là ga hàng hóa có công trình chạy tàu, lẽ ra không được giao cho doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thoái vốn.
Tuy nhiên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không chỉ giao cho doanh nghiệp, sau đó còn cho cải dịch, dỡ đường lấy đất làm dự án.
Thời điểm cổ phần hóa hàng loạt doanh nghiệp đường sắt năm 2015, hầu hết đất đai đất dành cho đường sắt như đất có công trình chạy tàu, đất nhà ga, trụ sở, nhà xưởng, nhà điều hành… đã được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam rút về để quản lý trực tiếp, chứ không giao cho doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận