29/10/2006 12:05 GMT+7

Đường sắt Việt Nam: bài toán cần giải

Kỹ sư TRẦN ĐÌNH BÁ
Kỹ sư TRẦN ĐÌNH BÁ

TTCT - Sau khi đọc bài phỏng vấn tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt VN Nguyễn Hữu Bằng về dự án 30,8 tỉ USD làm đường sắt cao tốc (ĐSCT), tôi rất phấn khởi nhưng cảm thấy băn khoăn về tính khả thi...

Đường sắt (ĐS) được coi là phương tiện vận tải chủ lực xếp đầu bảng của tất cả các loại hình vận tải, luôn giành được tỉ lệ cao nhất về thị phần vận tải hành khách cũng như hàng hóa ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

ĐS nước ta ra đời từ năm 1883. Hệ thống các nhà ga ĐS có mối quan hệ trực tiếp với hệ thống không cảng, hải cảng, xa cảng đường bộ..., các hầm mỏ, các nhà máy lớn, các trung tâm công nghiệp, khu chế xuất nên rất thuận tiện trong hỗ trợ lưu thông, đáp ứng mọi nhu cầu vận tải và khai thác tiềm năng, giành nhiều thị phần kinh doanh vận tải.

Ngay sau khi vừa kết thúc chiến tranh (1975), Quốc hội - Chính phủ đã quyết định khôi phục ngay tuyến ĐS xuyên Việt. Từ đó đến nay ngành ĐS đã không ngừng nỗ lực điều hành, kinh doanh, tiếp nhận đổi mới công nghệ, tăng tốc... để góp phần phát triển đất nước. Song, trước đòi hỏi của qui luật phát triển và qui luật cung cầu, ĐS nước ta đang đứng trước một vận hội kèm theo thách thức rất lớn: đó là tình trạng quá tải, tụt hậu rất xa về công nghệ, độ an toàn, giải pháp điều hành và tình trạng này cần phải giải quyết.

2.600km ĐS hầu hết là khổ hẹp 1m, chỉ phù hợp với đầu máy hơi nước và toa xe cỡ nhỏ thời Pháp. Nay (do nhu cầu vận tải và đổi mới kỹ thuật) phải “chịu đựng” đầu máy diesel có công suất kéo các toa tàu khối lượng lớn nên ngành ĐS nước ta giống như chàng lực sĩ đi trên đôi chân khẳng khiu suy dinh dưỡng. Mặc dù ĐS VN đã nỗ lực rất lớn trong việc đổi mới nhiều loại tà vẹt, ray, gia cố cầu cống, hệ thống tín hiệu, đổi mới cách thức điều hành... để tăng tốc, rút ngắn hành trình Bắc Nam từ 42 giờ xuống còn 29 giờ, song khổ đường lạc hậu 1m tồn tại hơn 100 năm đã và đang trở thành “hàm chặn trên” (limitted - upper) của bài toán kinh tế - kỹ thuật. Mọi nỗ lực trí tuệ và vật chất trên con đường khổ 1m cũng chỉ là “lực bất tòng tâm”.

Lẽ ra ĐS VN phải đảm đương trên 50% thị phần vận tải nhưng theo số liệu chính xác của ngành (công bố trên trang web: www.vr.com.vn) thì chỉ đạt 9% thị phần vận tải về hành khách và 4% về hàng hóa. Về tính năng kỹ thuật, tốc độ chạy tàu E hành trình tốt nhất 29 giờ mới chỉ đạt trung bình 59,5km/giờ (kém xa tốc độ xe hơi). Về kinh tế, giá vé của ĐS cao gần bằng vé máy bay giá rẻ và tàu khách cánh ngầm cao tốc, cao gấp ba lần giá vé ôtô... trong khi ngốn một quĩ thời gian vận chuyển cao hơn nhiều lần máy bay và ôtô...

RszHzzCg.jpgPhóng to
Đường đôi hai chiều sau khi mở rộng kỹ thuật khổ đường và điện khí hóa
aHq6pQbV.jpg
Thay tà vẹt ba ray để mở rộng kỹ thuật khổ đường

Về độ an toàn, do tốc độ đã tăng cận kề với giới hạn nguy hiểm nên thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ tai nạn kinh hoàng tác động không nhỏ đến tâm lý lái tàu và hành khách, làm nhiều chuyến tàu sau đó hầu hết đều chậm giờ.

Như vậy khổ đường 1m đã và đang “trói chặt” mọi tiềm năng, kéo lùi ĐS VN vào vị trí tụt hậu nhất của năm loại hình vận tải và ngày càng không thể giữ nổi thị phần của mình vốn đã rất thấp, làm phụ lòng mong muốn và kỳ vọng của toàn xã hội.

Biện pháp đang làm của ĐS VN là gia cố đường bằng tà vẹt dự ứng lực để tăng tốc 120km/giờ là một cố gắng lớn nhưng vẫn còn “vòng kim cô” khổ 1m nên “lạc hậu vẫn hoàn lạc hậu”. Việc kiên cố hóa này lại đặt thêm một “vòng kim cô” nữa khóa chặt tương lai của toàn bộ hệ thống ĐS nước ta.

Phương án đầu tư 30,8 tỉ USD để làm mới toàn bộ mạng lưới ĐS cao tốc hai chiều riêng biệt mang tính đột phá chiến lược nhằm đi đầu đón tắt nhưng lại ngốn một lượng ngân sách rất lớn của một quốc gia đang vừa đổi mới vừa tích lũy. Dự án khổng lồ này cần có nhiều thời gian nghiên cứu, trình duyệt, đền bù giải tỏa, thi công... kéo dài phải trên 15 năm nên dễ dàng để trôi đi cơ hội kinh doanh và phục vụ của ĐS VN.

Sau khi hệ thống ĐSCT toàn quốc hoàn thành thì “cung” sẽ vượt “cầu” và để lại sự hoang phế toàn bộ hệ thống ĐS khổ 1m đã gia cố thêm bằng 1,65 tỉ USD. Đã thế, việc phân chia ba giai đoạn để đầu tư ĐSCT sẽ “chặt khúc” tuyến ĐS xuyên Việt thành ba phần làm gián đoạn hoạt động lưu thông đến ba lần, tạo nên mất cân bằng áp lực dòng chảy trên “huyết mạch” này và có thể gây nghẽn mạch, vỡ mạch.

Giải pháp đầu tư ĐSCT như trên sẽ đặt ĐS VN trước một hệ điều hành “ma trận” gồm nhiều loại đường: 1m, đường luồng, đường 1,435m và ĐSCT, rất phức tạp.

Mục tiêu “đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp” đang đặt ra cho ngành giao thông vận tải nói chung và ĐS nước ta một áp lực thời gian khẩn cấp, làm cho bài toán tối ưu vận tải và hạch toán đầu tư càng thêm nan giải khi chọn lựa giải pháp công nghệ, vốn, tiến độ thực hiện, giữa vận hội và thách thức, trước sự kỳ vọng rất lớn của Nhà nước và nhân dân.

Lợi thế của hệ thống ĐS nước ta đã được thử thách cả trăm năm, đã tích lũy được giá trị nội lực hàng chục tỉ USD. Nếu năng động nhạy cảm đầu tư chỉ 2 tỉ USD để mở rộng kỹ thuật khổ đường 1m thành 1,435m kết hợp đồng bộ với điện khí hóa là một cách giải cho bài toán thực tế đặt ra, nhanh chóng hiện đại hóa ĐS chỉ trong vòng 3-5 năm.

Mở rộng kỹ thuật đồng bộ với điện khí hóa là bước đổi mới công nghệ quan trọng nhất thay thế được đầu máy diesel nhằm giảm tải để tăng tốc độ chạy tàu an toàn 200-250km/giờ, tăng nhanh được thị phần 13% lên 60-80%, doanh thu hằng năm từ 4.700 tỉ đồng hiện nay tăng lên trên 27.000 tỉ đồng (tương đương 1,7 tỉ USD), xóa bỏ toàn bộ khổ ĐS 1m kèm theo là loại bỏ triệt để hệ thống đường lồng 1m+1,435, giúp ngành ĐS VN điều hành an toàn chính xác một mạng lưới duy nhất khổ 1,435m tiêu chuẩn quốc tế.

Sau khi mở rộng kỹ thuật để tăng tốc - tăng vòng tăng chuyến, ĐS VN đáp ứng được nhu cầu vận tải trong 20-25 năm. Khi dân số nước ta đạt 100 triệu người sẽ bắt đầu thực hiện mở rộng bên cạnh một tuyến đường mới để chạy hai chiều riêng biệt. Cách làm nhằm tiết kiệm vốn đầu tư, chống được hiện tượng “cung” vượt “cầu”, tiết kiệm được diện tích đất, khối lượng đất đắp cùng chi phí đền bù giải tỏa, tái định cư...

Đầu tư mở rộng ĐS VN ngay bây giờ sẽ tránh cho Nhà nước và ngành ĐS khỏi nguy cơ “ném xuống ao bèo” 24.500 tỉ đồng tiền đầu tư gia cố đường bằng tà vẹt dự ứng lực khổ 1m. Giải pháp này cũng tránh cho Nhà nước và nhân dân thoát khỏi cảnh phải gồng mình gánh thêm món nợ khổng lồ 30,8 tỉ USD vốn vay nước ngoài để làm ĐSCT.

Khi ĐS đáp ứng được trên 50% thị phần vận tải lập tức giảm ngay áp lực quá tải trên đường bộ nhằm giảm thiểu hữu hiệu tai nạn giao thông. Không mở rộng hoặc không chịu nghĩ cách mở rộng ĐS VN là một thiệt thòi to lớn cho quốc gia. Đầu tư mở rộng kỹ thuật ĐS là một sự lựa chọn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước và đáp ứng xu thế hội nhập.

9PLpv6Ve.jpgPhóng to
Kỹ sư TRẦN ĐÌNH BÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp