Kiến nghị lựa chọn tốc độ thiết kế 350km/h cho đường sắt tốc độ cao
Theo thông báo Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến dự án (350km/h) đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Theo Bộ Giao thông vận tải, bộ đã nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao tại 22 quốc gia, vùng lãnh thổ đang khai thác và 6 quốc gia đang đầu tư xây dựng mới; đoàn công tác liên ngành khảo sát tại 6 quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển.
Từ kinh nghiệm quốc tế, kết quả dự báo nhu cầu vận tải, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị công năng tổng thể của đường sắt trên trục Bắc - Nam như sau:
Đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết; đường sắt Bắc - Nam hiện hữu vận chuyển hàng hóa và khách du lịch chặng ngắn.
Về tốc độ, bộ kiến nghị lựa chọn tốc độ thiết kế 350km/h. Thực tế tại các nước, đường sắt tốc độ 350km/h phù hợp với các tuyến dài từ 800km trở lên, tập trung nhiều đô thị có mật độ dân số cao như hành lang Bắc - Nam nước ta. Tốc độ này có khả năng thu hút lượng hành khách cao hơn so với tốc độ 250km/h khoảng 12,5% (theo tính toán).
Về chi phí, chi phí đầu tư tốc độ 350km/h cao hơn tốc độ 250km/h khoảng 8-9%. Tuy nhiên, nếu đầu tư với tốc độ 250km/h, việc nâng cấp lên tốc độ 350km/h là khó khả thi và không hiệu quả.
Để có thể chở các loại hàng hóa khi cần thiết và hàng hóa đặc chủng phục vụ quốc phòng, an ninh khi có tình huống khẩn cấp, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được xây dựng với tải trọng trục 22,5 tấn/trục.
Tổng mức đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 67,34 tỉ USD
Tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã rà soát phương án đầu tư, sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật, quy mô đầu tư, tham khảo suất đầu tư các dự án đường sắt tốc độ cao đã và đang triển khai trên thế giới, sơ bộ xác định tổng mức đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 67,34 tỉ USD (khoảng 1,713 triệu tỉ đồng).
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến đầu tư với chiều dài 1.541km với 60% là cầu, 10% là hầm và 30% là nền đất nên suất đầu tư dự án khoảng 43,69 triệu USD/km. Đây là mức trung bình so với một số tuyến đường sắt tốc độ cao trên thế giới có cùng dải tốc độ khai thác khi quy đổi về thời điểm năm 2024.
Với phương án đầu tư toàn tuyến, cơ bản hoàn thành năm 2035 (đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM khởi công năm 2027, hoàn thành năm 2032; đoạn Vinh - Nha Trang khởi công năm 2028, hoàn thành năm 2035) tư vấn cho biết có ưu điểm là phát huy hiệu quả và thu hút toàn bộ hành khách đi lại trên tất cả các cung đoạn khi đưa vào khai thác. Tuy nhiên, phương án này có áp lực về vốn và tổ chức thực hiện cao hơn.
Còn phương án phân kỳ đầu tư hai giai đoạn, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2040 (đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM khởi công năm 2027, hoàn thành năm 2032; đoạn Vinh - Nha Trang khởi công năm 2033, hoàn thành năm 2040) tư vấn đánh giá chỉ đảm nhận được hành khách đi lại với cung đoạn ngắn (Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang), không đảm nhận được lượng hành khách đi lại với hành trình dài. Phương án này có ưu điểm là áp lực về vốn và tổ chức thực hiện không quá lớn.
Số liệu đánh giá sơ bộ cho thấy có khả năng cân đối vốn để đầu tư toàn tuyến; việc tổ chức thực hiện đầu tư sẽ khắc phục bằng cách huy động tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát, tư vấn luật quốc tế tham gia. Do đó, kiến nghị phương án đầu tư toàn tuyến.
Theo nghiên cứu, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM). Toàn tuyến có 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa tại các đầu mối hàng hóa lớn kết nối với Hà Nội, TP.HCM, các cảng biển lớn, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Từ kinh nghiệm quốc tế, đánh giá nguồn lực trong nước, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi kiến nghị áp dụng hình thức đầu tư công dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam năm 2035 trong khoảng 12 năm. Mỗi năm bình quân cần bố trí cho dự án khoảng 5,6 tỉ USD tương đương 24,5% vốn đầu tư công trung hạn hằng năm bố trí trong giai đoạn 2021-2025 và giảm xuống còn khoảng 16,2% trong giai đoạn 2026-2030 nếu giữ nguyên tỉ lệ đầu tư công trung hạn chiếm 5,5-5,7% GDP như hiện nay.
Về thời gian thực hiện, tư vấn kiến nghị đầu tư toàn tuyến với tiến độ như sau:
Trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 10-2024.
Đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, triển khai khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi trong năm 2025-2026.
Triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công các dự án thành phần đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM cuối năm 2027.
Khởi công đoạn Vinh - Nha Trang năm 2028-2029.
Phấn đấu hoàn thành đầu tư toàn tuyến năm 2035.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận