Chuyến tàu khách phải dừng đột xuất tại khu vực ngã tư Bình Triệu (Q.Thủ Đức) do đường ray ngập sâu tháng 8-2015 - Ảnh: ĐỨC PHÚ |
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa có chỉ thị về công tác phòng chống thiên tai trong hoạt động vận tải đường sắt năm 2016 đến các đơn vị đường sắt nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Trong đó, yêu cầu các đơn vị lập danh mục quản lý các công trình xung yếu, chịu ảnh hưởng của mùa mưa bão.
Theo Công ty CP Đường sắt Sài Gòn, năm 2015 đã xảy ra 24 vụ ngập nước ảnh hưởng đến chạy tàu: trong đó khu vực Q.Gò Vấp 13 vụ, Q.Thủ Đức 4 vụ, TP.Biên Hòa (Đồng Nai) 4 vụ... tổng thời gian chậm tàu là 1.792 phút.
Theo đó, nhiều đoạn đường sắt thuộc đơn vị trên quản lý thường xuyên ngập nặng khi mưa to, buộc tàu hỏa ngừng chạy như khu vực TP. Biên Hòa (đoạn km1694 +800 và km1695 +200).
Còn tại TP.HCM, các đoạn đường sắt ngập trải dài qua các quận: Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, trong đó, điểm ngập nặng nhất là ở phía bắc ga Gò Vấp. Đó là chưa kể hàng loạt điểm ngập nhẹ nước rút nhanh ở dọc tuyến đường sắt dài 180 km mà công ty trên quản lý.
Đường sắt đoạn ở khu vực dọc đường Phạm Văn Đồng, Q.Thủ Đức ngập sau cơn mưa tháng 9-2015 - Ảnh: ĐỨC PHÚ |
Theo quy định khi ngập mặt ray, nước có sóng, mức chênh của sóng nước từ 5cm kèm theo nước chảy xiết thì trưởng tàu cho tàu ngừng lại trước đoạn nước ngập chờ nước rút. Còn trường hợp đường ray đọng nước, tàu chạy qua đoạn ngập có tốc độ không quá 5km/g.
Khi qua vùng ngập, lái tàu phải quan sát xử lý không để nước vào các động cơ điện, ổ bi, lỗ đo dầu, hộp dầu, ắc quy…
Nếu nước xâm nhập vào các bộ phận trên sẽ dẫn tới chập hệ thống phát điện làm tàu ngưng chạy đột xuất. Còn ngập hơn đỉnh mặt ray trên 10 cm phải phong tỏa cấm tàu chờ nước rút.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận