Đồ họa: TUẤN ANH
Tuyến đường sắt này được kỳ vọng như huyết mạch quan trọng, đưa hàng hóa từ cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh về Hà Nội và Trung Quốc.
Hàng hóa sẽ đi nhanh hơn, giảm ùn ứ hàng hóa có thể giúp tăng sức phát triển khu vực duyên hải Bắc Bộ.
Tuyến giao thông qua 6 tỉnh thành, 380km với khả năng thu lợi nhuận cao. Điều này chắc hẳn Bộ Giao thông vận tải có cân nhắc khi triển khai.
Nói về câu chuyện giao thông, cả nước nơi nào cũng thiếu, khu vực nào cũng có nhu cầu đầu tư thêm và điểm chung thực tế là thiếu tiền, thiếu rất nhiều tiền!
Và không thể không nói đến khu vực ĐBSCL như một ví dụ về đói vốn giao thông.
Đến nay, khu vực này chỉ mới có 60km đường cao tốc đường bộ Sài Gòn - Trung Lương, không có một mét đường sắt nào, chưa có cảng quốc tế! ĐBSCL là vựa lúa, vùng cây trái, nguyên liệu thủy hải sản, hàng hóa giao thương trong nước và xuất khẩu rất lớn lại đang thiếu rất nhiều đường ngang dọc kết nối nội vùng và kết nối với TP.HCM cũng như cần có thêm cảng sông, biển lớn...
Thêm đường sá thì tốt nhưng làm đường cho ai đi, ai hưởng lợi trên từng con đường mới? "Ai" ở đây là nơi nào kinh tế phát triển, dân cư đông, nhu cầu vận chuyển hàng hóa lớn nhất cần được ưu tiên làm trước.
Nhiều tuyến đường cao tốc phía Bắc vẫn trong cảnh đìu hiu vắng người xe trong khi nhiều vùng kinh tế trọng điểm phía Nam kẹt xe ngày càng trầm trọng - đó là thực tế không thể phủ nhận.
Công bằng mà nói, dự án này không phải không cần thiết. Nhưng trong tình cảnh nơi nào cũng cần tiền làm đường, chuyện cần nhất là liệu cơm gắp mắm, cân nhắc thiệt hơn.
Giống như cảnh nhà nghèo đông con cần tự lực cánh sinh, tiêu pha dè sẻn, chi chỗ nào cần thiết nhất vẫn là sự lựa chọn căn cơ hơn thay vì tìm cách đi vay mượn hay chờ ai đó giúp cho. Và tự lực cánh sinh theo cách chuyện nhà mình thì mình sáng suốt định liệu chứ không phải chờ sự tính toán của nhà người ta.
Thực tế cho thấy nhiều dự án giao thông có vốn hỗ trợ từ nước ngoài kéo theo đó là công nghệ, vật liệu, phương pháp thi công của họ và... công trình không đạt chất lượng như ý.
Chúng ta vẫn còn đó những tuyến đường yểu mệnh, sớm hư hỏng, những dự án dây dưa đội giá gấp nhiều lần. Đó là sự lãng phí và sẽ là món nợ từ thế hệ này truyền lại đời sau.
TS Vũ Đình Ánh (Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả - Bộ Tài chính)
"Không đầu tư dự án trong bối cảnh hiện nay"
Không đầu tư đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong bối cảnh hiện nay vì chúng ta đang phải tập trung phát triển mạng lưới đường bộ và ưu tiên thực hiện dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Thời điểm này đầu tư dự án không có hiệu quả kinh tế. Với tốc độ phát triển khu vực phía Bắc hiện nay phải 20-30 năm tới tuyến đường sắt này mới có thể phát huy hiệu quả.
100.000 tỉ để đầu tư một tuyến đường sắt chưa phát huy hiệu quả ngay thì cần cân nhắc kỹ lại chủ trương đầu tư, bởi nguồn vốn nào cũng là nguồn lực quốc gia. Trong khi chúng ta đang có hàng loạt dự án giao thông cần thiết phải ưu tiên đầu tư trước.
Mạng lưới vận tải quanh Hà Nội hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào đường bộ, có gần chục tuyến cao tốc đã được đầu tư và đã đáp ứng cơ bản nhu cầu vận tải khu vực. Đối với vận tải hành khách, ngoài đường bộ, nhiều địa phương phía Bắc như Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La đều đã quy hoạch xây sân bay. Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là chưa cần thiết.
Cần phải nhìn nhận một thực tế rằng hàng hóa vận chuyển từ khu vực phía tây Trung Quốc ra cảng Phòng Thành (Trung Quốc) rõ ràng không thuận lợi bằng vận chuyển theo tuyến Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Nên việc đầu tư tuyến đường sắt kết nối với cảng nước sâu Lạch Huyện với mục đích vận tải hàng hóa nhiều khi không mang lại lợi ích tối đa cho Việt Nam mà đem lại lợi ích cho nước bạn.
Nếu chúng ta cứ loay hoay rót hàng trăm nghìn tỉ vào các dự án hạ tầng không thực sự hiệu quả sẽ rơi vào bẫy nợ của nước ngoài, thành gánh nặng nợ khó trả như ở nhiều quốc gia (Sri-Lanka, Pakistan, Maldives...).
B.NGỌC ghi
Trong quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các quyết định liên quan như Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt đều định hướng phát triển tuyến đường sắt mới Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, chiều dài dự kiến khoảng 380km, đường đôi (2 chiều riêng biệt), khổ 1,435m.
Kinh phí dự kiến khoảng 100.000 tỉ đồng. (Tuổi Trẻ 28-11)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận