Ngoài vận chuyển khách, đường sắt còn có lợi thế lớn về vận chuyển hàng hóa - Ảnh: T.T.D.
Dù thừa nhận rất khó so sánh chi phí vốn giữa các phương án đầu tư khác nhau, nhưng các chuyên gia cho rằng việc chi hàng chục tỉ USD để làm một tuyến đường sắt chỉ phục vụ việc vận tải hành khách là chưa hợp lý, không hiệu quả.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, nhu cầu vận chuyển hàng hóa tại Việt Nam ngày càng tăng, hệ thống đường bộ đang quá tải với chi phí vận chuyển cao, nên việc đầu tư tuyến đường sắt Bắc - Nam cần tính đến mục tiêu vận chuyển hàng hóa nhằm chia lửa với đường bộ.
Hơn nữa, trong bối cảnh hàng không giá rẻ ngày càng phát triển, người dân ngày càng có xu hướng chọn đường hàng không nên đường sắt cao tốc cũng sẽ rất khó cạnh tranh hút khách.
Đồ họa: TUẤN ANH
GS.TS Đặng Đình Đào (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển):
Lợi thế tuyệt đối của đường sắt là chở hàng
GS.TS Đặng Đình Đào
Bộ GTVT - cơ quan quản lý nhà nước về giao thông - lại có phương án đầu tư đường sắt cao tốc chỉ dành cho hành khách mà không tính đến hàng hóa là rất khó hiểu.
Đa số các quốc gia khi phát triển đường sắt đều kết hợp giữa vận tải hàng hóa và vận tải hành khách. Đầu tư hàng chục tỉ USD chỉ để chở hành khách là chưa hợp lý, phải hướng đến mục tiêu chở hàng hóa bằng đường sắt. Vận tải hàng hóa với quy mô, khối lượng lớn từ lâu đã là lợi thế tuyệt đối của ngành đường sắt.
Trung Quốc mở đường sắt đi châu Âu chủ yếu hướng tới vận tải hàng hóa, chứ không chỉ tính tới vận chuyển hành khách. Đường sắt của Trung Quốc đã nối sang tới nước Đức, chuẩn bị nối tới nước Anh. Việc đầu tư một tuyến đường sắt cao tốc 58,7 tỉ USD chỉ để chở khách là không cần thiết.
Tuyến đường sắt hiện hữu người Pháp đầu tư 136 năm trước đã rất lạc hậu và chỉ có một chiều, nên không đáp ứng được nhu cầu vận tải. Do đó, trên nền hạ tầng đường sắt Bắc - Nam khổ 1m hiện nay, cần đầu tư nâng cấp lên khổ 1,435m và làm hai chiều để nâng cấp tốc độ chạy tàu lên 200 km/h.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thái (phó chủ tịch Hội Kinh tế vận tải đường sắt Việt Nam):
Rất khó so sánh vốn giữa các phương án đầu tư khác nhau
PGS.TS Nguyễn Hồng Thái
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là một bài toán rất lớn cần phải tính ở nhiều góc độ tổng thể, chứ đưa ra thông tin đơn giản rất khó so sánh vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thông thường thế giới chọn phương án đầu tư đường sắt khai thác ở tốc độ 200-300km/h. Tốc độ thấp thì chi phí đầu tư và vận hành sẽ thấp hơn tốc độ cao vì yêu cầu kỹ thuật khác nhau.
Tôi được biết tất cả phương án nghiên cứu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được đơn vị tư vấn trình bày nhiều lần qua các hội nghị và nhiều nội dung đã được cơ quan liên quan thông qua trước khi Bộ GTVT trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Về nguyên tắc, các phương án đều phải so sánh kèm theo tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ, năng lực, mục đích đầu tư, đáp ứng nhu cầu tương lai trong bao nhiêu năm.
Do đó phải tính toán các phương án để so sánh đầy đủ, chứ không chỉ nói ở góc độ vài câu đơn giản để khẳng định phương án nào hơn phương án nào. Nếu so sánh phương án chỉ thuần túy về mức giá sẽ rất khó mường tượng được.
Bởi làm đường rộng 8m tốn ít tiền nhưng mau quá tải, còn làm đường rộng 15m có thể đáp ứng nhu cầu trong thời gian dài hơn nhưng tốn nhiều tiền hơn. Vì vậy, giữa kịch bản 200km/h và 300km/h không chỉ so sánh thuần túy tổng mức đầu tư mà cả hiệu quả, chi phí trong quá trình khai thác thế nào.
TS Vũ Đình Ánh (chuyên gia kinh tế):
Không thể lấy nhu cầu hiện tại để quyết định
TS Vũ Đình Ánh
Đường sắt cao tốc là một phương tiện giao thông nên cần đặt trong mạng lưới giao thông với các phương tiện khác nhau và đặt trong lộ trình phát triển giao thông 10-20 năm tới. Phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ 160-200km/h của Bộ KH-ĐT đỡ tốn hơn so với phương án của Bộ GTVT.
Theo đề xuất của Bộ KH-ĐT, tuyến đường sắt mới này sẽ vừa chở khách vừa chở hàng, kết nối được với các phương tiện giao thông khác. Đây là đề xuất ban đầu cần phân tích kỹ hơn, vì không nhất thiết hàng hóa cứ phải chở bằng đường sắt.
Hơn nữa, dù phương án này tiết kiệm hơn nhưng việc quyết định đầu tư cần đặt trong tầm nhìn 20-30 năm tới của giao thông Việt Nam và các nước trong khu vực. Không thể lấy nhu cầu hay hiểu biết hiện tại để quyết định một đại dự án phục vụ nhu cầu 20-30 năm sau. Cần làm rõ các vấn đề này trước khi quyết định đầu tư.
Đường sắt chỉ dành riêng cho hành khách rất lãng phí
Tôi ủng hộ quan điểm chúng ta nên làm đường sắt tốc độ cao với tốc độ từ 200km/h trở xuống, thay vì đầu tư đường sắt cao tốc với suất đầu tư quá lớn 58,7 tỉ USD. Bởi về quy mô, tiêu chuẩn, kỹ thuật, tài chính và độ rủi ro khi đầu tư của tuyến đường sắt tốc độ cao đều thấp hơn đường sắt cao tốc.
Khi làm một dự án phải hiểu được đặc điểm tình hình vận tải, thị trường vận tải đất nước hiện nay. Đề xuất đầu tư đường sắt cao tốc 58,7 tỉ USD mà chỉ vận chuyển được hành khách sẽ vô cùng lãng phí, đánh mất lợi thế trục xương sống vận tải hàng hóa.
Trong khi đó, phương án làm đường sắt tốc độ cao hiệu quả kinh tế sẽ rõ hơn vì có thể chạy tàu hỗn hợp, tức là chuyên chở hàng hóa, hành khách. Tuyến đường này sẽ "chia lửa" với ôtô hằng ngày đang gánh hàng triệu tấn hàng làm cho mạng lưới giao thông đường bộ "nghẹt thở".
Theo thống kê sản lượng hành khách của tuyến đường sắt những năm gần đây cho thấy chặng ngắn, chặng dài đều nhường vị thế cho các hãng hàng không. Thị phần vận tải đường sắt ngày càng teo tóp và chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong thị phần vận tải, bởi thời gian di chuyển cùng với một lộ trình đều thua hàng không.
Ngay cả tuyến đường sắt cao tốc 58,6 tỉ USD nếu được đầu tư cũng rất khó có thể giành được thị phần vận tải hành khách so với vận tải hàng không đang ngày càng phát triển mạnh. (Nguyên một cán bộ Công ty CP Đường sắt Sài Gòn, Đức Phú ghi)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận