Quang cảnh buổi họp báo - Ảnh: NAM TRẦN
Ông Dương Đức Tuấn cho biết đúng 7h ngày 6-11 sẽ tổ chức lễ bàn giao tiếp nhận dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông giữa Bộ Giao thông vận tải và UBND TP Hà Nội, sau đó các đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ chính thức khai thác thương mại.
UBND TP Hà Nội miễn phí đi tàu 15 ngày đầu tiên để hành khách làm quen với tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội và Việt Nam.
Theo ông Tuấn, dự án được vận hành qua 3 giai đoạn. Giai đoạn vận hành thử đã thành công, an toàn tuyệt đối với 5.740 chuyến tàu và hơn 70.000km an toàn dưới sự giám sát của tư vấn và các cơ quan chức năng.
Giai đoạn 2 từ ngày 6-11 tới, kéo dài khoảng một năm, sau đó đánh giá, đủ kiều kiện sẽ chuyển sang giai đoạn 3 - khai thác vận hành bền vững.
Ông Tuấn cho biết trong những ngày đầu, đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ chạy 6 đoàn tàu với giãn cách 10 phút/chuyến. Sau 6 tháng sẽ chạy 12 đoàn tàu với tần suất 6 phút/chuyến, còn 1 đoàn tàu dự phòng.
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) sẽ vận hành từ ngày 6-11 - Ảnh: NAM TRẦN
Theo ông Vũ Hồng Trường - tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (Metro Hà Nội), đến nay Metro Hà Nội đã cập nhật toàn bộ các khuyến cáo về vận hành của tư vấn và bổ sung 82 nhân sự khắc phục phòng ngừa rủi ro khi khai thác như cảnh giới an toàn tại ke ga. Tổng số nhân sự khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông là 733 nhân viên.
Ông Trường cho biết trong 6 tháng đầu, tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành theo tần suất từ thấp tới cao để vừa phù hợp với thông lệ chung và mức độ sử dụng dịch vụ của người dân. Các đoàn tàu sẽ khai thác từ 5h30, đóng lúc 23h hằng ngày, tần suất chạy tàu 10 phút/chuyến.
Trong 15 ngày đầu, hành khách sẽ đi tàu miễn phí. Sau đó tính giá vé theo quyết định của UBND TP Hà Nội với giá vé chặng 8.000 - 15.000 đồng, giá mở cửa 7.000 đồng, mỗi kilômet thêm 600 đồng. Bên cạnh đó có vé ngày, vé tháng.
"Do công nghệ của metro nên lần đầu tiên Việt Nam áp dụng đi dài trả tiền nhiều, đi ngắn trả tiền ít; vé tháng tính tròn 30 ngày, không theo tháng thiếu, tháng thừa ngày", ông Trường nói.
Với kết nối xe buýt, ông Trường cho biết dọc tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 55 tuyến xe buýt đã có phương án kết nối với đường sắt này từ năm 2020. Ga đầu Cát Linh và ga cuối Yên Nghĩa có 16 tuyến buýt, ga ít nhất 7 tuyến. Trong tương lai sẽ có 59 tuyến xe buýt kết nối với đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
"Hiện không có chỗ bố trí cho khách đi ô tô cá nhân gửi xe để đi tàu nhưng có 12 ga bố trí chỗ gửi xe máy cho người dân đi tàu", ông Trường cho biết thêm hành khách đi tàu được bảo hiểm khi có tai nạn như với xe buýt, tàu hỏa, máy bay.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về bài học kinh nghiệm từ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết: "Bài học đầu tiên là chúng ta chưa có tiêu chuẩn về đường sắt đô thị; thứ hai là chuẩn bị đầu tư chưa tốt, chưa lường hết được nên phải điều chỉnh bổ sung, trình cấp thẩm quyền nên mất thời gian".
Bài học thứ ba, với dự án phức tạp trong đô thị thế này, ông Đông cho biết đã đề xuất cấp thẩm quyền tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, xong mặt bằng mới triển khai thi công xây lắp.
"Dự án Cát Linh - Hà Đông thi công, lắp đặt 3 năm là xong nhưng khởi công khi chưa có mặt bằng để khảo sát thiết kế nên kéo dài", ông Đông dẫn chứng.
Thứ tư là hệ thống quy định pháp luật về dự án theo hợp đồng trọn gói (EPC) theo tiêu chuẩn FIDIC của Việt Nam chưa đồng bộ.
"Hợp đồng EPC tổng thầu làm tất cả từ thiết kế đến khi bàn giao khai thác. Còn của ta thì chủ đầu tư lại phê duyệt dự toán, thiết kế. Cần nghiên cứu có quy định chi tiết hơn trong quản lý hợp đồng EPC", ông Đông cho biết và nêu thêm lý do đội ngũ cán bộ lần đầu làm dự án này chưa có kinh nghiệm cũng là một trong những nguyên nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận