Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục bám sát nghị quyết của Trung ương Đảng, kết luận của Bộ Chính trị, nghị quyết của Quốc hội và tiếp thu ý kiến của các bộ, cơ quan dự họp, khẩn trương hoàn thiện đề án.
Trong đó lưu ý, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao phải bảo đảm yếu tố hiện đại, đồng bộ, bền vững; gắn với phát triển đồng bộ cả 5 phương thức giao thông gồm: hàng không, đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa trong dài hạn.
Đáng chú ý, đề án nhấn mạnh việc nghiên cứu mở rộng phạm vi thêm đoạn tuyến TP.HCM - Cần Thơ. Rà soát kỹ hướng tuyến để bảo đảm hướng tuyến thẳng nhất có thể, đồng thời tạo không gian mới. Nghiên cứu thêm việc giảm số lượng ga để giảm chi phí.
Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến chuyên gia rộng rãi để lựa chọn phương án phù hợp nhất (so sánh phương án đồng thời vận tải hành khách và vận tải hàng hóa; phương án chỉ vận tải hành khách).
Thường trực Chính phủ yêu cầu hoàn thiện cơ chế, chính sách như Luật Đường sắt sửa đổi, quy định về đường sắt tốc độ cao; cơ chế huy động nguồn lực (ngân sách nhà nước là chính nhưng cần tổng hợp các nguồn lực với việc kết hợp nguồn thu từ giá trị gia tăng phát triển đô thị, kêu gọi xã hội hóa, thu hút vốn tư nhân đầu tư đầu máy, toa xe...); cơ chế giải phóng mặt bằng, khai thác mỏ nguyên vật liệu...
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu thành lập Tổ công tác triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam do Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm tổ trưởng.
Các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện đề án, trình Thường trực Chính phủ, trình Bộ Chính trị trong tháng 3-2024. Khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2024.
Ngoài ra, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan khẩn trương làm việc với phía Trung Quốc để thống nhất biên bản ghi nhớ, phương án hỗ trợ, hợp tác đầu tư về ba tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Hạ Long - Móng Cái (tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Quảng Ninh kéo dài).
Sớm đầu tư các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, kết hợp vận tải hàng hóa và hành khách; tuyến Cần Thơ - TP.HCM chủ yếu là hành khách.
Trước mắt cần tập trung đầu tư các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (phấn đấu khởi công trong năm 2025), nghiên cứu phương án sử dụng vốn vay ưu đãi nước ngoài (xác định rõ: lãi suất vay ưu đãi, giá trị vay và thời gian vay) và phương án phát hành trái phiếu để đầu tư.
Sớm khởi động lại để triển khai đầu tư hoàn thành tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân theo đúng kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận