Phóng to |
Sáng 29-3, tại địa phận xã Thiên Tân, huyện Duy Tiên (Hà Nam), từng đoàn xe quá tải chạy ngược xuôi ngay trước mặt CSGT nhưng không bị dừng xe kiểm tra - Ảnh: Lâm Hoài |
Tại Hà Nam, ngay điểm tiếp giáp đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với huyện Duy Tiên, hàng loạt xe tải lớn chở đá, ximăng nối đuôi nhau chạy rầm rầm. Từ TP Phủ Lý rẽ đường tỉnh ĐT.494 dẫn về khu mỏ đá Bút Sơn (xã Hồng Sơn, H.Kim Bảng) dễ dàng chứng kiến nhiều xe tải trọng lớn chở vật liệu xây dựng chạy qua đây.
Trải nhựa vài tháng đã hư
Theo người dân địa phương, tuyến đường này mới trải nhựa vài tháng nhưng giờ đã hư hỏng nhiều chỗ. Nghiêm trọng nhất phải kể đến đoạn cầu dân sinh xã Hồng Sơn, mấy trăm mét đường đoạn này bị biến dạng, xuất hiện ổ voi, sóng đường gập ghềnh. Chị Nguyễn Thị Lụa (xã Hồng Sơn, H.Kim Bảng) bức xúc cho biết một người địa phương từng sụp ổ voi chết tại chỗ ở đoạn đường này.
"Trong quá trình làm việc chúng tôi chịu sức ép nhiều, dừng xe lại là có điện thoại can thiệp ngay. Có giai đoạn ở một tuyến đường của Ninh Bình cấm hầu hết các xe quá tải của các cá nhân, doanh nghiệp, thế nhưng riêng xe của một doanh nghiệp vẫn vô tư chạy. Thậm chí báo chí phản ánh mà vẫn không giải quyết được" Ông Nguyễn Văn Hanh (chánh thanh tra Sở GTVT Ninh Bình) |
Cách đường ĐT.494 khoảng 5km là đường vành đai Phủ Lý - tuyến trung chuyển vật liệu xây dựng từ mỏ đá Kiện Khê (Hà Nam) đi các nơi. Mỗi ngày tuyến này phải gánh hàng trăm lượt xe tải hạng nặng chở đá từ mỏ chạy qua. Hiện tuyến đường này bị cày nát nhiều chỗ, ổ gà, ổ voi chi chít, lòng đường bị bóc trơ nền.
Theo ghi nhận tại Hà Nam, hiện hàng chục doanh nghiệp có xe tải chở vật liệu xây dựng chạy trên đường như Đức Lượng, Thanh Tùng, Công ty cổ phần Xuân Trường, Xuân Thành, HTX Phú Phương, các công ty Khánh Hồng, Quang Khải, Hiền Minh...
Trong khi đó tại Ninh Bình, dọc QL1, bắt đầu từ huyện Gia Viễn kéo dài gần 20km tới TP Ninh Bình, hằng ngày có hàng trăm lượt xe quá tải, quá khổ chở ximăng, đá dăm, đất, cát chạy nườm nượp tàn phá nền đường. Không chỉ QL 1, các tuyến QL khác cũng chung tình cảnh như QL 12B, 38B, 45... Trên QL 1, đoạn hư hỏng nặng nhất phải kể tới hơn 10km qua các đoạn cầu Khuất (xã Gia Thanh), cầu Gián Khẩu (xã Gia Trấn)...
Do lượng xe ben quá tải lưu thông nhiều nên tuyến QL14B, đoạn đường Hòa Cầm - Hòa Phước (TP Đà Nẵng) xuất hiện tình trạng nứt lún nghiêm trọng. Nhiều đoạn trên cung đường bị lồi lõm sâu, xuất hiện sóng lưng trâu trở thành nỗi ám ảnh đối với người đi đường. Riêng tuyến QL1A đoạn Hòa Cầm đến ngã ba Miếu Bông chỉ mới đưa vào sử dụng đã bị xe ben cày xới hư hỏng nặng buộc phải trải nhựa mới. Còn đường Cách Mạng Tháng Tám (quận Cẩm Lệ), làn đường dành cho xe ben tan nát buộc đào lên thay lại mặt đường.
Không chỉ hoành hành trên các tuyến đường ngoại thành, xe tải còn vô tư chạy trong đường nội đô các TP. Ở TP Phủ Lý (Hà Nam), chỉ trong hai ngày 29, 30-3, chúng tôi chứng kiến cả trăm lượt xe tải lớn nhãn hiệu Howo, Dongfeng, Lima... chở đầy cát, đá dăm cao có ngọn vô tư "cày" ầm ầm trên đường Hai Bà Trưng, Quang Trung, Trần Phú... vượt qua nhiều nút giao thông có cảnh sát giao thông chốt chặn mà không hề bị dừng xe kiểm tra.
Phóng to |
Xe quá khổ, quá tải cày nát đoạn QL 1 gần 10km qua các xã Gia Thanh, Gia Trấn, Gia Xuân (H.Gia Viễn, Ninh Bình) - Ảnh: Lâm Hoài |
Địa phương kêu khó
Liên quan đến vấn đề xử phạt xe ben Dongfeng quá tải, trung tá Lê Minh Đương, trạm phó Trạm cảnh sát giao thông Hòa Phước (Công an Đà Nẵng), cho biết cung đường mà hằng ngày các đội xe Dongfeng tung hoành, cả tháng không xử phạt trường hợp nào xe ben vi phạm quá tải trọng. “Nếu xe ben chở đất bằng mai (ngay miệng thùng) thì bình thường, vừa đủ. Xe cao, vun lên mới quá tải” - ông Đương nói.
Theo ông Đoàn Văn Lợi, năm 2011 Sở GTVT Hà Nam đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) để “cầu cứu” về tình trạng xe quá tải tàn phá đường. "Vừa qua chúng tôi đã yêu cầu các doanh nghiệp vận tải trên các trục đường có mỏ phải hạn chế xúc quá thiết kế của xe, cho lực lượng thanh tra giao thông giám sát việc dỡ hạ tải, cắm biển hạn chế tải trọng... Tuy nhiên hiệu quả không được như mong muốn” - ông Lợi bức xúc cho hay.
Giải thích việc khó xử lý xe quá tải, ông Nguyễn Quang Tuyển - chánh thanh tra GTVT Hà Nam, cho rằng thẩm quyền dừng xe của lực lượng thanh tra giao thông bị hạn chế, chỉ được xử lý xe tĩnh. "Có khi dừng rồi thì lái xe ỷ thế doanh nghiệp lớn không chịu hợp tác", ông Tuyển thông tin. Theo ông Tuyển, cần tăng thêm quyền hạn cho thanh tra giao thông hoặc có hình thức tạm giữ phương tiện mới đủ sức răn đe những xe quá tải tàn phá đường. Thanh tra giao thông Hà Nam thống kê dù có hàng nghìn lượt xe quá tải lưu thông phá nát nhiều tuyến đường nhưng trong năm 2012 thanh tra giao thông chỉ xử lý được 235 xe quá tải, trong mấy tháng đầu năm 2013 cũng chỉ xử lý được 90 xe.
Tại Ninh Bình, để đối phó với xe quá khổ, quá tải, UBND tỉnh đã liên tiếp ban hành các văn bản, trong đó yêu cầu doanh nghiệp vận tải không được xếp dỡ hàng hóa vượt quá tải trọng, phải niêm yết tự trọng (khối lượng bản thân xe khi không chở hàng) của xe; trung tâm đăng kiểm từ chối đăng kiểm với những xe cải tạo để chở quá tải... Tuy nhiên theo ông Cường, các doanh nghiệp vận tải dường như phớt lờ chuyện này.
Theo ông Nguyễn Văn Hanh, chánh Thanh tra GTVT Ninh Bình, nhiều công trình lớn ép tiến độ buộc nhà thầu phải huy động xe tải trọng lớn chở quá tải trọng để kịp tiến độ. "Các loại xe này lưu hành nếu có đầy đủ đăng ký, đăng kiểm, lái xe đủ điều kiện mình không thể dừng xe được" - ông Hanh phân trần.
Theo thống kê của Thanh tra giao thông Ninh Bình, từ đầu năm 2013 lực lượng này đã lập biên bản vi phạm hành chính 213 trường hợp bao gồm cả xe quá tải. Như vậy con số xử lý so với thực tế lượng xe quá khổ, quá tải tại địa phương này không thấm vào đâu.
Phá đường “có phép” Tại hội nghị sơ kết việc thực hiện Luật giao thông đường bộ mới đây ở Hà Nội, ông Lê Đình Thọ, tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ - nguyên là phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, có dẫn chứng con đường ở huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa) được đầu tư 120 tỉ đồng vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn địa phương để nâng cấp nhưng bị xe quá tải phá tan tành nhiều đoạn sau vài tháng hoàn thành. Theo phản ảnh của người dân địa phương, tuyến đường dài 24km nối từ đường Hồ Chí Minh đoạn xã Xuân Quỳ đi tới bảy xã khác thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Như Xuân. Đường hoàn thành đưa vào sử dụng giữa năm 2010 nhưng giữa năm 2011, kiểm tra của UBND huyện Như Xuân cho thấy đoạn 5km đầu tuyến đường (từ đường Hồ Chí Minh đến cầu Sông Chàng) mặt đường bị hư hỏng hoàn toàn, nhiều đoạn nền đường bị sụt lún, nứt toác kèm "ổ gà", "ổ voi", rất nguy hiểm cho các phương tiện giao thông. Nguyên nhân được xác định do đường thiết kế theo cấp đường giao thông nông thôn loại A, chịu được tải trọng 13 tấn nhưng từ khi đưa vào sử dụng đến nay, đoạn đường này có nhiều xe tải trọng lớn vượt thiết kế chạy qua. Đây cũng là đoạn đường trùng với tuyến vận chuyển quặng sắt của Công ty cổ phần Khoáng sản xây dựng phụ gia ximăng Thanh Hóa. Đoàn xe chở quặng mỗi xe nặng hàng chục tấn khiến con đường cuốn bụi mù mịt lúc khô, biến thành vũng lầy khi mưa, người dân địa phương và các phương tiện giao thông khác lãnh đủ. Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn cho phép vận chuyển quặng bằng xe tải trên đoạn đường này, nhưng yêu cầu công ty khoáng sản có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo giao thông tuyến đường trong quá trình vận chuyển quặng. Khi hết thời gian khai thác mỏ (năm 2014), đơn vị phải hoàn trả kết cấu ban đầu của tuyến đường nguyên trạng như lúc mới khánh thành. Ông Dương Văn Mạnh, chủ tịch UBND huyện Như Xuân, cho biết năm 2012 huyện và ban quản lý dự án thủy lợi Thanh Hóa đã bỏ ra 3 tỉ đồng để sửa chữa, khắc phục các điểm xuống cấp trên tuyến đường Xuân Quỳ - Thanh Quân, riêng đoạn đường từ cầu Sông Chàng đến hết tuyến đến nay đã được sửa chữa xong. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận