04/02/2023 11:01 GMT+7

Đường phố Sài Gòn - Những ký ức thân thương - Kỳ 2: Đường xưa Sương Nguyệt Anh - Một cõi yên bình

Con đường Sương Nguyệt Anh ấy ngắn thôi, chạy song song với đường Nguyễn Thị Minh Khai (xưa là Hồng Thập Tự) và đường Bùi Thị Xuân, đồng thời nối liền đường Tôn Thất Tùng (Bùi Chu) với đường Cách Mạng Tháng Tám (Lê Văn Duyệt).

Con đường yên bình dưới hàng xanh cổ thụ - Ảnh T.T.D

Con đường yên bình dưới hàng xanh cổ thụ - Ảnh T.T.D

Đó là con đường của hai hàng cây cao vút, nâng đỡ bầu trời mênh mông, nâng đỡ những ý tưởng thư sinh bay bổng. Thật kỳ thú, từ xưa đến nay, con đường vẫn là một hành lang lặng êm đi giữa những con phố huyên náo.

Con đường lặng êm

Mấy mươi năm nay, mỗi lần thơ thẩn qua đây, tôi càng nhận ra đường Sương Nguyệt Anh không những là "ốc đảo" độc đáo về kiến trúc và cảnh quan mà còn là chốn thư thái của những kỷ niệm.

Hai bên đường là những ngôi biệt thự và nhà phố yên ả, không hào nhoáng. Khá nhiều biệt thự là nhà hai tầng, lợp ngói, có sân rộng, kiểu thức Pháp cổ điển đã có trước 1945. Trong đấy, có những biệt thự song đôi, như hai chị em dịu dàng và đài các. Một số biệt thự mang phong cách hiện đại của những năm 1960 ẩn hiện ý nhị dưới những tàn cây.

Rải rác ven đường có một vài con hẻm đều dẫn vào những ngôi nhà khá giả và những biệt thự kín đáo mà trong sự tưởng tượng của tuổi học trò, đấy là nơi có nàng Cosette của Victor Hugo ẩn náu.

Có một con hẻm luôn khóa cổng dẫn vào mặt sau của rạp Olympic - tổ ấm của gánh hát Kim Chung lừng danh. Rạp hát này sau năm 1975 đổi thành Nhà văn hóa quần chúng, nơi nhạc sĩ Trương Quốc Khánh - tác giả bài hát Tự nguyện - làm giám đốc.

Mùa hè năm 1978, bọn nhóc trung học chúng tôi được theo học một lớp năng khiếu văn tại đây với sự hướng dẫn của anh Khánh và anh Lưu Trọng Văn.

Nhớ lại thuở ấy, trên con đường hầu như không thấy có quán xá, nhà hàng hay cửa tiệm. Phần lớn các ngôi biệt thự của giới thượng lưu trước 1975 đã chuyển thành nhà ở của gia đình các viên chức mới và trụ sở các cơ quan.

Một số biệt thự được sử dụng làm văn phòng của các hội mỹ thuật, hội nhiếp ảnh, nhà xuất bản, công ty nhà nước. Một ít ngôi nhà to rộng dùng làm nhà trẻ, trường mẫu giáo. Các vỉa hè còn giữ được vẻ phong quang, ít nhếch nhác.

Những năm kinh tế thị trường trở lại, nhiều con đường xinh đẹp trong thành phố bị "thương mại hóa" trở nên xô bồ. Vậy mà, mừng thay, cho đến giờ trên đường Sương Nguyệt Anh chưa có những nhà cao tầng mọc lên tua tủa, phá vỡ khung cảnh cây xanh và nhà cửa hiền hòa.

Từ những năm 2000 trở đi, xuất hiện một ít biệt thự và nhà phố tân kỳ, song không lấn át các kiến trúc cũ. Tuy nhiên, đáng tiếc, lác đác có một hai ngôi biệt thự phô diễn quá lố chen vào cảnh quan xinh xắn của con đường. Cũng may, hiện giờ những biệt thự xưa chuyển thành nhà hàng hay văn phòng công ty vẫn giữ được vẻ thanh nhã

Trong khi ấy, đầu con đường, gần ra phía vườn Tao Đàn, còn đó một biệt thự cổ kính quét vôi trắng, nhiều năm nay trông hoang phế. Mặt tiền ngôi nhà có hàng chữ Pháp được khắc trên mái che cửa sổ, cho biết đây là một clinic - phòng khám bịnh.

Năm 2018 ở Paris, trong buổi ra mắt sách Sài Gòn hai đầu thế kỷ tại salon văn hóa của chị Loan de Fontbrune, tôi gặp một bác Việt kiều tuổi cỡ 80, hỏi thăm về ngôi nhà này. Hóa ra, bác chào đời tại đây và còn nhớ được tên Tây của con đường là Léon Combes.

Con đường này có từ năm 1926, hợp cùng đường Duranton (Bùi Thị Xuân) tạo thành một ô chữ nhật chỉ gồm các villa của các "danh gia - vọng tộc" thời Pháp.

Trong đó, nhà số 102 là biệt thự và cũng là phòng mạch của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Sau năm 1955, con đường đổi tên thành Sương Nguyệt Anh - con gái của cụ Đồ Chiểu và là một nhà thơ, nhà báo nổi tiếng Sài Gòn đầu thế kỷ 20.

Thuở mới đi làm báo, tôi có đến biệt thự số 85 - tư gia của nhà giáo Nguyễn Văn Mai - để tìm hiểu về "sự kiện Trần Văn Ơn". Chính cụ là người tự nguyện đi quay phim "đám tang Trò Ơn"- một cuộc biểu tình khổng lồ vào đầu năm 1950.

Cụ Mai cất giữ cuốn phim vô giá suốt 25 năm trước khi tặng lại cho Trường Lê Hồng Phong sau chiến tranh. Ngôi nhà cổ thâm trầm hiện tại vẫn còn, nhưng cụ đã quy tiên từ lâu.

Xế nhà cụ Mai, giáp với ngã ba Tôn Thất Tùng, tại số 132, có một biệt thự ba tầng, mái bằng, kiểu dáng phổ biến những năm 1970. Gần đây, tôi mới biết đó là tư gia một nhân vật lớn là giáo sư luật khoa Vũ Văn Mẫu.

Ông là vị Ngoại trưởng dám cạo đầu và từ chức để phản kháng chế độ vào năm 1963 và cũng là vị Thủ tướng cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa. Từ sau hòa bình cho đến lúc từ trần, ông chỉ tập trung viết sách văn sử và vẽ tranh...

Đường Sương Nguyệt Anh nay vẫn còn thấp thoáng những mái nhà xưa - Ảnh: TRẦN TIẾN DŨNG

Đường Sương Nguyệt Anh nay vẫn còn thấp thoáng những mái nhà xưa - Ảnh: TRẦN TIẾN DŨNG

Con đường hoa mộng xưa

Có lẽ con đường Sương Nguyệt Anh lặng êm là một trong những "con đường mộng hoa xưa" đầu đời của không ít tâm hồn trẻ. Không rõ con đường này đã từng đi vào tiểu thuyết, truyện ngắn hay phim ảnh nào chưa.

Nhưng trong mắt tôi, con đường thẳng tắp nằm yên dưới hai hàng cây xanh thật cao, cứ như bước ra từ hình vẽ hay ảnh chụp thường thấy trên nhiều tấm bìa nhạc tình ca.

Và rồi, ai đã đọc tiểu thuyết hay xem phim Mùa thu lá bay của Quỳnh Dao thời ấy, hẳn bất ngờ gặp lại cảnh sắc xao xuyến này. Đó là lúc ta trông thấy đây đó những chiếc lá nửa vàng nửa xanh rơi xuống nhè nhẹ trên con đường vào những buổi sáng cuối năm.

Cũng là lúc ở tuổi biết yêu ta nhận ra bóng hồng "Cosette" từ trong những ngôi nhà kín cổng cao tường xuất hiện. Ta ngẩn ngơ nghe câu thơ Huy Cận nói đúng lời tim mình: "Một hôm trận gió tình yêu lại, đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ".

Lâu rồi có một chàng sinh viên theo đuổi "tiểu thơ" của mình ở con đường lặng êm. Nhà nàng quyền quý, nhà chàng thường dân. Ba má nàng lại không muốn cho con cái giao thiệp tự do. Cho nên, chàng không dám "trồng cây si" trước cửa nhà nàng.

Mỗi buổi sáng, chàng dừng xe đạp, náu mình bên một gốc cây để đợi nàng từ trong một con hẻm biệt thự đi ra. Nàng chạy xe qua, rẽ tới đường lớn, lúc ấy chàng mới hối hả chạy theo để rồi đôi trẻ đạp xe song song, ríu rít trò chuyện.

Nàng học Y khoa, chàng học Văn khoa, hai trường ngược đường nhau. Song chàng "chấp hết", sáng nào cũng "đi học" một lúc hai trường.

Có những đêm đường phố cúp điện, từ thư viện chàng đưa nàng về nhà. Hai đứa hồi hộp nép vào cánh cổng đầu hẻm, run rẩy trao nhau nụ hôn. Cả hai nhớ mãi phút giây thần tiên đó, song cuối cùng "ông tơ bà nguyệt" đã không xe duyên. Đôi tình nhân không gặp lại nhau nữa trên con đường "hoa mộng xưa".

Hai mươi năm sau, chàng ngỡ ngàng nhận ra ngôi nhà nàng đã thành nhà hàng sang trọng, gia đình nàng chuyển đi nơi khác. Câu chuyện "trông vời áo tiểu thư" chỉ còn là cổ tích nhưng những con đường thơ mộng chắc vẫn còn trong tim đời trước và đời sau...

Đưa nàng vào trường xong, chàng mới co giò phóng xe đến trường mình, "hãnh diện" bước vào lớp trễ. Rồi một đêm Noel, nàng không được ra ngoài, chàng đợi trời thật tối, "liều mạng" đến cổng nhà nàng, khe khẽ gọi. Chó hàng xóm sủa vang um, may mà nàng ra kịp để nhận từ chàng món quà giáng sinh là một quyển từ điển danh ngôn và lời thề sẽ giải thoát nàng khỏi "cung cấm".

_______________________________________________________

Những ngày đầu mới đến, tôi mất ngủ bởi tiếng còi tàu, tiếng xình xịch trên thiết lộ khi những con tàu lao dần về ga vào buổi sáng sớm...

Kỳ tới: Hun hút một thời đường nhỏ xóm ga

Đường phố Sài Gòn - Những ký ức thân thương - Kỳ 1: Con đường Duy Tân cây dài bóng mátĐường phố Sài Gòn - Những ký ức thân thương - Kỳ 1: Con đường Duy Tân cây dài bóng mát

Mỗi người dân thành phố hình như đều có những ký ức khó quên với những con đường kỷ niệm mà ngày xưa mẹ cha dẫn đi học, rồi lớn lên đi làm, đi tìm tình yêu, khát vọng cuộc đời. Những con đường như đã hóa tâm hồn...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp