Nhà tôi đường Hiệp Nhất gần ngã tư Bảy Hiền, một lối nhỏ từ đường Cách Mạng Tháng 8 quẹo vào chỉ vài chục mét.
Tôi từ một cậu bé lớn lên thời hậu chiến nghèo khó, rồi đi học, đi làm, lập gia đình đều ngược xuôi mỗi ngày trên con đường cổ xưa của thành phố này...
Con đường cho sứ thần giao bang
Thế hệ sinh nửa đầu thập niên 1970 như tôi chỉ nhìn thấy bảng tên đường Cách Mạng Tháng 8 sau bước ngoặt lịch sử 1975.
Nhưng những người như cha mẹ tôi đã quen gọi tên đường Phạm Hồng Thái ở đoạn qua tỉnh Gia Định cũ, còn đoạn ở Sài Gòn qua quận 3, quận 1 thì gọi là Lê Văn Duyệt. Một thời gian, tôi đi kinh tế mới ở vùng quê và trở về thành phố vào mùa hè.
Tôi nhớ ông bà mình cứ quen nhắc tài xế cho xuống đường Lê Văn Duyệt. Bác tài đứng tuổi, cũng là cựu dân đô thành rành rẽ đường xưa, cứ phải hỏi lại Lê Văn Duyệt nào, ở Sài Gòn hay Gia Định. Bởi trước năm 1975 còn có đường Lê Văn Duyệt bên Gia Định, sau đổi thành Đinh Tiên Hoàng và mới được trả lại tên xưa.
Kể lại thật rắc rối, mà cũng đúng thật, bởi Cách Mạng Tháng 8 khởi phát là đường cái quan cổ xưa.
Theo dòng thời cuộc đổi thay, người Pháp vào rồi ra đi, đường xưa cũng trải nhiều lần đổi thay danh phận.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư và Nguyễn Q. Thắng trong cuốn Đường phố TP.HCM đã viết tỉ mỉ: "Đường này thuộc loại xưa nhất ở Sài Gòn, có từ thời chúa Nguyễn mới mở mang vùng này, gọi là đường Sứ, tức là đường của các sứ thần Chân Lạp đi sang giao hảo với nước ta. Năm 1865, người Pháp thành lập thành phố Sài Gòn, chỉnh trang đường này, đặt tên đường Thuận Kiều đoạn từ ngã sáu đến ranh tỉnh Gia Định.
Đoạn còn lại thì gọi đường Thuộc địa số 1. Từ năm 1916, để kỷ niệm trận Verdun, quân Pháp thắng Đức, Tòa đốc lý Sài Gòn đổi tên đường Thuận Kiều thành Verdun ...".
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, con đường này lại tiếp tục được đổi tên vào năm 1947: "Ngày 25-4-1947, chính quyền Nam Kỳ đặt tên đường Nguyễn Văn Thinh cho đoạn từ ngã sáu đến đường Nguyễn Thị Minh Khai, và đường Thái Lập Thành cho đoạn từ Nguyễn Thị Minh Khai đến đường Điện Biên Phủ.
Ngày 31-10-1951, đoạn từ Điện Biên Phủ đến ngang Hòa Hưng lại đổi là đường Chanson. Đoạn còn lại vẫn mang tên đường Verdun. Ngày 22-3-1955, chính quyền Ngô Đình Diệm nhập cả bốn đường trên đây lại làm một và đặt tên đường Lê Văn Duyệt.
Còn đường Thuộc địa số 1 thì đổi là Quốc lộ số 1, nhưng đoạn từ ranh giới tỉnh Gia Định đến ngã tư Bảy Hiền được đặt tên Phạm Hồng Thái".
Trong lịch sử đặt, đổi tên đường ở Sài Gòn, năm 1955 là bước ngoặt lớn, khi hầu như toàn bộ tên Pháp bị hạ xuống để thay bằng tên các danh nhân, anh hùng lịch sử nước Việt.
Đến tháng 8-1975, các đoạn đường Lê Văn Duyệt, Phạm Hồng Thái và Quốc lộ số 1 đến đoạn Bà Quẹo được hợp nhất lại thành một và đổi tên Cách Mạng Tháng 8. Huyết mạch cửa ngõ nối thành phố với các tỉnh Long An, Tây Ninh và Campuchia.
Ký ức đổi thay và phát triển
Bây giờ hồi tưởng kỷ niệm về con đường gắn với gần như cả đời mình, thật sự tôi khó biết bắt đầu từ đâu và kết thúc thế nào vì ắp đầy kỷ niệm.
Tôi nhớ mãi năm tháng còn là cậu bé, mỗi mùa hè khi chuyến xe từ vùng kinh tế mới đưa tôi về thành phố thì tấm bảng đường Cách Mạng Tháng 8 luôn là sự mong đợi của tôi. Niềm vui đô thị mở ra với cậu bé dù ngày ấy vẫn ngập tràn nghèo khó.
Rồi mùa tựu trường, khi chuyến xe đưa tôi trở lại vùng quê Long An là cảm giác náo nức đi học lẫn nỗi buồn chia xa thành phố.
Nhìn bảng đường Cách Mạng Tháng 8 trôi qua sau xe để thay bằng ruộng đồng mênh mông là tôi biết mình trở lại những ngày chân trần đến trường, học bài dưới ngọn đèn dầu cùng thú vui ruộng vườn khác xa thành phố.
Sau này, kể lại cho con nghe cha đã lên đại học bằng chiếc xe đạp ngược xuôi nẻo Cách Mạng Tháng 8, cô bé cứ tròn mắt: "Đường dài thế, bố đạp xe nổi à". "Ừ, bố đã đạp, còn đạp nhiều hơn thế để đi chơi khắp thành phố". Thật sự, với tôi, con đường xưa cũ này lúc nào cũng mở ra bao điều háo hức, thú vị. Khi tôi đi học sớm, ngang qua ngã ba Phạm Văn Hai, các xe rau bán buôn tập kết ở đây.
Đoạn phố nồng nàn mùi rau thơm khiến người có ký ức làng quê như tôi thấy lòng ấm áp kỳ lạ. Đến khi đạp xe qua Công viên Lê Thị Riêng, tôi cũng hay ngắm khoảnh xanh tươi mênh mông này.
Bởi khi tôi còn là thằng bé đã từng thấy rõ đây là nghĩa trang Đô thành lô nhô mồ mả bạt ngàn. Chính sự đổi mới và phát triển đã giúp thành phố có điều kiện chỉnh trang đô thị. Và tôi là chứng nhân vùng đất của người chết trở thành công viên xanh mát cho người sống thụ hưởng.
Đường Cách Mạng Tháng 8, lối nẻo đưa tôi về quê, giúp tôi lên thành, cho tôi vào đại học, bước ra đường đời và từ một thanh niên dần trở thành trung niên tóc bạc, nên tôi gần như cả cuộc đời chứng kiến sự đổi thay, phát triển của huyết mạch thành phố này.
Đoạn qua cư xá Bắc Hải năm nào lừng mùi thịt chó với đầy quán xá và cả xe bán thịt dần dần biến mất để thay bằng các shop kinh doanh, cửa tiệm ăn uống thức khác. Sự đổi thay văn minh nhẹ nhàng, chậm rãi mà tinh tế.
Ngã sáu Công trường Dân Chủ, bùng binh giao thoa giữa các đường Cách Mạng Tháng 8 và Ba Tháng Hai, Lý Chính Thắng... một thời từng làm tôi rờn rợn đã dần đông xe rồi kẹt xe với đầy cao ốc, nhà cửa sang trọng bao quanh.
Ngược ký ức, đó là những năm đầu 1980 khi thành phố thường xuyên bị cúp điện, và tôi được nghe kể chuyện xưa nơi này là "đồng mả ngụy" vùi lấp hàng ngàn xác thân lẫn thủ cấp nghĩa quân Lê Văn Khôi bị hành quyết. Đêm dài hậu chiến, đường phố tối mờ mờ, thằng bé nào mà không sợ khi được rót tai sử xưa bi thảm.
Theo dòng thời gian, những cuộc dâu bể lịch sử, rồi đổi mới và phát triển diễn ra khắp hai bên đường Cách Mạng Tháng 8 cũng như cả thành phố, nhưng với riêng ký ức của tôi có lẽ rõ nét nhất ở hai đầu đường.
Cửa ngõ về tỉnh qua Bà Quẹo, Tham Lương, An Sương, Hóc Môn... là ngày qua ngày nhà cửa, quán xá dần mọc lên chen lẫn vườn rau, ruộng lúa. Rồi đến một hôm ở thập niên 2000, tôi giật mình nhận ra đồng xưa đã thành đô thị bên đường hết rồi.
Đặc biệt, đầu đường ra trung tâm Sài Gòn còn phát triển nhanh hơn nữa. Ngã sáu Phù Đổng chật chội dần với xe máy, xe ô tô thay cho một thời toàn xe đạp.
Đến một ngày năm 1994, khách sạn New World năm sao sang trọng sừng sững mọc lên và lần lượt đón tiếp các tổng thống Mỹ Bill Clinton, George W.H. Bush như đất nước mở sang một trang sử mới.
Và với tôi, con đường xưa cũ đã đổi thay thật rồi, lộ đất của các sứ thần thế kỷ 18, 19 được thay bằng con đường trải nhựa cho thành phố bước vào thế kỷ 21 và tương lai...
Khi tôi lên học cấp III Trường Nguyễn Thượng Hiền ngay ngã tư Bảy Hiền, sáng trưa hai lượt tôi đi đường Cách Mạng Tháng 8 để đến trường.
Sau vào Đại học KHXH và NV, năm tháng lãng đãng mộng mơ, tôi lại đi gần trọn tuyến đường này để quẹo trái ở ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai mà đến trường. Rồi khi tập tành vào nghề báo, tôi cũng ngược xuôi đường xưa để lên tòa soạn cùng bao vui buồn đời nghề.
*******************
Nếu những con đường quận 1, quận 3 là đường xưa, nếu tuổi 20 như đường Nguyễn Hữu Thọ là thanh xuân, thì đường Mai Chí Thọ xuyên tâm bán đảo Thủ Thiêm khánh thành tháng 11-2011 chỉ mới bước vào tuổi thiếu niên.
Kỳ tới: Mai Chí Thọ - con đường phát triển
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận