04/12/2016 15:59 GMT+7

​Đường Phan Xích Long: Từ xóm nước đen đến phố ẩm thực

TIẾN LONG - YẾN TRINH
TIẾN LONG - YẾN TRINH

TTO - Sau cuộc đại cải tạo khởi đầu từ những năm 1990 mà lãnh đạo TP.HCM hồi đó gọi là “dự án điểm của cả nước”, khu Cù Lao mé đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận) dần trở thành con đường sầm uất.

Đường Phan Xích Long bây giờ
Đường Phan Xích Long bây giờ

Nay được mệnh danh là phố ẩm thực hoặc “phố Mỹ” giữa Sài Gòn, nhưng ít ai biết trước đây nơi này dung chứa những thân phận lao động nghèo quanh dòng kênh đen bạt ngàn rau muống.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Ngọc Thủy (76 tuổi, nguyên chủ tịch P.7, Q.Phú Nhuận) bởi người dân khu này nói ông Thủy rành chuyện con đường Phan Xích Long lắm.

Xóm của người lao động nghèo

Ông Thủy là người sống lâu năm ở khu này, chứng kiến bao sự đổi thay của con đường. Ông dẫn chúng tôi dạo quanh khu Cù Lao, chỉ dẫn, giới thiệu rành rẽ từng địa điểm.

Ông kể rằng ở Phú Nhuận hiện còn ít người lưu giữ cuốn sách 300 năm Phú Nhuận - mảnh đất, con người, truyền thống do nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng làm chủ biên.

Trong ba bức ảnh ghép thành ảnh bìa cuốn sách, bức ảnh Khu “Cù Lao” P.2, do nhiếp ảnh gia Như Mỹ chụp trịnh trọng nằm góc trái trên cùng, đó là một ao rau muống mênh mông cùng hình ảnh một xóm nhà lá nghèo nàn.

Và trong chú thích, những người chủ biên sách xem bức ảnh là một “dấu vết của Phú Nhuận xưa”.

Khoảng 20 năm về trước, khu Cù Lao (Q. Phú Nhuận) là nơi sinh sống của người lao động nghèo tứ xứ đổ về Sài Gòn mưu sinh - Ảnh: Tự Trung
Khoảng 20 năm về trước, khu Cù Lao (Q. Phú Nhuận) là nơi sinh sống của người lao động nghèo tứ xứ đổ về Sài Gòn mưu sinh - Ảnh: Tự Trung

Chiều mát, ông Thủy bắc ghế ngồi trước căn hộ nhỏ mua theo diện tái định cư ở chung cư Phan Xích Long.

Khi chúng tôi hỏi chuyện, ông Thủy chỉ tay xuống đất, cười hề hề: “Đây, chỗ tui ngồi trước đây là nguyên cái ao bạt ngàn rau muống. Nhà tui về sống ở đây từ năm 1972, ở nhà sàn chếch lên phía trên kia một chút. Trước năm 1975, dân nơi này đã đông rồi. Sau này họ đi hồi hương, đi kinh tế mới hết ráo”.

“Giờ nghĩ lại còn sợ, hồi đó khu này phức tạp lắm vì đây là địa bàn tiếp nối giữa mấy quận vùng ven với khu trung tâm, trộm cắp thường đi trốn qua đường này. Lâu ngày cái tên xóm nước đen này có tiếng luôn...

Ông Nguyễn Tấn Mười

Hào hứng vì khơi trúng mạch ký ức, ông Thủy kể rằng ở Phú Nhuận không có sông rạch chính, chỉ có một đoạn rạch Thị Nghè chảy ngang, dài chừng 2km.

Qua khỏi Miếu Nổi, con rạch rẽ hai nhánh gọi chung là Rạch Miễu, khoanh thành khu Cù Lao gần như hình vuông, rộng khoảng 7ha thuộc P.2.

Ông nói: “Chỗ này là “đất bưng”, còn nhiều luồng lạch bưng trằm. Người lớn kể là sau năm 1940, cư dân tứ xứ đổ về dựng nhà tạo thành xóm”. Đủ nguồn gốc, dân cư khu này sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, phu thợ, quét đường, đông nhất là những người đánh xe kéo, xe bò, xe thổ mộ.

Và từ đường chính Phan Đăng Lưu hiện nay nối vào xóm lao động nghèo chỉ có con đường đất đỏ khúc khuỷu, bề ngang chừng 4m. “Trời mưa là đường đọng vũng sình lầy, đi lớ mớ té xuống ao liền” - ông Thủy nhớ lại.

Ngày trước, ngay con lươn đoạn giao giữa đường Phan Xích Long với đường Hoa Sứ bây giờ, chính quyền Mỹ cho lắp đặt cống hộp thoát nước kéo dài từ sân bay Tân Sơn Nhất đổ xuống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Trước cống có cây cầu khỉ dài khoảng 10m bắc qua. Cống rộng hai người chui vào lọt, quanh năm nước chảy đen kịt, bốc mùi hôi thối. Mỗi khi trời mưa, nước đổ xối xả xuống khu trũng Phan Xích Long này, cua ốc, cá trê, cá rô... tràn ra vô thiên lủng.

Người lớn, trẻ con tranh nhau lùng sục trong cống bắt cá về ăn. Cái tên “xóm nước đen” cũng có từ đó, vận vào thân phận những người lao động nơi xóm nghèo, mà tương lai của họ khi đó chẳng lấy gì sáng sủa.

Ốc đảo biệt lập

Theo quyển 300 năm Phú Nhuận - mảnh đất, con người, truyền thống, khu Cù Lao nằm cách các quận nội thành chưa đầy 2km.

Cho đến cuối thế kỷ 19, con rạch Thị Nghè vẫn là một hào hố thiên nhiên ngăn cách rạch ròi, là chỉ giới phân ranh giàu nghèo giữa Phú Nhuận và khu trung tâm thành phố.

Nếu như ở phía nam khu này là quận 1, 3 được người Pháp, sau đó là người Mỹ xây dựng trở thành khu đô thị hoa lệ thì bên kia con rạch Thị Nghè là khu Cù Lao hoang vắng. Nơi này như một ốc đảo biệt lập, lạc lõng giữa đô thị được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”.

Những con đường bộ đầu tiên ở Phú Nhuận, vốn là những con đường mòn băng qua các rừng chồi, tre, trúc, lau sậy, giang sơn của thú dữ, rắn rết, cá sấu.

Qua quá trình khai khẩn, hình thành xóm, người dân bồi đắp thêm những con đường bờ ruộng lồi lõm, sình lầy phơi mình dưới nắng mưa.

Rồi đến những con đường làng thô sơ khúc khuỷu, len lỏi giữa những bụi chuối, hàng dừa, nối liền các thôn xóm thưa thớt còn vắng người qua lại.

Phương tiện di chuyển đường xa thông dụng lúc này là xe thổ mộ (chở khách) và xe bò (chở hàng) ọc ạch qua các thửa ruộng trống vắng, các ao đầm, kênh rạch hoang vu.

Ông Thủy hướng mắt ra hướng xéo nhà mình nói rằng ở cái chỗ nhà hàng lớn bây giờ ngày trước là đống rác to (những năm 1976-1977), bà con hay ra moi lấy bao nilông, đào vất vả lắm vì đống rác cao ngất, sau đó cân ký bán.

Hồi đó, ông Thủy làm chủ tịch phường nhưng cuộc sống chẳng khấm khá gì, bươn chải đủ nghề mới đủ sống. Ông kể: “Tôi thuê chừng 500m2 đất ao rau muống.

Buổi ngày lên trụ sở, buổi chiều về lang thang mua xích lô cũ về tân trang rồi cho người ta thuê. Tối đến đạp xe cọc cạch đi chở cơm thừa về nuôi heo”.

Dù nghèo nhưng theo lời ông Thủy, người dân khu này sống với nhau rất nghĩa tình. Do có nghề cho thuê xích lô, nên ông Thủy còn cho những người đạp xích lô, bán vé số tá túc.

“Nhiều người nghèo kinh khủng nên tôi không thu đồng bạc lẻ nào, coi như là làm phước. Cũng may là căn nhà sàn của tôi rộng rãi nên lượng người ở nhờ cũng nhiều” - ông nói.

Ông Nguyễn Tấn Mười (83 tuổi, nhà trong hẻm đường Nhiêu Tứ) kể lại: “Không những sống cảnh nghèo, cuộc sống nơi xóm Cù Lao cũng không hề bình yên như cảnh trí của nó. Khu này hồi đó ngoài dân lao động còn có nhiều người tới tụ tập hút chích, kể cả gái làng chơi.

Người lạ, ban ngày đi một mình không dám vô xóm. Nhà chưa có điện đóm gì, cây cỏ rậm rạp, tối xuống là ai ở nhà nấy, con nít cũng bị giữ rịt trong nhà.

Giờ nghĩ lại còn sợ, hồi đó khu này phức tạp lắm vì đây là địa bàn tiếp nối giữa mấy quận vùng ven với khu trung tâm, trộm cắp thường đi trốn qua đường này. Lâu ngày cái tên xóm nước đen này có tiếng luôn...”.

Xóm nghèo điển hình của người nhập cư

Năm 1996, đạo diễn Đỗ Phú Hải đã lấy bối cảnh cuộc sống ở xóm Cù Lao để làm bộ phim Xóm nước đen gồm bốn tập.

Chuyện phim kể về một khu phố nghèo có dòng kênh bị ô nhiễm chảy qua, nơi có nhiều tệ nạn, nhất là trộm cắp và cướp giật.

Nhân vật chính là Minh “đen” cùng những đàn em của mình là một băng cướp giật khét tiếng, gây ra nhiều vụ án táo tợn, rùng rợn khắp vùng.

Nhà báo Trần Tử Văn cho biết bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết Linh hồn thiếu phụ của anh, không phải viết về xóm Cù Lao mà viết bối cảnh của xóm người lao động nghèo ở Q.4.

Nhưng khởi quay ở khu Cù Lao vì cảnh nghèo ở xóm nước đen cũng “thảm” giống bối cảnh trong kịch bản.

Trong phim, cảnh những căn nhà lá, cầu khỉ, dòng kênh đen được đạo diễn lột tả cận cảnh. Một xóm nghèo của người lao động nhập cư những năm cuối thế kỷ 20 hiện ra điển hình, rõ rệt.

>> Kỳ tới: “Động hoa vàng” của Phạm Thiên Thư

TIẾN LONG - YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp