Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz bắt tay hôm 20-10, trước khi tham gia họp thượng đỉnh EU ở Brussels - Ảnh: REUTERS
Trong những phiên họp của khối Liên minh châu Âu từ tháng 9 tới nay, cả Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đều ra sức kêu gọi các nước trong khối "đoàn kết năng lượng" nhiều hơn.
Nguyên do không chỉ là về chuyện áp giá trần cho khí đốt mà còn là những bất đồng liên quan đến việc khởi động lại dự án đường ống MidCat, vốn được khởi công vào năm 2012.
Pháp phản đối
Tây Ban Nha đã xây dựng được đường ống dẫn khí từ Marokko và Algeria vào Tây Ban Nha. MidCat sẽ là tuyến đường thứ ba để đưa khí đốt từ Bắc Phi qua ngả bán đảo Iberia, từ vùng Cantalonia của Tây Ban Nha tới vùng Midi của Pháp.
MidCat có tổng chiều dài dự kiến 1.250km, kinh phí dự kiến là 3 tỉ euro (3,7 tỉ USD), công suất chuyển tải 7,5 tỉ mét khối khí mỗi năm. MidCat sẽ giúp tăng gần gấp đôi lượng khí đốt có thể lưu thông giữa hai nước, theo Global Energy Monitor.
Năm 2015, dự án MidCat đã nhận được khoản tài trợ 4,15 triệu euro từ Liên minh châu Âu (EU) cho các nghiên cứu tiền xây dựng để thực hiện giai đoạn đầu của dự án từ phía Pháp. Tuy nhiên dự án này đã bị Pháp bỏ dở dang từ tháng 1-2019 do các nghiên cứu về chi phí - lợi ích kết luận là không khả thi về mặt tài chính, cũng như bị các tổ chức phi chính phủ và dư luận tại cả hai nước phản đối vì e ngại tác động tới môi trường ở khu vực Pyrénées.
Đến cuối tháng 8-2022, chính phủ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã kêu gọi khởi động lại dự án MidCat với sự ủng hộ mạnh mẽ của Đức. Theo Thủ tướng Olaf Scholz, một kết nối thông qua Pháp sẽ giúp giải tỏa khó khăn về nguồn cung cấp khí đốt trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng hiện nay.
Sau vụ rò rỉ đường ống Nord Stream 1, các cuộc thảo luận về dự án này lại nóng trên chính trường châu Âu. Trong cuộc họp của Nghị viện châu Âu ngày 5-10, một nghị quyết về vấn đề năng lượng, bao gồm việc khởi động lại MidCat "nhằm đảm bảo an ninh năng lượng của EU" đã được thông qua, cho dù bị các nghị sĩ Pháp quyết liệt phản đối.
Đầu tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc gặp tại Berlin để thảo luận về MidCat nhưng đôi bên không đạt được thỏa thuận nào.
Bộ Chuyển tiếp năng lượng Pháp tuyên bố với Chính phủ Pháp rằng dự án này quá tốn kém và tốn quá nhiều thời gian xây dựng, không phù hợp với tình trạng khẩn cấp của cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.
Ngoài ra, Pháp đã có hai đường ống dẫn khí nối với các vùng Navarra và Basque, bắc Tây Ban Nha, hiện mới khai thác 53% công suất thiết kế nên không có lý do gì để xây thêm.
Trên thực tế Pháp không lệ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên như Đức, trong năm 2021 thì 70% điện tiêu thụ của họ là từ năng lượng hạt nhân. Hơn thế nữa, nếu muốn dẫn khí từ vùng Midi tới Đức, để từ đó tới Trung Âu, Pháp sẽ phải đầu tư hàng tỉ euro xây dựng hạ tầng cơ sở, trong khi mục tiêu của EU là khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ bằng 0 vào năm 2050.
Pháp cũng đã xây dựng được đội tàu chuyên chở khí đốt hóa lỏng (LNG), sẵn sàng nhận hàng tại cảng ở Le Havre, sẽ được đưa vào khai thác trong mùa đông này.
Nhiều nước chuẩn bị kế hoạch B
Với Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đường ống MidCat còn có thể đưa rất nhiều LNG mà họ nhận được từ khắp nơi trên thế giới tới các nước EU khác.
Tây Ban Nha còn muốn dùng MidCat để chuyển tải hydrogen xanh trong tương lai. Tuy vẫn hy vọng là có thể thuyết phục Pháp, song Madrid cũng đang xem xét một kết nối khác.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết đã chuẩn bị kế hoạch B về một đường ống dưới biển từ Barcelona tới Livorno thuộc Ý, có thể đưa khí đốt tự nhiên đến Trung Âu.
Theo ước tính của Tập đoàn khí đốt Snam của Ý, đường ống này tốn khoảng 3 tỉ euro và sáu năm xây dựng, công suất chuyển tải 30 tỉ mét khối khí mỗi năm, gấp bốn lần công suất của MidCat. Tuy nhiên theo các chuyên gia, phương án này sẽ rất tốn kém vì phải xây dựng hạ tầng cơ sở để kết nối các quốc gia.
Phía Đức thì đang khẩn trương lo tự cứu. Theo Hãng tin Reuters, ngoài bốn bến nổi đón nhận LNG đã được chính phủ lên kế hoạch, Bộ Kinh tế Đức đã chấp nhận cho một tập đoàn tư nhân xây dựng bến thứ năm tại Lubmin, cách Berlin khoảng 250km về phía bắc, vào cuối năm nay.
Các bến nổi về cơ bản là các tàu chở khí đốt hóa lỏng có thể tự đưa nhiên liệu trở về trạng thái khí của nó, có nghĩa là không cần phải có một bến cảng hoàn chỉnh.
Tới nay Ủy ban châu Âu vẫn chưa đưa ra quan điểm về việc có khởi động lại dự án MidCat hay không, có lẽ do vấn đề lớn nhất là chi phí. Trong cuộc họp của Hội đồng châu Âu ngày 11-10, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố "có một ý chí chung để tìm ra một cách tiếp cận chung" nhưng chưa rõ cách tiếp cận này là gì.
Trong khi chờ đợi quyết định từ các lãnh đạo EU, người dân lục địa già đã đổ xô đi mua trang phục các loại để chống rét cho mùa đông sắp tới.
Mùa thu ít lạnh
Giữa nỗi lo thiếu hụt năng lượng, người dân châu Âu những ngày gần đây đón một tin vui bất ngờ là thời tiết mùa thu này không lạnh như mọi năm.
Thời tiết Đan Mạch hiện chỉ từ 12oC - 15oC ngoài trời, Pháp thì có những ngày nhiệt độ lên tới 30oC. Tuy vẫn có người tỏ ra lo âu về biến đổi khí hậu, nhưng mọi người nói chung là mừng vì điều khiến họ lo lắng nhất hiện nay không phải là nguy cơ chiến tranh hạt nhân mà là an ninh năng lượng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận