20/10/2016 15:30 GMT+7

Đường nước xưa làm nên 5 đại lộ sang trọng giữa Sài Gòn

CÙ MAI CÔNG
CÙ MAI CÔNG

TTO - Quy hoạch về đường phố "Sài Gòn 500.000 dân" (Saigon ville de 500.000 âmes) của đại tá công binh Pháp Coffyn năm 1862 có thể sẽ không thực hiện được một đường nào nếu không có năm đại lộ giữa trung tâm Sài Gòn xưa.

Kinh Charner (đại lộ Nguyễn Huệ hiện nay) trước khi bị lấp năm 1887, hai con đường hai bên lúc ấy không phải là đại lộ (boulevard) mà là đường (rue) Charner và Rigault de Genouilly (ảnh chụp từ sông Sài Gòn nhìn về phía trụ sở UBND TP.HCM hiện nay - lúc đó chưa có) - Ảnh: Émile Gsell

Đó là năm đại lộ hiện nay mang tên: Nguyễn Huệ (tên thời thuộc Pháp: Charner), Lê Lợi (Bonard), Hàm Nghi (de la Somme), Lê Duẩn (Norodom), Tôn Đức Thắng (Citadelle/sau này là Luro).

Theo bản quy hoạch này, chiều rộng các đường chính loại 1 (đại lộ - boulevard) là 40m, đường loại 2 (route/rue) là 20m. Đường chính có vỉa hè 4 m, mỗi bên hai hàng cây; đường loại 2 vỉa hè rộng 2m, mỗi bên một hàng cây. 

May mà có năm đại lộ suýt soát tiêu chuẩn trên, nếu không như thực tế sau đó mà hiện nay ai cũng thấy, các con đường trong khu vực quy hoạch là Sài Gòn rộng 25km2 ban đầu này, nhất là khu trung tâm Sài Gòn chỉ khoảng 2km2 (chưa tới 1/3 diện tích quận 1 hiện nay, hơn 7km2), hầu hết chỉ rộng 6-8m.

Đại lộ Bonard (Lê Lợi hiện nay, bưu ảnh ghi sai tên) những ngày đầu tiên cuối thế kỷ 19 - Ảnh tư liệu
Đại lộ Norodom (Lê Duẩn hiện nay - đường thẳng giữa ảnh) nhìn về dinh Norodom khoảng đầu thế kỷ 20. Nhà thờ Đức Bà với tháp nhọn đã có - Ảnh tư liệu

Đại lộ Hàm Nghi trước năm 1975, xéo góc phải ảnh là đại lộ Nguyễn Huệ - Ảnh: LIFE

Đại lộ Citadelle (sau đó đổi thành Luro, trước năm 1975 là đại lộ Cường Để, hiện nay là đường Tôn Đức Thắng) nhìn từ khu vực cổng chính thành Gia Định 1835 (nay là đường Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM) về phía sông Sài Gòn với hàng cây sọ khỉ hàng trăm năm đẹp mê hồn nổi tiếng - Ảnh: M.C.

5 đại lộ đó từ đâu ra?

Theo một mô tả của người Pháp, ông Jules Boissiere vào năm 1874: "Sài Gòn có sáu đại lộ (boulevard), 40 đường (route/rue)". Vậy đại lộ thứ sáu đâu?

Đó là đại lộ Chasseloup Laubat (với tên ban đầu là đường Chiến Lược - route Stratégique; rồi đại lộ số 25 - Nguyễn Thị Minh Khai hiện nay) vốn là đường thiên lý từ thành Gia Định ra miền Trung, miền Bắc; đồng thời nối với đường thiên lý sang Campuchia (Cách Mạng Tháng Tám hiện nay).

Tuy nhiên, với tiêu chí của Coffyn thì con đường vốn chỉ rộng hơn 10m này đã lần hồi bị giáng từ đại lộ xuống "đường" (rue) như trong nhiều bản đồ xưa của Pháp ít nhất từ đầu thế kỷ 20.

Trừ rạch Cầu Sấu sau này trở thành đại lộ de la Somme (Hàm Nghi hiện nay) là rạch tự nhiên đất Bến Nghé xưa, một số nhà nghiên cứu cho rằng 2/5 đại lộ của Sài Gòn cuối thế kỷ 19 là Charner (Nguyễn Huệ hiện nay), Bonard (Lê Lợi hiện nay) vốn là con kinh do người Pháp đào, sau đó bị lấp để làm đại lộ.

Thậm chí không rõ căn cứ vô đâu có tư liệu khẳng định "kinh Charner do người Pháp đào năm 1867 và lấp năm 1887".

Còn đại lộ Bonard (Lê Lợi hiện nay), nhiều nhà nghiên cứu cho rằng có nguồn gốc là con kinh dài 800m do đại úy công binh Gallimard đào năm 1861 - 1862 "giữa vùng đầm lầy sau khi chiếm xong Sài Gòn" khi dẫn phát biểu của thiếu tá Bovet tại phiên họp của Ủy hội TP Sài Gòn cuối năm 1867. Vì vậy ban đầu kinh này mang tên kinh Gallimard (sau đó đổi thành kinh Bonard).

Riêng đại lộ Citadelle (đường Thành, sau đổi là Luro, hiện nay là Tôn Đức Thắng) thì tất cả đều cho biết đó là đại lộ có sẵn mà khi Pháp đánh chiếm thành Gia Định (thành Quy) sáng 17-2-1859 đã theo con đường này để tới cổng thành.

Sự thật thế nào?

Nhiều người biết bản đồ Sài Gòn năm 1867 do mức độ khá chính xác, với các đường phố và kinh rạch Sài Gòn sau khi Pháp chiếm hoàn toàn Nam kỳ năm năm hiện lên khá rõ (kinh rạch tô màu xanh).

Chỉ duy nhất đường Tôn Đức Thắng hiện nay vốn là con đường chính dẫn đến cổng thành Gia Định xây năm 1835 mà quân Pháp từ sông Sài Gòn tấn công năm 1859 được ghi là đại lộ (boulevard) Citadelle (Thành), còn lại chỉ ghi "đường" (route/rue), thậm chí là đường nhỏ, nội ô (rue - còn route là đường quan trọng/đường liên tỉnh)

Bản đồ Sài Gòn năm 1867 khá chính xác so với hiện nay với đường phố màu trắng và kinh rạch bản đồ tô màu xanh (hướng bắc ở góc phải bản đồ, phía trên) - Ảnh tư liệu

Cùng trong bản đồ này, các đại lộ Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi hiện nay vẫn còn là các đường nước ngoằn nghèo. 

Quan trọng nhất là đường nước tạo nên đại lộ Nguyễn Huệ hiện nay và đường nước giữa hai con đường hiện nay là Thái Văn Lung và Tôn Đức Thắng hoàn toàn khớp với bản đồ nổi tiếng do đại tá Olivier vẽ khi xây dựng thành Gia Định 1790 cho Nguyễn Ánh (Gia Long sau này).

Bản đồ này thấy rất rõ hai đường nước từ thành Gia Định thông ra sông Sài Gòn. Một đường hoàn toàn khớp với đường Nguyễn Huệ hiện nay, đường còn lại ở vị trí giữa đường Ngô Văn Năm hiện nay và đường Tôn Đức Thắng.

Một bản đồ hành quân của Pháp khi tấn công đại đồn Chí Hòa ngày 24, 25-2-1861 dù phác họa nhưng cũng rất rõ vị trí hai đường nước này cùng với thành Gia Định 1790 lẫn thành Gia  Định 1835.

Trong đó, ngoài đường nước lớn phía dưới nay là đường Nguyễn Huệ thì đường nước nhỏ phía trên chỉ còn là con lạch nhỏ, thông đoạn phía trên với đường Lê Thánh Tôn hiện nay.

Tất cả các bản đồ trước 1862 đều không có con kinh nay là đại lộ Lê Lợi. Lần đầu tiên nó xuất hiện là trong bản đồ quy hoạch của Coffyn ngày 30-4-1862.

Con kinh này trong bản đồ Sài Gòn 1867 đầu bên dưới (hướng nam) quẹo ra kinh Olivier (sau đổi thành Pellerin, nay là đường Pasteur), đầu trên (hướng bắc) chia hai nhánh quẹo xuống để ra sông Sài Gòn (hai nhánh rạch này có lẽ ở khoảng đường Ngô Văn Năm đến Tôn Đức Thắng hiện nay).

Lẽ nào hai thành Gia Định không có hào thành xung quanh?

Thành Gia Định 1790 được đa số nhà nghiên cứu xác định với chu vi hiện nay là bốn con đường: Lê Thánh Tôn - Đinh Tiên Hoàng - Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, trong đó cổng thành chính trên đường Lê Thánh Tôn.

Đường Lê Thánh Tôn năm 1865 (sau khi Pháp chiếm xong Sài Gòn năm 1859) gồm ba con đường: Palanca (từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến chợ Bến Thành hiện nay), Isabelle II (từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Đồng Khởi) và Sainte Enfance (từ Đồng Khởi đến Tôn Đức Thắng).

Đại lộ Lê Lợi những ngày đầu khai sinh dài khoảng 800m, từ khoảng đường Ngô Văn Năm đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa hiện nay, khớp với con kinh Gallimard năm 1862. 

Cả hai con đường này lúc ban đầu đều có vị trí khớp với cạnh hướng đông nam (hướng chính) của thành Gia Định 1790. Và đây là vị trí của đường nước dọc theo mặt chính của thành Gia Định 1790, tức hào thành.

Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức mô tả khi thành này vẫn còn: Hào rộng 15 trượng 5 thước (khoảng hơn 75m).

Và chính những hào thành này khi bị lấp năm 1835 sau cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi đã làm nên các con đường hiện nay: Nguyễn Đình Chiểu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đinh Tiên Hoàng  (sân Hoa Lư trước đây có tên sân vận động Hào Thành).

Đồng thời con đường nối dài ra sông Sài Gòn từ hào nước dọc đường Đinh Tiên Hoàng có lẽ cũng bị lấp lúc đó, trở thành đường Tôn Đức Thắng hiện nay.

Riêng đại lộ Lê Duẩn (xưa là Norodom) nằm trên hào thành phía đông nam thành Gia Định 1835. Hào thành bị lấp, con đường nối dài ra tới cạnh phía tây hào thành Gia Định 1790, tức đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa hiện nay. Cuối đường là dinh Norodom (nay là hội trường Thống Nhất).

Cần lưu ý, trừ rạch Cầu Sấu, những đường nước quanh thành Gia Định 1790 bị san bằng sau cuộc cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi 1833-1835 đã bị bỏ phế. Người Pháp sau này chỉ chỉnh trang thẳng thớm lại như ghi nhận từ biên bản một số cuộc họp của Hội đồng TP Sài Gòn cuối TK 19.

Có lẽ công việc này khiến không ít người ngộ nhận cho đó là những con kinh người Pháp đào rồi lấp.

Bản đồ thành Gia Định 1790 do đại tá Olivier vẽ, hiệu chỉnh bởi Brun 1795. Bản đồ thấy rõ hai đường nước hai bên cổng thành (thành Gia Định 1790 mỗi cạnh thành có hai cửa) nay là đường Nguyễn Huệ và (có lẽ) Ngô Văn Năm. Đường nước nhỏ góc sông Sài Gòn (bản đồ ghi nhầm sông Đồng Nai - Donnai Riv) và rạch Bến Nghé (bên trái ảnh) là rạch Cầu Sấu (đại lộ Hàm Nghi hiện nay) - Ảnh tư liệu
Một bản đồ hành quân của Pháp khi tấn công đại đồn Chí Hòa ngày 24, 25-2-1861. Các đường nước thẳng của thành Gia Định 1790 bị bỏ phế đã thành những đường nước ngoằn nghoèo - Ảnh tư liệu
Bản đồ Quy hoạch Sài Gòn 500.000 dân năm 1862 của trung tá công binh Coffyn (có chữ ký của ông bên dưới) đều ghi nhận các đường nước xưa của Sài Gòn (với ý đồ sẽ chỉnh trang thẳng thớm) trước khi bị lấp thành các đại lộ sau đó và hiện nay - Ảnh tư liệu
Bốn đại lộ Sài Gòn thuở ban đầu (hiện nay là) Tôn Đức Thắng, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi trên bản đồ Sài Gòn và vùng phụ cận 1892 so với các đường nước, hào thành Gia Định 1790. Riêng đại lộ Lê Duẩn (Norodom) nằm trên hào thành phía đông nam thành Gia Định 1835 - Ảnh tư liệu - Đồ họa: Trị Thiên

 

CÙ MAI CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp