08/09/2012 07:15 GMT+7

Đường nhập lậu tung hoành

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TT - Đường nhập lậu vào VN hiện xấp xỉ 400.000 tấn (chiếm 30% tổng lượng sản xuất trong nước) đang trở thành nguy cơ “giết chết” ngành mía đường trong nước nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

W5AoYKyF.jpgPhóng to
Ghe chở đường Thái Lan neo đậu sẵn bên kia sông thuộc Pekchray, Kothom, Kandal (Campuchia), sau đó chuyển sang ghe nhỏ tập kết tại các nhà kho ở xã Khánh An, huyện An Phú (An Giang) rồi đưa đi tiêu thụ trong nước - Ảnh: Đ.Vịnh

Đây là thông tin đưa ra tại lễ ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác chống buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng đường giữa Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và Hiệp hội Mía đường VN (VSSA) ngày 7-9 ở TP.HCM.

Điêu đứng với đường lậu

Phải giảm giá thành sản xuất

Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho rằng ngành đường phải nâng cao năng suất và giảm giá thành để cạnh tranh với đường Thái Lan. “Chỉ một vài năm nữa, khi Hiệp định AFTA có hiệu lực thì thuế nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN vào VN sẽ bằng 0 nên không chỉ đường lậu mà với đường nhập chính ngạch, ngành đường VN sẽ không thể cạnh tranh nổi nếu giá thành cao như hiện nay” - ông Tần nói.

Hơn ba tháng nay, bà Nguyễn Thị Minh Thái, giám đốc Công ty TNHH thực phẩm công nghệ Minh Tâm (TP.HCM), vất vả trong việc tìm đầu ra cho lượng đường mà công ty đang giữ. Hầu hết khách hàng của công ty thời gian qua là các nhà máy chế biến thực phẩm, còn lại khách hàng thương mại đã chuyển sang mua đường lậu từ Thái Lan. “Công ty chúng tôi chuyên kinh doanh đường sản xuất tại VN nên ba bốn tháng nay thị trường miền Nam hầu như không bán được gì, miền Trung và miền Bắc chỉ lai rai” - bà Thái lo lắng.

Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh đường lớn cũng cho rằng mấy tháng gần đây, đơn vị này điêu đứng vì đường lậu nên không biết định hướng kinh doanh buôn bán ra sao. Theo giải thích của nhà kinh doanh này, đường Thái Lan năm nay tràn vào VN nhiều vì giá lúc nào cũng thấp hơn giá đường trong nước 800-1.500 đồng/kg. Còn theo bà Thái, chưa có năm nào đường lậu lại phát triển với quy mô lớn hơn, nhiều hơn và rộng hơn khắp nơi. Điều này đang gây khó khăn cho ngành mía đường khi vụ mía năm nay sản lượng đường trong nước dự kiến đạt 1,5 triệu tấn, vượt nhu cầu trong nước.

Theo ông Nguyễn Thành Long - chủ tịch VSSA, mỗi năm lượng đường nhập lậu qua biên giới phía tây nam vào VN lên đến 300.000-400.000 tấn, và nếu tính cả nước thì con số này còn cao hơn nhiều, không những gây khó khăn cho ngành mía đường trong nước mà còn làm thất thu ngân sách nhà nước hàng trăm tỉ đồng. Ông Long phân tích với số lượng nhập lậu như trên thì tiền thất thu thuế nhập khẩu (5%) tương đương 250 tỉ đồng, tiền thuế giá trị gia tăng 5%, tức khoảng 250 tỉ đồng nữa. “Đó là chưa kể do ảnh hưởng của đường lậu mà doanh thu của các nhà máy đường giảm, theo đó mức thuế thu nhập doanh nghiệp cũng bị giảm khoảng 150 tỉ đồng. Như vậy, chỉ riêng đường nhập lậu đã gây thất thu cho đất nước 650 tỉ đồng mỗi năm” - ông Long cho biết.

Đủ chiêu buôn lậu

Ông Nguyễn Đỗ Kim, đội phó đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (đội 3, Tổng cục Hải quan), cho biết ở khu vực phía Nam, tình trạng buôn lậu đường tập trung tại khu vực Châu Đốc (An Giang). “Tại đây có 4-5 điểm kho tập kết, mỗi điểm kho có 5-6 ghe vận chuyển đường lậu từ Campuchia sang VN mỗi ngày với trọng lượng 70-80 tấn/ghe. Đó là chưa kể đi theo nhiều con đường của khu vực khác ở các tỉnh có biên giới với Campuchia” - ông Kim cho biết.

Để đưa hàng lậu về VN, các đối tượng đã đổi vỏ bao đường Thái Lan thành bao trắng rồi tập kết xuống các ghe ở bờ bên phía Campuchia chờ cơ hội chuyển sang bờ VN, đưa vào các kho nằm dọc bờ sông. Tại các kho này đường sẽ được hợp thức hóa bằng hóa đơn chứng từ của các nhà máy đường trong nước. Các đối tượng sử dụng hóa đơn này để quay vòng khó kiểm soát và cơ quan chức năng khó có thể biết hóa đơn này của lô hàng nào.

Trong khi đó, hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại đường ở khu vực phía Bắc có cách thức hoàn toàn khác, đó là lợi dụng kẽ hở của chính sách tạm nhập tái xuất để đưa hàng nhập khẩu tiêu thụ nội địa thay vì tái xuất. Ông Nguyễn Văn Ba, đội trưởng đội phòng chống buôn lậu phía Bắc, cho hay trong thời gian kiểm tra hàng tạm nhập tái xuất từ ngày 22-6-2012 đến nay, cơ quan chức năng kiểm soát 35 tờ khai tạm nhập tái xuất 204 container đường của 11 doanh nghiệp, nhưng thực xuất qua các cửa khẩu phía Bắc chỉ có 60 container, nằm tại cảng Hải Phòng là 24 container, tới cửa khẩu để chuẩn bị xuất khẩu là 38 container. “Như vậy còn 82 container đang lang thang không biết đi đâu về đâu” - ông Ba cho biết.

Ông Đỗ Thành Liêm, giám đốc Công ty đường Khánh Hòa, cho rằng chính sách tạm nhập tái xuất, chính sách gia công và chính sách vùng biên mậu tạo nên một kẽ hở khiến ngành đường bị tơi tả. “Chúng tôi với tư cách là doanh nghiệp cầu cứu các ngành vào cuộc ngăn chặn, bởi nếu kéo dài thì khó có doanh nghiệp nào chịu đựng nổi” - ông Liêm bức xúc nói.

Ông Nguyễn Đỗ Kim cho rằng lực lượng hải quan rất mỏng nên khó kiểm soát đường nhập lậu. “Toàn bộ đội 3 phụ trách phía Nam từ Bình Thuận đến Kiên Giang chỉ có sáu người như muối bỏ bể” - ông Kim nói. Do đó để đấu tranh có hiệu quả, ông Kim đề nghị các nhà máy bán đường cho các tổ chức cá nhân khu vực biên giới thông tin cho cơ quan hải quan, hóa đơn ghi cụ thể số lượng, chủng loại, phương tiện vận chuyển. Nhà máy gửi các mẫu đường từng lô để cơ quan hải quan đối chiếu.

Còn ông Nguyễn Phi Hùng, cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), cho biết mới đây Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đã xác định coi đường là một trong những mặt hàng trọng điểm để làm tốt công tác quản lý xuất nhập khẩu, đấu tranh chống buôn lậu. Bằng việc ký kết thỏa thuận với VSSA, Cục Phòng chống buôn lậu cũng đang có những kế hoạch rất cụ thể để tập trung vào mặt hàng đường trong thời gian sắp tới.

Giá đường trong nước còn 15.200 đồng/kg

Theo các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đường, giá đường trong nước có xu hướng giảm kể từ đầu năm đến nay, trong đó giảm mạnh nhất vào tháng 8. Cụ thể, hồi đầu năm giá đường mà các nhà thương mại mua tại kho nhà máy ở mức 16.300-17.700 đồng/kg, giảm còn 15.500-17.000 đồng/kg vào tháng 3 rồi tăng trở lại vào tháng 5 lên mức cao nhất là 17.000 đồng/kg. Kể từ đó đến nay giá đường liên tục giảm, trong đó giảm mạnh nhất vào tháng 8 với mức giá trên 1.000 đồng/kg (còn 15.300 đồng/kg). Bước sang đầu tháng 9, giá đường tiếp tục giảm nhẹ thêm 100 đồng/kg, còn 15.200 đồng/kg.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp