30/05/2024 07:56 GMT+7

Đường mở ra để dân đi, không thể cấm cho BOT thu phí!

Chủ đầu tư BOT Điện Thắng Trung (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) liên tục kêu cứu địa phương, đề xuất cắm biển cấm tất cả các đường để hướng xe vào trạm thu phí. Lãnh đạo thị xã Điện Bàn cho rằng mọi đề xuất đều không hợp lý.

Trạm BOT Điện Thắng Trung nhìn từ trên cao - Ảnh: B.D.

Trạm BOT Điện Thắng Trung nhìn từ trên cao - Ảnh: B.D.

Trong một phương án được gợi ý với Công ty 545 - chủ BOT Điện Thắng Trung, lãnh đạo thị xã Điện Bàn cho rằng nên xúc tiến các thủ tục để Nhà nước mua lại trạm thu phí này để đảm bảo hài hòa các lợi ích.

Ngày xưa chủ BOT đã dời trạm về đây vì nghĩ rằng vị trí hiện tại sẽ không có đường tránh nào. Nhưng tiến trình phát triển của Điện Bàn phải đi lên, phải hình thành hạ tầng dân cư. Chúng tôi nói với chủ đầu tư rằng phải tính phương án khác, chắc chắn trạm để ở vị trí hiện nay không ổn và càng để lâu thì càng thiệt hại.
Đường mở ra để dân đi, không thể cấm cho BOT thu phí!- Ảnh 2.Ông Nguyễn Xuân Hà, phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn

Đòi xử lý xe né trạm!

Trạm thu phí BOT Điện Thắng Trung do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng công trình 545 làm chủ đầu tư, đặt trên quốc lộ 1 đoạn qua phường Điện Thắng Trung (thị xã Điện Bàn).

Thời gian đầu từ lúc vận hành khai thác, do các vệt dân cư hai bên còn thưa thớt nên nguồn thu của trạm BOT này đạt kế hoạch đặt ra.

Tuy nhiên ít năm trở lại đây, liên tiếp các vệt đô thị do thị xã Điện Bàn đầu tư được mở dọc quốc lộ 1 khiến vô số các điểm nối hình chữ U bọc qua vị trí trạm thu phí.

Thay vì đi thẳng qua trạm, một lượng lớn xe cơ giới đã chọn đi đường vòng theo hình chữ U để tránh phí.

Nhiều thời điểm diễn ra cảnh tượng "méo mặt" cho chủ đầu tư BOT: xe cộ khi tới trước trạm barie thì không đi thẳng để qua mà rẽ ngoặt về hướng khác rồi vòng qua. Trạm thu phí đóng trên quốc lộ 1 gần như trống không, dòng xe cộ nối đuôi nhau ùn ùn qua đường dân sinh hai bên trạm.

Xe né trạm khiến phương án tài chính hụt hơi nặng, Công ty 545 liên tục phát đơn kêu cứu tỉnh Quảng Nam. Trong văn bản, doanh nghiệp này đưa ra các thống kê về thiệt hại do xe né trạm, những cam kết của chính quyền địa phương thời điểm doanh nghiệp đầu tư trạm BOT.

Các lần tiếp nhận đơn của doanh nghiệp, tỉnh Quảng Nam yêu cầu địa phương lấy ý kiến người dân để đưa ra phương án tối ưu.

Giải phóng đóng dải phân cách ở hai đầu trạm được doanh nghiệp đề xuất nhằm không cho xe quay đầu, rẽ qua các hướng dân cư để né thu phí được tham khảo ý kiến người dân. Tuy nhiên khi chính quyền họp dân thì 100% ý kiến đại diện không đồng thuận.

Mới đây, Công ty 545 lại tiếp tục gửi đơn kêu cứu lên tỉnh Quảng Nam. Lần này, công ty đề xuất thị xã Điện Bàn cho lắp đặt biển chỉ dẫn cấm các loại xe con, xe khách và xe tải vào các khu dân cư, đồng thời đề nghị có biện pháp xử lý xe cố tình đi đường vòng tránh né thu phí.

Doanh nghiệp đề xuất cấm thì làm sao cấm được?

Ngày 29-5, trả lời phóng viên Tuổi Trẻ về những đề xuất của BOT Điện Thắng Trung, ông Trần Úc, chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn nói rằng không thể có một giải pháp nào dứt điểm để vừa đảm bảo lợi ích người dân, vừa hạn chế thất thu tại trạm BOT.

Ông Úc nói rằng việc đặt trạm ở vị trí hiện nay cũng là từ chủ ý của doanh nghiệp. Không thể đổ lỗi rằng địa phương cho quy hoạch vệt dân cư hai bên trạm dẫn đến việc xe đi lòng vòng.

Theo ông Úc, trạm thu phí BOT Điện Thắng Trung xây dựng khoảng 2016, sau đó một số vệt dân cư hai bên trạm mới được quy hoạch và xây dựng.

Trạm BOT có trước, nhưng việc hình thành khu dân cư nằm trong lộ trình tính toán của Quảng Nam để đạt mục tiêu tới 2030 thị xã Điện Bàn lên thành phố.

Muốn vậy, bộ mặt đô thị phải được chỉnh trang, số lượng phường phải tăng lên (từ 5 phường lên 12 phường). Vệt dân cư dọc trục quốc lộ 1 được quy hoạch và xây dựng sẽ ngày càng nhiều, nghĩa là sẽ có thêm nhiều đường kết nối giữa quốc lộ 1 với khu nội bộ phía trong. Vô tình như vậy sẽ tạo ra các đường dân sinh khiến xe cộ đi lòng vòng mà không qua trạm.

Ông Úc khẳng định rất thông cảm cho những thiệt hại của doanh nghiệp, nhưng địa phương cũng cần phải phát triển. Không thể vì chuyện thu phí của một BOT mà ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân ở hai bên.

"Doanh nghiệp đề xuất cắm bảng cấm xe con, ô tô tải, xe khách... đi vào khu dân cư thì làm sao chấp nhận được? Trong các khu dân cư đó có biết bao nhiêu người sinh sống, đường mở ra là để cho bà con đi, chứ không phải rào khóa lại rồi thu phí.

Chúng tôi chỉ có thể cắm các biển hạn chế tải trọng. Đi liền với đó là yêu cầu công an xử lý xe vi phạm. Còn đường thì vẫn phải mở ra cho bà con đi, chứ không thể cấm được", ông Úc nói.

Rào một khúc đường, trạm BOT tăng thu 100 triệu đồng/ngày

Công ty 545 đầu tư trạm BOT Điện Thắng Trung theo hợp đồng với Bộ GTVT năm 2014. Thời gian bắt đầu hoàn vốn từ 2016.

Tuy nhiên, từ 2018, doanh nghiệp đối diện với tình trạng thất thu do hình thành nhiều trục giao thông kết nối xuyên quốc gia như cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường ven biển Đà Nẵng - Tam Kỳ (Quảng Nam).

Đặc biệt các đường tránh dân cư hai bên trạm thu phí đã kéo theo nguồn thu giảm tới 90% so với phương án tài chính.

Theo Công ty 545, tính toán sơ bộ trong ít ngày gần đây cho thấy tiền thu phí qua trạm tăng bình quân 100 triệu đồng/ngày do một số đường dân sinh ở sát hông trạm đang được rào lại để tu sửa. Dù vậy, vẫn có rất nhiều xe đi vòng xa hơn để né trạm.

Chủ tịch thị xã Điện Bàn: Chủ tịch thị xã Điện Bàn: 'Làm đường cho dân đi chứ không phải để khóa, thu phí cho BOT'

"Đường làm ra là để cho dân đi chứ không phải làm ra để khóa rồi phục vụ thu phí BOT cho doanh nghiệp. Nếu thấy lỗ quá thì phải tính phương án khác, có thể là dời đi nơi khác hợp lý hơn".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp