Nhiều hạng mục của đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa đã được thi công có nguy cơ lãng phí do dự án ngừng nhiều năm - ẢNH: Đ.TRỌNG
Trong khi đó, các địa phương có đường đi qua đều cho rằng cần ưu tiên thu xếp vốn cho dự án có ý nghĩa kết nối vùng này.
Không nhà đầu tư nào chịu nhảy vào
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chịu trách nhiệm xem xét, quyết định việc dừng triển khai dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) - Đức Hòa (tỉnh Long An) theo hình thức hợp đồng BOT.
Trong văn bản báo cáo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng tới nay phương án làm đường bằng nguồn vốn BOT đã "không khả thi".
Cụ thể, Bộ GTVT tính toán chi phí để thi công 73,5km đường với quy mô 4 làn xe cao tốc lên tới trên 6.900 tỉ đồng. Đó là chưa kể theo quy định mới thì chi phí lãi suất tăng, đẩy chi phí thi công dự án cao hơn nữa.
Với mức đầu tư cao, cơ quan chuyên môn tính toán rằng thời gian hoàn vốn của dự án phải lên tới trên 30 năm, vì vậy dự án "không hấp dẫn nhà đầu tư".
Đặc biệt, Bộ GTVT cho rằng sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết chỉ ra việc thu phí một số dự án BOT chưa hợp lý dẫn đến bức xúc trong dư luận, nếu triển khai dự án này bằng hình thức BOT sẽ "mọc" thêm 1 hoặc 2 trạm thu phí, cũng rất dễ tạo ra bức xúc cho người dân.
Trên thực tế, thời gian qua dù Bộ GTVT đã kêu gọi nhưng không có nhà đầu tư BOT nào đăng ký dự án này.
Về phương án chuyển dự án sang bằng hình thức đối tác công tư (PPP) thì vẫn cần phần vốn góp của Nhà nước khoảng 1.900 tỉ đồng, trong khi trình tự thủ tục hành chính rất phức tạp nên sớm nhất phải sau năm 2021 mới triển khai được.
Bộ GTVT kiến nghị và đã được Chính phủ chấp thuận dừng hình thức BOT, giao Bộ GTVT nghiên cứu làm bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước để sớm triển khai dự án.
Tuy nhiên, tới nay Bộ GTVT vẫn chưa có lộ trình cụ thể tới khi nào sẽ thi công trở lại tuyến đường này.
Cầu chờ đường
Với việc bị dừng dự án theo hình thức BOT, như vậy số phận đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa bị long đong suốt 10 năm qua.
Dự án này được khởi công từ năm 2009 bằng vốn nhà nước, đi qua các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An.
Tuyến đường kết nối nhiều trục đường quan trọng như quốc lộ 13, 14, 22, đường vành đai 4 TP.HCM... nên được kỳ vọng khi đưa vào hoạt động sẽ rút ngắn khoảng cách giữa các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và miền Tây.
Tuyến đường sẽ giúp các phương tiện có thể đi vòng, không phải đi vào trung tâm TP.HCM để tránh kẹt xe và nhiều trạm thu phí.
Tuy nhiên, đến năm 2011, dự án phải tạm dừng do kinh tế khó khăn trong khi nhiều hạng mục thi công dang dở.
Tới năm 2016, Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh dự án với quy mô 2 làn xe (gồm một làn xe cơ giới và một làn xe thô sơ), bề rộng hơn 12m, vận tốc đạt 100km/h, tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng.
Tới năm 2018, sau khi có chủ trương được đầu tư bằng hình thức BOT, dự án được tính toán theo hướng làm đường cao tốc quy mô 4 làn xe thì tổng mức đầu tư tăng vọt lên mức khoảng 7.000 tỉ đồng, dẫn đến không khả thi về mặt tài chính.
Theo một cán bộ, việc dự án bị điều chỉnh, dừng thi công kéo dài dẫn tới nguy cơ lãng phí rất lớn.
Cụ thể, hiện nay toàn bộ hạng mục giải phóng mặt bằng đã thực hiện xong, nhiều đoạn đã trải đá, đúc sẵn các mố trụ, cốt thép chờ...
Chỉ tính riêng hai cầu vượt tại nút giao với quốc lộ 13 và quốc lộ 22 đã có chi phí khoảng 400 tỉ đồng, hiện đã được thi công xong nhưng chỉ để... ngắm, xe cộ không lưu thông được vì chưa có đường.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Phước - cho biết bản thân các địa phương rất mong chờ dự án sớm được hoàn thành.
Theo ông Hiệp, đoạn đường Hồ Chí Minh qua Bình Phước tới nay đã đưa vào sử dụng, nếu tiếp tục thi công được đoạn Chơn Thành - Đức Hòa sẽ tạo được sự liên thông, khép kín cho đường Hồ Chí Minh. Khi đó, sẽ phát huy được tác dụng "kết nối vùng" của dự án.
Đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết dự án đi qua nhiều tỉnh thành nên thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT, bản thân địa phương đã tích cực ủng hộ dự án trong phạm vi của mình.
Riêng tại tỉnh Bình Dương, có hơn 30km dự án đi qua tới nay đã có mặt bằng "sạch" toàn bộ, chỉ chờ thi công.
UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ sớm thu xếp nguồn vốn để hoàn thành dự án, góp phần phát triển kinh tế, xã hội các khu vực mà tuyến đường đi qua.
Kết nối đồng bộ
Đường Hồ Chí Minh có tổng chiều dài khoảng 3.183km, kéo dài từ điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng) đến điểm cuối tại Cà Mau, có chi phí đầu tư rất lớn nên được chia ra thành nhiều dự án và nhiều giai đoạn xây dựng.
Trong đó, sẽ huy động nguồn vốn từ nhiều nguồn: vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA hoặc các hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao) và PPP (đối tác công tư).
Riêng các dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên với tổng chiều dài 663km từ Đăk Zôn (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) đã được hoàn thành và quyết toán trong giai đoạn 2014-2016.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận