19/06/2017 14:36 GMT+7

Đường đưa phim tài liệu đến người coi

MINH TRANG
MINH TRANG

TTO - Trong tình hình phim nội lẫn phim ngoại chiếu rạp phải “chen chân”, cạnh tranh khốc liệt tại phòng vé, việc đưa phim tài liệu ra rạp là chuyện không dễ nhưng không phải là không thể.

Bốn thế hệ phi công trên đường băng trong bộ phim E910 Giảng đường trên mây - Ảnh: ĐPCC
Bốn thế hệ phi công trên đường băng trong bộ phim E910 Giảng đường trên mây - Ảnh: ĐPCC

Tuần lễ phim tài liệu châu Âu - Việt Nam 2017 diễn ra trong 10 ngày tại Hà Nội và TP.HCM vừa khép lại tối 18-6 đã cho khán giả hai miền Nam - Bắc cơ hội thưởng thức 31 bộ phim tài liệu chọn lọc.

Ở TP.HCM, khi đến xem những thước phim trong một phòng chiếu nhỏ của ĐH Hoa Sen, bất giác câu hỏi “phim tài liệu có thể trở lại rạp chiếu không?” trỗi dậy trong người viết.

Gọi là trở lại vì trước đó phim tài liệu từng ra rạp và tạo “hiện tượng” như Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Lửa Thiện Nhân, Đáng sống... Chỉ có điều số lượng ấy còn ít ỏi lắm.

“Với tôi thì phim là “hàng”. Hàng tốt sẽ được khán giả tin dùng, dùng nhiều. Và khi có thị phần đủ tốt, việc trình bày hay kêu gọi đầu tư, tài trợ cũng dễ hơn, khả thi hơn. Đó mới là căn cơ lâu dài của việc có đưa được phim tài liệu ra rạp hay không

Đạo diễn Đặng Hồng Giang

Thận trọng thăm dò

Khi giải Cánh diều 2016 kết thúc, người yêu phim tài liệu khấp khởi trước thông tin Hội Điện ảnh TP.HCM sẽ kết hợp với rạp chiếu của CineStar để đưa phim tài liệu hay ra rạp định kỳ.

Nhưng dự định này đến nay vẫn chưa thành thực tế, bởi theo bà Dương Cẩm Thúy - chủ tịch Hội Điện ảnh TP:

“Kế hoạch là nếu các đơn vị sản xuất phim chịu đầu tư, chúng tôi sẽ đưa phim ra rạp, nhưng hiện vẫn phải thử nghiệm tại phòng chiếu của hội bằng những buổi chiếu miễn phí để xem phản ứng của khán giả.

Hội đã chiếu được hai buổi cho hai bộ phim Hai đứa trẻ (đạo diễn Tạ Quỳnh Tư) và André Menras - một người Việt (đạo diễn Đào Thanh Tùng), khán giả chủ yếu vẫn là hội viên Hội Điện ảnh”.

Gần đây, bộ phim tài liệu E910 Giảng đường trên mây, nói về đời sống quân ngũ của những nam thanh niên ưu tú trong trung đoàn không quân 910 của đạo diễn Đào Thanh Hưng và nhà sản xuất Từ Phương Thảo, khi vừa giới thiệu trailer đã nhận được sự yêu thích của công chúng.

Chỉn chu từ hình ảnh đến các khâu thực hiện, phim dự kiến ra mắt đầu tháng 7 năm nay. Tuy thế, họa sĩ, nhà sản xuất Từ Phương Thảo - người đã thai nghén ý tưởng thực hiện bộ phim - khẳng định E910 Giảng đường trên mây sẽ là món quà dành tặng những chiến sĩ phi công của trung đoàn 910 chứ không có ý định phát hành tại rạp chiếu.

Lý giải điều này, chị nói: “Tôi làm phim từ kinh phí cá nhân, ngay từ khi bắt đầu làm tôi đã không muốn mang tính thương mại vào phim. Để một bộ phim tài liệu có thể ra rạp rất nhiêu khê, cần nhiều thứ phải làm lắm!”.

Từ kinh nghiệm đưa hai bộ phim tài liệu Lửa Thiện Nhân và chùm ba phim tài liệu Đáng sống ra rạp thành công, đạo diễn Đặng Hồng Giang cười bảo đời sống phim tài liệu đã khởi sắc rõ rệt.

Việc đưa phim tài liệu ra rạp, theo anh, đã cởi mở và dễ dàng hơn so với trước, dù khi phát hành bộ phim Lửa Thiện Nhân anh tâm sự “tự thấy thương chính mình”.

Sản xuất phim tài liệu phát trực tuyến

Thực tế không khó nhận ra là dòng phim tài liệu đứng trước tình hình khó khăn của bối cảnh hiện tại: phim ra rạp sẽ phải cạnh tranh với một lực lượng phim ngoại, phim nội được quảng bá rất rầm rộ.

Đó cũng là trăn trở của ông Nguyễn Hoàng Hải - giám đốc phát hành của CJ CGV Việt Nam - khi cho hay dù CGV đã phát hành Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng thành công, nhưng đến nay CGV vẫn còn rất lưỡng lự với việc đưa phim tài liệu vào hệ thống phát hành.

“Đề tài của phim tài liệu thường là đề tài xã hội, chuyện có thật, nên các hệ thống rạp sẽ gặp phải một số khó khăn trong việc phát hành như rất khó để quảng bá bộ phim theo cách thức phát hành thông thường và thu hút khán giả đến rạp.

Sẽ khó thuyết phục các cụm rạp lấy phim để phát hành khi yếu tố thương mại luôn được các chủ hệ thống rạp quan tâm. Điều này sẽ khiến chi phí phát hành khó có thể thu hồi và khó mang lại doanh thu cho nhà sản xuất”.

Còn bà Ngô Thị Bích Hiền - giám đốc điều hành phía Nam của BHD, đơn vị từng đầu tư thực hiện một số đầu phim tài liệu nhận được phản hồi tích cực từ truyền thông và khán giả màn ảnh nhỏ như Ký sự Tân Đảo (30 tập, phát sóng trên kênh HTV năm 2007), ký sự lịch sử Đi tìm dấu tích ba vua (60 tập, mỗi tập 10 phút, phát sóng trên HTV vào năm 2008) - cho biết BHD đang nghĩ đến việc tái đầu tư dòng phim tài liệu bằng việc sản xuất phim dành riêng cho kênh phim trực tuyến Danet của BHD.

“Việc xây dựng và phát triển việc xem phim theo loại hình VOD (Video on Demand - xem phim theo yêu cầu) đang được ưa chuộng, dòng phim tài liệu có những khán giả riêng, họ có thể chọn lựa xem phim trả tiền một cách chủ động trên hệ thống xem phim trực tuyến này” - bà Hiền chia sẻ.

Nếu có thêm rạp chiếu riêng...

Từ cuối năm 2014 đến nay, dòng phim tài liệu ngày càng ghi dấu ấn với khán giả bởi những đề tài có sức lan tỏa lớn, tạo được độ rung trong xã hội như Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (đạo diễn Nguyễn Thị Thắm), Lửa Thiện Nhân (đạo diễn Đặng Hồng Giang), Hai đứa trẻ (đạo diễn Tạ Quỳnh Tư), Mẹ ơi con đã về (đạo diễn Minh Đức) hay gần đây là Chuyện ngày hôm qua (đạo diễn Đặng Linh - Hồng Thăng).

Theo đạo diễn Lê Hồng Chương - trưởng ban giám khảo phim tài liệu và khoa học của giải Cánh diều 2016, các phim tài liệu hiện nay rất cập nhật, cho thấy rõ sự nhanh nhạy của các đạo diễn trong việc đeo bám sự kiện, nhân vật.

“Có điều không giống phim điện ảnh, phần lớn phim tài liệu vẫn đang làm bằng nguồn kinh phí nhà nước. Nếu được tư nhân hóa và có thêm rạp chiếu riêng cho phim tài liệu, tôi nghĩ khán giả sẽ có nhiều bộ phim đáng xem hơn nữa” - ông Chương nói.

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp