03/05/2009 06:20 GMT+7

Đường đến giảng đường của sinh viên khuyết tật

NGUYỄN NAM
NGUYỄN NAM

TT - So với bạn bè cùng trang lứa, đường đến giảng đường của những sinh viên (SV) khuyết tật khó khăn hơn. Tuy vậy, nhiều bạn vẫn quyết tâm, dù nhọc nhằn, để khẳng định mình.

Yfa63XTv.jpgPhóng to
Con đường đến giảng đường của Nguyễn Thanh Tùng-ẢNH: N.NAM

Ngày đầu tiên bước chân vào giảng đường đại học, Trần Bích Quân - SV khoa ngữ văn Anh Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM - thú thật có cảm giác như bị lọt thỏm giữa dòng người xa lạ.

* Tan buổi học, Bích Quân chống nạng cố đi thật nhanh về phía cổng trường để tránh những ánh mắt chăm chú của các bạn SV cùng trang lứa. Sáng sáng, Quân được ba chở từ chỗ trọ ở Gò Vấp xuống Thủ Đức học, chiều đón về. Hai tuần một lần, hai cha con về thăm nhà tại xã An Bình, huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương). Hơn chục năm qua ba là người đã truyền nghị lực sống giúp Quân nuôi giấc mơ con chữ. “Thấy ba từng ngày đưa đón như vậy, tôi càng thương ba hơn và quyết tâm học để ra trường kiếm một công việc phù hợp nuôi thân”, Trần Bích Quân tâm sự.

Sức khỏe yếu, đi lại khó khăn nhưng Quân vẫn thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt nhóm và những hoạt động xã hội với các bạn. Bởi theo Quân, khi hòa mình vào cộng đồng, ngoài việc nhận được sẻ chia từ người xung quanh, Quân còn có điều kiện thoát ra mặc cảm tự ti của một người khuyết tật vốn tồn tại bấy lâu trong mình.

KYR4Uiii.jpgPhóng to

SV Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM (trái) hướng dẫn một SV khiếm thị, khiếm thính thực hành máy tính -Ảnh: N.NAM

Dạy vi tính cho SV khuyết tật

Đoàn Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM (ĐHQG TP.HCM) đã phối hợp với CLB ITIC mở lớp dạy miễn phí cho SV khuyết tật.

Anh Nguyễn Văn Toàn, bí thư Đoàn Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho biết: “Đây là chương trình dạy tin học miễn phí cho SV khuyết tật. Học xong, học viên sẽ được tổ chức thi lấy bằng A tin học. Lớp đầu tiên gồm 17 SV khuyết tật Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Chúng tôi dự tính mở rộng ra các trường khác tại TP và đã liên hệ với các trung tâm đào tạo tin học nhờ hỗ trợ phòng học để thực hiện chương trình. Hiện Trung tâm Kỷ Nguyên (cơ sở ở P.Linh Trung, Q.Thủ Đức) đã đồng ý hỗ trợ và sắp tới 17 học viên đầu tiên sẽ sang học tại trung tâm này”.

* Sinh ra trong một gia đình nghèo tại xã Phú Đức, huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh), từ nhỏ Nguyễn Thanh Tùng, SV năm cuối Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, đã mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến liệt mất đôi chân. Gia đình đông anh em, cha lại là thương binh nhưng Tùng vẫn bặm môi theo chúng bạn đi học. “Lúc nhỏ bị bạn bè trêu chọc, tôi kiếm chỗ nào kín đáo ngồi buồn tủi một mình. Về sau có một người bạn thân chở tôi đến trường mỗi ngày. Từ đó tôi nhận ra xung quanh mình còn nhiều người tốt lắm” - Tùng kể lại.

Tốt nghiệp cấp III, nghe Tùng nói nguyện vọng muốn thi vào đại học gia đình cũng ái ngại. Dù vậy, Tùng vẫn quyết chí phải học lên cao với tâm niệm: khi vượt qua một khó khăn con người ta sẽ trưởng thành hơn. Ngày Tùng cầm hơn 1 triệu đồng lên TP.HCM nhập học, bạn bè và người thân của anh ai cũng rơi nước mắt, còn Tùng thì cứ lăn lộn đủ thứ nghề làm thêm để có tiền ăn học; từ bán báo, dạy thêm cho đến... phụ bàn đám cưới.

Tùng nói về ước mơ của mình: ra trường được làm trong lĩnh vực truyền thông. Và để cọ xát tiếp thu kinh nghiệm từ thời SV, Tùng xin vào làm cộng tác viên dịch bản tin tại Công ty truyền thông Ngôi Sao.

* Cũng với quyết tâm tự khẳng định mình, bạn Nguyễn Khắc Chung, một SV khuyết tật đang học năm 3 khoa ngữ văn Nga thuộc Trường ĐH KHXH&NV, vừa học vừa tìm cách làm thêm. Hiện Chung là cộng tác viên tại Hãng phim Cửu Long. Chung khẳng định: “Nhiều SV khuyết tật có học lực không thua kém các bạn SV bình thường...”.

NGUYỄN NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp