
Bị can Hồ Sỹ Ý (trái), Đặng Trung Kiên và tang vật là sữa bột giả bị công an thu giữ - Ảnh: VTV
Liên quan vụ án sản xuất, buôn bán sữa bột giả xảy ra tại Công ty CP dược quốc tế Rance Pharma, Công ty CP dược dinh dưỡng Hacofood Group, đến nay Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam tám người về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Sản xuất gần 600 loại sữa bột giả, thu lợi gần 500 tỉ đồng
Trong đó cơ quan điều tra xác định Hoàng Mạnh Hà (46 tuổi), Vũ Mạnh Cường (46 tuổi, cùng trú Hà Nội) là chủ mưu cầm đầu trong điều hành hoạt động từ sản xuất, kinh doanh đến phân phối tiêu thụ các sản phẩm sữa bột giả.
Theo cơ quan điều tra, từ tháng 8-2021 Hoàng Mạnh Hà và Vũ Mạnh Cường nhận thấy người dân ngày càng có nhu cầu sử dụng sữa dạng bột nội địa nên cùng góp vốn lập Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood, sau đó điều hành mọi hoạt động từ sản xuất, kinh doanh đến tiêu thụ các loại sữa bột giả.
Họ mở nhà máy tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) để sản xuất sữa bột giả. Nhằm dễ dàng tiêu thụ, từ hai doanh nghiệp chính là Rance Pharma và Hacofood Group, Hà, Cường góp vốn với nhiều người lập thêm chín công ty để sản xuất, phân phối sữa bột giả.
Chín công ty trong "hệ sinh thái" này gồm: Công ty CP dược quốc tế Group, Công ty CP dược quốc tế Big Four Pharma, Công ty CP dược quốc tế Long Khang Group, Công ty CP dinh dưỡng y học BFF, Công ty CP dược quốc tế Safaco Group, Công ty CP dược quốc tế Darifa Group, Công ty CP dược quốc tế Win CT, Công ty CP dược phẩm dinh dưỡng Phúc An Khang, Công ty CP dược Nasaka Á Châu.
Các doanh nghiệp này sẽ đứng tên hồ sơ công bố các dòng sản phẩm (nhãn thương hiệu sản phẩm), trực tiếp kinh doanh, phân phối tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy của Công ty Hacofood Group và Công ty Rance Pharma.
Toàn bộ hoạt động điều hành sản xuất tại nhà máy được giao cho Hồ Sỹ Ý (cổ đông góp vốn Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood) đảm nhiệm. Một trong các phần việc của Ý là chịu trách nhiệm toàn bộ về chất lượng sản phẩm được sản xuất tại hai nhà máy.
Đến thời điểm bị bắt vào ngày 11-4, đường dây này đã sản xuất 573 loại sữa bột giả dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. Trong khoảng bốn năm từ 2021 đến nay, nhóm này đã tiêu thụ ra thị trường và thu về gần 500 tỉ đồng.
Thành phần sữa được công bố là: chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó, song trên thực tế không hề có những chất này. Để đánh lừa người dùng, nhóm này đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm các chất phụ gia khác. Công an xác định sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố - đủ căn cứ xác định là hàng giả.
Thủ đoạn của các nghi phạm sản xuất thực phẩm giả
Đại tá Nguyễn Minh Tuấn - phó chánh văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an - cho biết thông qua điều tra một số vụ án gần đây, lực lượng công an nhận thấy thực trạng sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm nói chung và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm chức năng nói riêng đang diễn ra rất tràn lan.
Các nghi phạm sử dụng hai thủ đoạn chính là lợi dụng quy định của Nhà nước, trong quản lý về sản xuất kinh doanh thực phẩm cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm; tự công bố các chỉ tiêu chất lượng, hàm lượng, thành phần dinh dưỡng, tính năng, tác dụng sản phẩm. Song việc này không chịu sự quản lý, kiểm tra, kiểm nghiệm, cấp phép trước khi lưu hành.
Các doanh nghiệp, cá nhân hiện nay cùng một lúc có thể đăng ký nhiều nhãn hàng hóa của cùng loại sản phẩm với nhiều tính năng, tác dụng ưu việt, chất lượng cao, phù hợp với nhiều nhóm khách hàng như trẻ em, người già, người ăn kiêng...
Song thực tế các sản phẩm này cùng chung nguyên liệu, công thức, quy trình sản xuất giống nhau. Chỉ bổ sung, thay thế một số nguyên liệu chính hoặc thêm hương liệu, phụ gia nhằm lừa người tiêu dùng về công dụng sản phẩm.
Một thủ đoạn khác mà các nghi phạm sử dụng là thuê các cá nhân có uy tín, ảnh hưởng trên mạng để quảng cáo, bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên việc bán hàng được thực hiện với các thông tin sai sự thật, thổi phồng, phóng đại tính năng, tác dụng, chất lượng sản phẩm để lôi kéo người tiêu dùng và bán được số lượng hàng rất lớn, thu lời bất chính.
Ông Nguyễn Minh Tuấn thông tin hiện lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo cơ quan điều tra điều tra, xử lý một cách triệt để, nghiêm minh các hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả.
Đồng thời xử lý nghiêm các hành vi quảng bá, giới thiệu, bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội của một số cá nhân nổi tiếng. Thông qua đó tạo sự răn đe, phòng ngừa, cảnh tỉnh người tiêu dùng.
Gần 600 loại sữa giả "không được kiểm nghiệm"
Theo Bộ Công an, quá trình tổ chức khám xét 19 địa điểm là nhà máy sản xuất, văn phòng làm việc của các nghi phạm, cảnh sát thu giữ 84 loại sản phẩm sữa bột khác nhau với số lượng 26.740 lon/90 lô sản xuất và nhiều tài liệu, đồ vật phục vụ công tác điều tra.
Cơ quan điều tra bước đầu xác định từ năm 2021 đến nay, Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood còn để ngoài sổ sách kế toán kê khai nộp thuế doanh thu thực tế, gây thiệt hại ngân sách nhà nước hơn 28 tỉ đồng.
Tại cơ quan công an, Hồ Sỹ Ý (37 tuổi, quê Hà Tĩnh) khai rằng tất cả thông tin, hàm lượng dinh dưỡng để sản xuất sữa bột "không được kiểm tra nên dẫn tới sự sai sót như thế".
Trong khi đó, Đặng Trung Kiên (37 tuổi) khai: "Thực tế về việc kiểm nghiệm toàn bộ dưỡng chất thì gần như không".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận