13/09/2014 12:35 GMT+7

Đường dây mua bán thận: Bài học của ngành y

LAN ANH thực hiện
LAN ANH thực hiện

TT - Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến - người được Bộ Y tế giao phụ trách lĩnh vực ghép tạng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến - Ảnh: Vũ Đồng
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến - Ảnh: Vũ Đồng

Ông Tiến nói:

- Lĩnh vực ghép tạng ở VN đi sau thế giới rất nhiều nên khi triển khai giai đoạn đầu có va vấp này va vấp khác. Để xảy ra tình trạng mua bán thận như báo phản ánh cũng là một va vấp.

Ở Trung Quốc cũng có chuyện mua bán thận như vậy, mặc dù tôi theo dõi thấy luật của họ khá chặt chẽ. Không phải vì va vấp ấy mà mình chùng bước về khoa học, nhưng cũng phải giải quyết thật rốt ráo để vẫn có đường cứu người cần ghép thận, nhưng không để có hại cho người vì kém hiểu biết mà bán quả thận mình đi. 

Xu hướng của thế giới ghép tim, gan, thận... chủ yếu là từ người hiến đã chết não, vạn bất đắc dĩ mới xin từ người thân của mình.

Nhưng có người vì thời gian chờ tạng hiến từ người chết não quá lâu và có thể qua đời, trường hợp ấy có thể xin từ người thân, người hiến tặng để chia sẻ cuộc sống, chính sách hiện hành cũng chấp nhận việc hiến tặng tự nguyện ấy.

Thấy bất thường phải kiểm tra ngay

Yêu cầu khẩn trương rà soát hoạt động lấy, hiến ghép mô tạng

Ngày 12-9, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê đã có văn bản gửi các đơn vị thực hiện ghép tạng. Văn bản yêu cầu khẩn trương rà soát hoạt động lấy, hiến, ghép mô tạng, bộ phận cơ thể người theo đúng các quy định pháp luật, báo cáo về Cục Quản lý khám chữa bệnh trước ngày 20-9, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có vi phạm.

* Trong quá trình viết loạt bài đường dây buôn thận, chúng tôi nhận thấy việc hiến tặng tạng ở đây không phải là tự nguyện mà lừa mua từ người thiếu hiểu biết, cả bác sĩ cũng dính dáng đến việc len lỏi các cửa thủ tục để mua bán thận trót lọt. Ông có biết tình trạng này?

- Bây giờ còn trong quá trình xác minh, nói các bác sĩ không dính dáng cũng chưa đúng, mà nói họ tham gia nhận tiền cũng chưa có cơ sở kết luận.

Tôi cho lỗi của bác sĩ là không đủ nghiệp vụ để xác minh có phải là tự nguyện hiến tặng tạng hay không, trong khi đường dây buôn thận chủ động chuẩn bị những hồ sơ để qua mặt, len lỏi vào. 

Một lỗi nữa là lẽ ra khi thấy có bất thường mình phải kiểm tra, xác minh ngay, xem bất thường ở đâu, xem lại hệ thống chuyên môn của mình.

Vì sao ở Hà Nội, TP.HCM bất ngờ có nhiều người đến ghép tạng như vậy, mà ở Hà Nội, TP.HCM có nhiều trung tâm vì sao họ không làm, lại đến Huế? Đây là một bài học, phải nhớ để thắt chặt hơn nữa các chính sách đã có, nếu không việc ghép thận vốn là nhân đạo có thể có những chuyện vô đạo đức trong đó.

* Có nhiều ý kiến cho rằng Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người đã có gần 10 năm nay nhưng do quy định không chặt chẽ, cho phép người hiến - nhận tạng có thể biết nhau và hiến - nhận không cần qua trung tâm điều phối khiến xảy ra mua bán tạng. Ông có thấy những điểm chưa chặt chẽ ấy?

- Nhiều năm làm bác sĩ lâm sàng, tôi vẫn cho là bác sĩ mổ xẻ, điều trị dễ hơn những người làm ghép tạng, vì ghép tạng cần yếu tố luật pháp chặt chẽ trong quá trình cho - nhận tạng mà các bác sĩ không có những nghiệp vụ này.

Ở Trung tâm Điều phối hiến ghép tạng quốc gia, Bộ Y tế đã cử một vụ phó Vụ Pháp chế làm phó giám đốc trung tâm. Nhưng tôi muốn nhắc lại ghép tạng vẫn là lĩnh vực mới và khi bắt đầu, giai đoạn đầu có thể có chuyện này chuyện nọ phải khắc phục.

Còn việc không để người hiến - nhận tạng không được biết nhau thì không phải bắt buộc. Ở nước ngoài cũng như thế, họ vẫn biết người nhận tạng hiến là ai chứ làm sao có thể bắt người có hành vi đẹp đẽ là hiến tạng không được biết về người nhận được.

Không dung túng cho hành vi phi pháp

 

* Như ông nói đây là bài học, vậy ông cho điểm nào cần phải khắc phục đầu tiên?

- Khâu xét duyệt hồ sơ cần phải thắt chặt hơn, người đặt bút ký phải thận trọng hơn bởi đây là vấn đề rất lớn. Chúng tôi sẽ yêu cầu các bên cung cấp chứng minh nhân dân, với người hiến tặng tạng đã có vợ/chồng thì cần có chữ ký chấp thuận của vợ/chồng, có đăng ký kết hôn của hai người...

Hồ sơ hiện hành có những điểm còn dễ dàng, vì sao lại dễ dàng là vì ít người hiến tạng quá, nếu có một ca hiến tạng là lấy làm mừng, sợ rằng nếu bắt bẻ thì không ai hiến nữa. 

Thế giới cũng như VN, nhu cầu được ghép tạng bao giờ cũng lớn hơn số lượng tạng hiến tặng, VN thì tạng hiến tặng còn ít ỏi hơn nữa.

Lợi dụng chuyện này, những đường dây buôn bán thận đã len lỏi vào, lợi dụng những khoảng trống pháp luật để kiếm lợi.

Một điểm cần khắc phục nữa là vận động để có tạng hiến tặng từ những người bị tai nạn chết não, nếu nguồn tạng hiến tăng lên, cung - cầu cân bằng thì những đường dây như thế này cũng không còn đất làm ăn nữa.

* Có những thông tin từ đường dây và người bán thận cho biết có sự tiếp tay của bác sĩ, các ông có nên mời công an vào cuộc để xác minh vì câu chuyện này liên quan trực tiếp đến một bệnh viện trực thuộc bộ là Bệnh viện T.Ư Huế?

- Cái đó tôi chưa đề cập đến và sẽ có những biện pháp để xác minh, bây giờ tôi nói không có chuyện bác sĩ liên quan mà sau xác minh lại có hoặc ngược lại đều không được.

Ghép tạng là một lĩnh vực chuyên môn rất cao, không phải dễ mà đào tạo được những người tham gia ghép được tim, gan, thận, giác mạc..., nên chúng tôi xác định xác minh, điều tra thận trọng, không dung túng cho hành vi phi pháp nhưng cũng không để các thầy thuốc chùn bước, ngại ngần khi triển khai kỹ thuật mới.

* VN đã có Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người gần 10 năm và đã có Trung tâm Điều phối quốc gia gần hai năm, hoạt động ghép tạng đã được triển khai từ đầu những năm 1990 nhưng đi rất chậm, như ông nói mới là bước đầu, giai đoạn đầu. Vì sao lại chậm trễ thế?

- Tiếng là có luật và triển khai ghép tạng đã hơn 20 năm, kỹ thuật ghép ở VN cũng đang ngày càng thuần thục, nhưng vấn đề là không có người hiến tạng để ghép.

Các bác sĩ giống như các đầu bếp nấu ăn rất ngon nhưng gia đình không có ai mang thực phẩm về, nên lĩnh vực ghép tạng ở VN vẫn còn mới và đang ở giai đoạn đầu phát triển.

Không thể đổi mạng sống của mình bằng sức khỏe người khác

Một bác sĩ chuyên khoa thận niệu kể với PV Tuổi Trẻ phòng mạch của ông có nhiều bệnh nhân suy thận và đã được ghép thận đến khám, theo dõi sức khỏe định kỳ.

Trong đó có một bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần được ghép thận để duy trì cuộc sống. Bệnh nhân này đã tìm được một người cho thận và hai người dự định dẫn nhau qua Trung Quốc hoặc Campuchia ghép thận.

Trước khi đi, bệnh nhân này đến hỏi ý kiến và ông đã khuyên bệnh nhân không nên đi vì có không ít người đi ghép về đã chết, nhưng bệnh nhân vẫn quyết tâm đi.

Một tháng sau bệnh nhân này quay lại khám bệnh và cho bác sĩ biết ông đã quyết định không ghép thận. “Xin lỗi bác sĩ, sang bên đó tôi thấy tội nghiệp quá. Qua đó thấy có hẳn một làng gọi là “làng bán thận” gồm rất nhiều người Việt Nam mình.

Thấy vậy tôi thôi không ghép nữa. Tôi thấy thất đức quá, mặc dù mình cũng phải trả tiền cho người ta nhưng mà tôi quyết rồi, không ghép thận nữa. Tôi thà sống lúc nào thì sống, chết lúc nào thì chết chứ không thể đổi mạng sống của mình bằng sức khỏe người khác...” - bệnh nhân này tâm sự với bác sĩ như vậy.

L.T.H. - H.L. - Đ.P.

LAN ANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp