03/08/2018 13:46 GMT+7

Đường dây 'chạy điểm' ở Sơn La hoạt động như thế nào?

NHÓM PV TUỔI TRẺ
NHÓM PV TUỔI TRẺ

TTO - Như Tuổi Trẻ đã thông tin, ngày 31-7 Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã khởi tố 5 cá nhân liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh này.

Đường dây chạy điểm ở Sơn La hoạt động như thế nào? - Ảnh 1.

Ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và đào tạo - thông tin về sai phạm trong kết quả thi THPT quốc gia tại Sơn La - Ảnh: TTXVN

Qua đó bước đầu làm lộ diện một đường dây "chạy điểm" hoạt động tinh vi. Vậy đường dây "chạy điểm" liên quan đến những ai?

Copy toàn bộ dữ liệu bài thi gốc mang về nhà

Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, trên cơ sở trình bày của những người liên quan (đã bị khởi tố, trong đó có người bị bắt tạm giam) và xác minh của các cơ quan chức năng, có thể khái quát hoạt động của đường dây này.

Theo đó, trước kỳ thi, đã có nhiều phụ huynh có con dự thi năm nay tìm đến "đặt vấn đề" với một số cá nhân chịu trách nhiệm chính trong Hội đồng thi tỉnh Sơn La, trong đó có ông Trần Xuân Yến, phó giám đốc Sở GD-ĐT. Ông Yến đồng thời là ủy viên Ban chỉ đạo thi, phó chủ tịch hội đồng thi, phó trưởng ban thường trực ban chấm thi, tổ trưởng tổ chấm thi trắc nghiệm. 

Ông Yến đã nhận lời "giúp đỡ" đối với ít nhất 13 trường hợp. Những cá nhân khác còn nhận "giúp đỡ" bao nhiêu trường hợp nữa thì cơ quan công an đang tiếp tục xác minh.

Sau khi kết thúc việc tổ chức kỳ thi, theo quy trình của Bộ GD-ĐT, toàn bộ bài thi gốc phần thi trắc nghiệm của các thí sinh tỉnh Sơn La được quét thông qua máy scanner và số hóa thành file dữ liệu ảnh bài thi, được lưu trữ trong máy tính đặt tại Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD-ĐT Sơn La.

Để thực hiện việc sửa nâng điểm, ông Trần Xuân Yến đã chỉ đạo cấp dưới sao chép (copy) toàn bộ dữ liệu ảnh bài thi vào 16 đĩa CD và mang về nhà riêng. Tại nhà, 13 file ảnh bài thi của 13 thí sinh mà phụ huynh  "đặt vấn đề" từ trước được lọc ra, sau đó chấm thử từng bài theo đáp án của Bộ GD-ĐT để xác định điểm số của bài thi đó.

Biết được các bài thi đó chỉ ở mức điểm nhất định theo năng lực của thí sinh, những người liên quan liên hệ lại với các phụ huynh để "làm giá" cho việc sửa nâng điểm bài thi, tùy mức điểm phụ huynh muốn nâng và số môn muốn "cải thiện điểm" mà có biểu giá cụ thể. 

Sau khi hai bên nhất trí, ông Yến và thuộc cấp đã rút bài và sửa trên bài thi giấy của thí sinh theo đáp án đúng của Bộ GD-ĐT để đảm bảo điểm số của bài thi đúng như đã thỏa thuận với phụ huynh.

Những bài thi này sau khi sửa xong được bà Nguyễn Thị Hồng Nga - chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, thư ký Ban chỉ đạo thi - quét (scan) lại thành file dữ liệu ảnh bài thi mới. Dữ liệu ảnh bài thi này sau khi chạy qua phần mềm hỗ trợ chấm trắc nghiệm sẽ cho ra kết quả như phụ huynh mong muốn và công bố kết quả thi.

Khôi phục dữ liệu gốc bằng cách nào?

Trường hợp 1: nếu ổ cứng của máy tính lưu trữ các file dữ liệu gốc chưa bị phá hủy thì có thể dùng các phần mềm khôi phục được, kể cả ổ cứng đã bị format và cài lại hệ điều hành.

Trường hợp 2: nếu ổ cứng máy tính đã bị phá hủy, theo các chuyên gia, có thể rà lại máy quét (scanner). Một số loại máy scanner/photocopy có thể có một bộ phận lưu trữ tạm thời. Các tài liệu giấy khi scan qua máy sẽ lưu trong bộ phận này một thời gian cho tới khi đầy thì lại xóa đi, ghi đè...

Trường hợp 3: nếu hai cách trên không được, có thể các đơn vị nghiệp vụ sẽ phải sử dụng kính hiển vi điện tử để soi trên bản giấy các bài thi trắc nghiệm có nghi vấn sửa chữa để tìm ra dấu vết.

Đổ bể và đốt bỏ để phi tang

Mọi việc tưởng đã trót lọt, bất ngờ sau khi Bộ GD-ĐT công bố kết quả thi THPT quốc gia, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin về điểm số cao bất thường của một số thí sinh tại tỉnh Sơn La. Chiều 18-7, bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ quyết định thành lập tổ công tác do ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - dẫn đầu lên Sơn La xác minh.

Cùng ngày 18-7, khi biết tin Bộ GD-ĐT cử tổ công tác lên Sơn La, thấy sự việc đổ bể, ông Trần Xuân Yến đã chỉ đạo cấp dưới xóa toàn bộ file dữ liệu ảnh bài thi gốc của thí sinh Sơn La lưu trong máy tính ở Sở GD-ĐT. Sau đó, chưa yên tâm, ông Yến tiếp tục đem 16 đĩa CD đã copy dữ liệu ảnh bài thi gốc của các thí sinh đi đốt bỏ để phi tang.

Chiều 1-8, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định các đơn vị nghiệp vụ - kỹ thuật của Bộ Công an đang tích cực làm việc và sẽ khôi phục được dữ liệu bài thi gốc của các thí sinh ở Sơn La, qua đó xác định được điểm thực cho bài trắc nghiệm của thí sinh.

Lộ diện đường dây "chạy điểm" ở Sơn La

TTO - Năm ngày sau khi khởi tố vụ án, chiều 31-7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La khởi tố bị can, công bố lệnh bắt tạm giam và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 5 người liên quan vụ gian lận tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Sơn La.

NHÓM PV TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp