Đang chờ thi hành án tử hình, Dương Chí Dũng được đưa đến tòa sáng nay - Ảnh: P.S.N |
Bị cáo Trần Hải Sơn được dẫn giải đến TAND tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: P.S.N. |
Sáng 11-11, TAND tỉnh Khánh Hòa đã mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tham ô tài sản nhà nước tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) khi sửa ụ nổi 83M ở nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin (ở Khánh Hòa).
Ông Dương Chí Dũng là một trong 10 người có nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan trong vụ án tham ô khi sửa ụ nổi này.
Đại diện Viện KSND tỉnh Khánh Hòa - được Viện KSND Tối cao ủy quyền thực hành quyền công tố tại phiên tòa.
Cả bốn bị cáo trong vụ án này đều đã bị Viện KSND tối cao truy tố tội "tham ô tài sản" tổng cộng hơn 3,63 tỷ đồng, thông qua việc thực hiện hai hợp đồng phụ sửa chữa ụ tàu biển 83M.
Đó là các bị cáo: Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines thuộc Vinalines - đã bị tuyên phạt 22 năm tù trong vụ án khi mua ụ nổi 83M), Phạm Bá Giáp (giám đốc Công ty TNHH Nguyên Ân), Trần Văn Quang và Trần Bá Hùng nguyên là cán bộ của Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin.
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, bị can Trần Hải Sơn có lời khai là đã chi 150 triệu đồng trong số tiền mà bị can này đã chiếm đoạt, tham ô trong vụ án sửa chữa ụ nổi 83M, để làm quà cáp cho ông Dương Chí Dũng vào các dịp lễ, tết.
Việc xét xử sơ thẩm vụ án tham ô khi sửa ụ 83M đã phải hoãn xét xử rất nhiều lần. Trong đó có nguyên nhân là nhiều nhân chứng bị triệu tập đã không có mặt tại phiên tòa trong các lần xét xử trước đây.
Tại phiên tòa sơ thẩm sáng nay, sau khi hoàn tất các thủ tục khai mạc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã dành toàn bộ thời gian để xét hỏi hai bị cáo Phạm Bá Giáp và Trần Bá Hùng xoay quanh việc ký kết, thanh toán các hợp đồng phụ của Công ty TNHH Nguyên Ân, để sửa chữa ụ nổi 83M.
Đó là những hợp đồng phát sinh thêm, ngoài hợp đồng sửa chữa chính đã được đại diện của Vinalines ký kết với nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin.
Bị cáo Phạm Bá Giáp thừa nhận nhiều vấn đề mà bị cáo đã khai tại cơ quan điều tra và nêu trong cáo trạng là đúng.
Tuy nhiên, việc nâng khống đơn giá sửa chữa ụ nổi 83M cũng như quá trình thực hiện các hợp đồng phụ đó thì “bị cáo không hề biết”.
Bởi theo bị cáo Giáp, thực tế thì việc ký kết các hợp đồng phụ đứng tên Công ty TNHH Nguyên Ân chỉ là một kiểu đứng tên, cho mượn pháp nhân, nhằm giúp cho bị cáo Trần Bá Hùng (là cháu vợ của Giáp) có việc, làm ăn mà thôi…
Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ tham ô tài sản khi sửa ụ nổi 83M sẽ tiếp tục xét xử vào chiều nay và dự kiến còn kéo dài nhiều ngày.
Dương Chí Dũng ra tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - Ảnh: P.S.N |
Bốn bị cáo bị xét xử trong vụ tham ô khi sửa ụ 83M - Ảnh: P.S.N |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận