Đầu tiên là chạy 2 vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, rồi sau đó là 4 vòng, 7 vòng, 10 vòng. Đến một lúc, Thái (sinh 1988) chợt nghĩ đến đường chạy dài hơn.
Hành động để thay đổi
Ngày 29-12-2013, Thái xuất phát từ Hà Nội, giấu gia đình vì biết sẽ bị ngăn cản (gia đình chỉ biết sau 5 ngày). Trong nhóm hỗ trợ có Hoàng Thế Minh (1986), Nguyễn Duy Bình (1991), Tạ Duy Khánh (1992), tất cả đều hừng hực ý chí.
Thái chạy trung bình 60km/ngày, có lúc bị cảm chỉ chạy được 28km/ngày. Hai đôi giày mòn vẹt, ngày chạy có người đi trước lo hậu cần, đêm chạy có người theo soi đèn. Chạy, dừng, ăn nhẹ... rồi chạy tiếp. Nhiều cơ bắp đau cùng lúc, đau nhất là dây chằng. Bác sĩ Lê Huấn, người theo đoàn trong ngót 20 ngày, đưa ra lời khuyên: “Không thể chạy tiếp, nên nghỉ một ngày vì suy kiệt”. Nhưng Thái vẫn chạy trên đôi chân khập khiễng.
Thật ra, Thái không bận tâm có đến được đích hay không. “Quan trọng là ngày hôm sau tôi vẫn có thể chạy được. Với tôi, thành công không phải là cái đích cuối cùng mà là nỗ lực cho chiến thắng” - Thái giải thích. Anh chỉ muốn chứng minh một điều: dám hành động, ta có thể thay đổi chính mình và người khác. Anh từng chinh phục đỉnh Fansipan chỉ trong hơn 10 giờ, cả lên lẫn xuống. Thái viết trên blog: “Có thể hành động không đem lại kết quả. Nhưng sẽ không có kết quả nếu không hành động... Đừng là một người không bao giờ thất bại. Bởi vì người duy nhất không bao giờ thất bại là người không làm gì cả”.
Thái từng mở công ty và thất bại, trắng tay, nhưng niềm tin vẫn còn đó, thôi thúc Thái phải hành động. Và cũng không nhất thiết làm gì đó quá lớn lao. “Thoát khỏi cái chăn sớm hơn 30 phút so với ngày hôm qua, gặp một khách hàng mới, mời một cô gái xinh đẹp đi xem phim... Hành động đều đặn, bạn sẽ nhận ra mỗi ngày trôi qua thật ý nghĩa. Bạn sẽ bớt đi sự chán nản, tuyệt vọng, hờn trách. Bởi vì, “một hòn đá lăn sẽ chẳng bao giờ đóng rêu”“.
Những trải nghiệm tuyệt vời
Tại sao lại gắn việc chạy với cuộc vận động đọc sách? Thứ nhất là vì Thái yêu sách. Thứ hai vì Thái gắn liền cuộc chạy thể lực (chạy bộ) với trí não (đọc sách). Cả hai cuộc chạy này đều là thách thức của giới trẻ. “Đọc sách là để khai minh, còn hành động là để biến ước mơ thành hiện thực” - Thái nói.
[quote]
“Là người Việt Nam, chúng ta hãy cùng nhau hành động... Thế giới sẽ không ai có thể coi thường một dân tộc luôn nỗ lực hết mình để lớn hơn ngày hôm qua” - Cao Đức Thái
[/quote]
Những phần thưởng ngọt ngào đã đến với Thái và nhóm hỗ trợ: họ đã lập được ít nhất ba câu lạc bộ quyên góp sách tại các trường đại học, quyên góp được 8.000 cuốn sách giấy và 120.000 bản đọc ebook. Cùng một người bạn, Thái đang lên kế hoạch ra mắt một quán cà phê sách tại Hà nội. Trong suốt chặng đường chạy Bắc-Nam, anh tiếp tục quyên được nhiều cuốn sách giá trị (kể cả trong lần viếng thăm gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Quảng Bình và được người nhà Đại tướng tặng sách).
Thông điệp của Thái được nhiều người hưởng ứng, không ít người đã chạy theo trong một phần đường. Bác sĩ Lê Huấn chứng kiến sự kiên cường của Thái đã nâng dần quãng đường chạy mỗi ngày của mình từ 10km lên đến 60km. Những bữa ăn được người dân chiêu đãi, những tình cảm mặn nồng, cảnh đẹp quê hương khiến bạn Duy Khánh không ngừng sáng tác những vần thơ trên đường chạy. Riêng Thái thì viết về phần thưởng của mình: “Bạn sẽ nhắm mắt, thấy đượm đà cảm giác ngọt lịm của những lần vượt qua ranh giới của chính mình. Bạn sẽ mang theo mãi hình ảnh một thằng “tôi” những năm tuổi hai mươi non nớt, dại khờ nhưng ngang tàng, bướng bỉnh và luôn thách thức chính bản thân...”.
Liệu Thái và nhóm hỗ trợ có tiếp tục một đường chạy nữa, thậm chí thách thức hơn? “Tôi đã có ý tưởng về một thách thức khác. Vấn đề không phải là làm gì mà chính là hành động. Xã hội ngày nay đang quá quan trọng về thành bại, dẫn đến sợ thất bại. Tôi chỉ muốn cổ động mọi người hãy dấn thân” - Thái trả lời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận