Xà mũ (dầm ngang) đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương bị bể tại 3 vị trí, trong đó có một vị trí bể lớn - Ảnh: M.Trường |
Ngày 25-8, có mặt tại hiện trường, chúng tôi thấy dầm ngang bằng bêtông bắc giữa hai trụ cầu đường cao tốc số 112, hướng bên phải theo chiều TP.HCM đi Tiền Giang (tỉnh Long An) bị bể một mảng lớn hình tròn với đường kính khoảng 80cm.
Mảng bêtông này bị tách khỏi thân dầm, tạo khe hở hơn 3cm và sắp rơi xuống đất. Vị trí dầm bị bể nằm ngay gối cầu, nơi chịu lực giữa dầm ngang và dầm dọc (dầm dọc số 135).
Ngoài ra, tại thanh dầm ngang này còn có hai vị trí khác ngay gối cầu (điểm tiếp xúc giữa thanh dầm ngang và thanh dầm dọc) bị bể, mảng bêtông có đường kính 20-30cm đã bị tách rời, rơi xuống đất.
Ông Dương Tuấn Minh, tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Bộ Giao thông vận tải) - chủ đầu tư dự án, cho biết sẽ liên hệ với các đơn vị liên quan để kiểm tra lại.
Còn ông Nguyễn Trung Dũng, giám đốc Trung tâm Quản lý đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cho biết qua kiểm tra, hai dầm chủ hai bên (dầm dọc) có bốn điểm tì xuống xà mũ (dầm ngang) do quá trình giãn nở dầm nên làm mẻ bêtông chỗ tiếp xúc. Do đó, đơn vị sẽ khắc phục bằng cách trám lại bằng vật liệu chuyên dụng.
Trong khi đó, TS Vũ Xuân Hòa - giảng viên Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM - nhận định đây có thể là vết bể đã cũ, có từ trước và bể lớp vỏ bêtông phía ngoài nên không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng công trình.
Tuy nhiên, tác dụng của lớp bêtông ngoài là để bảo vệ kết cấu phía trong dầm ngang, do đó cần phải khắc phục kịp thời để không ảnh hưởng đến độ bền công trình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận