04/01/2021 07:54 GMT+7

Đường cao tốc cho miền Tây: chưa đủ đâu!

TRẦN HỮU HIỆP
TRẦN HỮU HIỆP

TTO - Hôm nay, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ chính thức được khởi động cùng với những dự án đã triển khai trước đó đang tạo ra kỳ vọng đưa ĐBSCL thoát khỏi vùng trũng về giao thông. Nhưng kỳ vọng chỉ là kỳ vọng, nếu không có đột phá.

Đường cao tốc cho miền Tây: chưa đủ đâu! - Ảnh 1.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã thông xe thực nghiệm ngày 28-12-2020, sẵn sàng khai thác tạm dịp Tết Nguyên đán 2021 - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Quy hoạch giao thông, kế hoạch triển khai và tiến độ thi công các dự án này phải chạy nhanh hơn để bắt kịp kỳ vọng, rồi chuyển sang chạy trước cả kỳ vọng, có thế mới tạo ra cú hích để một ngày rất gần người dân thỏa ước mơ được chạy "phăng phăng" về miền Tây.

Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ nằm im mười năm, khi khởi động lại tưởng cũng gặp khó vì không có nhà đầu tư tham gia, nay được xây bằng vốn nhà nước. Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã ra hình hài và tết này người dân có 10 ngày trước và sau Tết Nguyên đán được trải nghiệm để có được ít phút thoát cảnh chôn chân trên quốc lộ. 

Nhưng vẫn phải chờ, khoảng 3 năm nữa, vào năm 2023, khi tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hoàn tất, người dân mới được về Cần Thơ qua đường cao tốc. Còn ở phía tây, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài hơn 51km, tổng vốn hơn 6.300 tỉ đồng cũng sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Nhiêu đó thôi chưa đủ, vẫn chỉ là giấc mơ chưa trọn vẹn, bởi về miền Tây đâu chỉ đến Cần Thơ. Còn một đoạn đầy cách trở, từ Cần Thơ về Cà Mau nữa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chốt, giao Bộ GTVT nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch tuyến cao tốc này trước năm 2030. 

Bộ GTVT đã trình kế hoạch đầu tư 7 đường cao tốc trong 5 năm tới, nâng độ dài cao tốc từ 40km hiện tại lên 300km vào năm 2025. Trong đó, chỉ riêng 2 tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dự kiến đầu tư hơn 67.400 tỉ đồng...

Nói chung, đường hướng, kế hoạch, quy hoạch phát triển giao thông ở ĐBSCL cuối cùng cũng đã có đủ. Vấn đề là triển khai, quyết liệt trong 5 năm tới. Không làm đúng tiến độ, chưa giải quyết được các điểm nghẽn, xóa tình trạng "đói đường cao tốc, khát đường giao thông", vùng đất thiên nhiên trù phú Tây Nam Bộ vẫn phải đi trên "những đôi chân rùa bò".

Không thể trễ hơn nữa bởi giao thông ở ĐBSCL còn rất thiếu và yếu. Có phát triển được các trục xương sống giao thông quốc gia ở ĐBSCL mới kích thích các địa phương xây dựng các đường xương cá, đường kết nối, tạo tiền đề quan trọng để đưa ĐBSCL tiến lên làm giàu. Người dân ĐBSCL không thể giàu lên nếu giao thông cứ ì ạch như hiện nay.

Chúng ta có 5 năm quyết định để thay đổi hiện trạng này. Dứt khoát không để bài học của cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Bến Lức - Long Thành... lặp lại. Quyết tâm sẽ làm được. Nếu khó khăn về vốn của cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận không được giải quyết rốt ráo, tết này làm sao người dân có được trải nghiệm qua Tiền Giang bằng đường "cao tốc". 

Nếu cứ cứng nhắc phải làm bằng vốn xã hội hóa, chưa biết khi nào cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ mới có được ngày khởi công 4-1-2021... Giao thông ĐBSCL không thể chờ đợi lâu hơn nữa. Chậm trễ là có lỗi với hàng chục triệu người dân nơi đây, là lãng phí một vùng kinh tế giàu tiềm năng nhưng chưa thể vươn vai...

Đi từ TP.HCM về Đi từ TP.HCM về 'Tây Đô' chưa tới 2 tiếng?

TTO - Ông Trần Văn Thi, TGĐ Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long: "Đi từ TP.HCM đến Cần Thơ chỉ còn gần 2 tiếng so với 3-4 tiếng hiện nay nếu không kẹt xe...".

TRẦN HỮU HIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp