Ngày 11-10, ông Quảng Minh Cường - phó bí thư Tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai - đã tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm và các dự án BOT.
Tại đường Hoàng Văn Bổn, người dân phản ảnh với Đoàn đại biểu Quốc hội về đường dài hơn 3km kết nối TP Biên Hòa với huyện Vĩnh Cửu luôn trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng ngập nặng.
Đặc biệt, tuyến đường này thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông chết người.
Đây cũng là tuyến đường nằm trong dự án BOT 768 do Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức làm chủ đầu tư.
Lý giải nguyên nhân, đại diện chủ đầu tư cho hay dự án BOT đường ĐT 768 bao gồm tổ hợp 6 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 48km qua TP Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu.
Các trạm đã dừng thu phí gần bốn năm nên đang gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, cần sớm đưa đường Hoàng Văn Bổn ra khỏi dự án BOT đường 768 để giao cho Nhà nước quản lý, sớm thu phí trở lại.
Bà Nguyễn Thị Hoàng - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cũng cho biết dự án BOT 768 thu phí từ năm 2011. Khi có quy định bắt buộc phải lắp thu phí không dừng, chủ đầu tư Sonadezi Châu Đức phải tạm dừng thu phí từ tháng 1-2021 để thực hiện lắp đặt.
Tuy nhiên, khi lắp đặt xong trạm thu phí BOT tự động thì người dân ở hai phường Trảng Dài và Tân Phong tại trung tâm TP Biên Hòa phản ứng việc thu phí.
Ông Quản Minh Cường đặt vấn đề: "Người dân ở Biên Hòa lái ô tô đi từ phường này qua phường kia chỉ khoảng 1km để ăn tô phở, qua trạm cũng phải trả phí BOT mấy chục ngàn... Người đi lại cảm giác cũng rất khó chịu".
Ông Cường yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai sớm chỉ đạo sửa chữa mặt đường, cấm phương tiện có tải trọng trên 5 tấn không được lưu thông vào đường Hoàng Văn Bổn từ 6h sáng đến 20h tối hằng ngày. Đồng thời có biện pháp chốt chặn đảm bảo an toàn giao thông trên đường Hoàng Văn Bổn.
Cũng theo ông Cường, Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã họp và có văn bản về dự án BOT 768. Địa phương đồng ý cho thu phí nhưng cần rà soát những bất cập, tính toán lại, cắt đoạn đường Hoàng Văn Bổn để thực hiện đầu tư công.
Không để người dân có đất thu hồi thiệt thòi
Tại buổi giám sát, Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai cũng báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội về việc thực hiện 12 dự án, công trình trọng điểm đang bị chậm tiến độ, nguyên nhân vướng mắc, khó khăn trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường đánh giá các công trình, dự án giao thông trọng điểm đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Đồng Nai nên cần phải đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.
Thu hồi đất của người dân để thực hiện dự án cần phải bố trí tái định cư trước khi giải phóng mặt bằng. Không để người dân bị thiệt thòi khi đã nhường đất cho Nhà nước làm dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận