15/11/2011 06:24 GMT+7

Đường bêtông... xiên vùng lõi di sản

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Tại làng Đường Lâm, trong khi người dân không được phép xây nhà hai tầng; vật liệu xây dựng không được dùng bêtông, mái tôn thì cũng chính tại ngôi làng cổ này, một con đường đổ bêtông dài 800m vừa được hoàn thành nối từ đình Mông Phụ đến chùa Mía.

Tecfs4rk.jpgPhóng to
Con đường bêtông mới nổi bật hẳn so với sắc nâu trầm quen thuộc của làng cổ. Trong ảnh: gạch chỉ, đá ong được đào từ dưới lòng đường lên để làm đường thoát nước - Ảnh: H.Điệp

Người dân Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) mỗi buổi sáng đứng trước cổng nhà không khỏi ngao ngán khi nhìn con đường bêtông mới tinh ấy.

Con đường bêtông giữa làng cổ

Ở làng cổ Đường Lâm, đến cả đường đi, ngõ xóm cũng được quy định chỉ lát gạch nghiêng cho hòa hợp với không gian kiến trúc cũ. “Nếu có gì không đúng với quy định chúng tôi sẽ phạt ngay. Rất nhiều gia đình bị cưỡng chế phải đập bỏ tầng hai. Cụ thể, năm 2010 đã tổ chức cưỡng chế phá bỏ tầng hai của gia đình bà Hà Thị Khanh”. Đó là lời khẳng định của ông phó chủ tịch xã Đường Lâm Phan Văn Hòa.

“Theo quy định của UBND thị xã Sơn Tây, chúng tôi cấp phép cho việc xây dựng và sửa chữa nhà tại làng cổ Đường Lâm với những loại vật liệu xây dựng truyền thống gần gũi với kiến trúc cũ của làng: đá ong, gạch, ngói mũi hài, ngói vảy, gạch Bát Tràng và gạch Giếng Đáy, rơm rạ, tre gỗ...” - viên thanh tra xây dựng vừa lúi húi đọc đơn xin phép của người dân vừa nói. Các loại nguyên vật liệu khác như sắt, thép, ximăng, bêtông, mái tôn đều không được phép xây dựng trong làng. Để có được giấy phép xây dựng hoặc sửa chữa nhà trong khu vực làng cổ, người dân phải làm đơn, xin xác nhận của trưởng thôn, chính quyền xã rồi ban quản lý di tích.

Thế nhưng, ngay trước cửa trụ sở UBND xã, gần đền Mông Phụ, một con đường bêtông còn mới tinh có chiều rộng 5,5m kéo dài đến chùa Mía vừa được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hai bên đường, những tấm đan làm nắp cống cả cũ và mới đang lần lượt để vào vị trí.

“Họ làm rất nhanh, tất cả đều bằng máy. Trước khi làm họ chỉ thông báo với những người dân sống gần đường dọn dẹp trả lại mặt bằng thôi, còn dân cư trong làng thì không được biết” - một người dân trong làng cho biết như vậy.

Chính quyền: không sai; ban quản lý di tích: không biết

Ông Phan Văn Hòa - phó chủ tịch UBND xã Đường Lâm, một người lớn lên từ Đường Lâm - nói: Theo các cụ kể lại, các con đường lát gạch nghiêng trong thôn phần lớn do các nhà giàu tự bỏ tiền ra làm. Sau này, nhiều người dân đóng góp thêm nên các đường trong xóm đều được lát gạch chỉ. Tuy nhiên, khi được hỏi về con đường bêtông mới tinh vừa hoàn thành, ông Hòa nói: “Chính quyền không sai!”.

Theo ông Hòa, dự án làm đường này đã được phê duyệt từ trước đó, “lứa lãnh đạo hiện nay của xã Đường Lâm hầu hết là mới nên chúng tôi chẳng quyết định được gì đối với những dự án cũ”. Thế nhưng khi hỏi ông Hòa về cảm nhận cá nhân khi giữa ngôi làng cổ có một con đường bêtông thì ông Hòa cũng thừa nhận: Nếu làm bằng vật liệu khác như lát gạch thì sẽ hòa hợp hơn với ngôi làng cổ!

Để chứng minh, ông Hòa chìa ra quyết định số 290 của UBND thị xã Sơn Tây do chủ tịch Nguyễn Quang Mạnh ký ngày 9-4-2010 phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật dự án làm đường Mông Phụ - chùa Mía: “Chúng tôi chỉ tiếp thu những dự án từ những năm trước để lại bởi con đường cũ quá nát, cần phải sửa sang để phục vụ nhu cầu đi lại của bà con”.

Và để trả lời cho câu hỏi: Khi làm đường, chủ đầu tư dự án là UBND xã Đường Lâm có xin phép Cục Di sản hay không, ông Hòa nói: “Chúng tôi không biết quy định là phải xin phép vì chúng tôi nghĩ đường của địa phương thì cứ thế làm thôi. Vả lại dự án được cơ quan cấp trên phê duyệt chứ không phải chúng tôi tự quyết định”.

Làng Đường Lâm có hàng trăm ngôi nhà được coi là nhà cổ và 12 căn nhà cùng cụm bảy di tích: chùa, đình, đền... khác được công nhận là di tích quốc gia. Làng cổ này có hẳn một ban quản lý di tích tổ chức bán vé ngay tại cổng làng. Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm không chỉ có chức năng quản lý những ngôi nhà cổ mà còn giám sát việc xây dựng, cấp phép sửa sang nhà cửa, đường làng ngõ xóm cho các thôn trong khu vực làng.

Thế nhưng khi dự án mở đường đi qua làng Mông Phụ, Đông Sàng (tập trung các nhà cổ) là vùng lõi của di sản thì ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm lại không biết (?!). Ông Nguyễn Trọng An - phó ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm - cho rằng: “Khi thị xã Sơn Tây lập dự án xin phép làm đường, ban quản lý có biết nhưng lại tưởng là làm đường gạch. Mà họ xây dựng nhanh quá, đến khi chúng tôi phát hiện ra thì 800m đường đã hoàn thành. Trước mắt chúng tôi tạm dừng dự án để báo cáo lên cấp trên”.

5 tỉ đồng cho 2km đường

Theo quyết định 290 của chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, tổng số vốn để làm con đường tại Đường Lâm lên tới hơn 5 tỉ đồng với chiều dài 2km. Nguồn vốn này được cấp bởi UBND TP Hà Nội, thị xã Sơn Tây và UBND xã Đường Lâm. Với vai trò là chủ đầu tư, UBND xã Đường Lâm đã trực tiếp giám sát đơn vị thi công con đường này. Tuy nhiên, đến nay đơn vị thi công mới chỉ làm xong 800m đường trọng yếu nối từ đình Mông Phụ đến chùa Mía. Các đường nhánh còn lại hiện vẫn chưa được thực hiện.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp