Phóng to |
Cụ thể là quảng cáo rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên (căn cứ theo điểm B, khoản 5, điều 30 của nghị định 75), tự thay đổi trang phục khác với trang phục đã được cơ quan nhà nước kiểm duyệt (theo điểm B, khoản 1, điều 16, nghị định 75) và tự thay đổi nội dung chương trình (theo điểm A, khoản 3, điều 16, nghị định 75). Dù đây là mức phạt “đụng trần” nhưng dư luận vẫn tỏ ra bức xúc, cho rằng mức phạt này không đủ để răn đe.
Vài năm trở lại đây, việc các sở VH-TT&DL liên tục ra tay xử phạt hành chính các chương trình nghệ thuật đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Công chúng hẳn vẫn chưa quên việc Venus từng bị phạt 7,5 triệu đồng trong đêm thời trang Model Look (tháng 10-2011) vì tự thay đổi nội dung chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang sau khi đã được cấp phép. Bên cạnh đó là hàng loạt vụ “lộ hàng” lộ liễu trong những đêm trình diễn thời trang với mức phạt: 9 triệu đồng trong Đêm phong cách (tháng 9-2008), 11 triệu đồng trong Diamond Night (10-2010), 7,5 triệu đồng trong Đam mê và hội tụ (12-2012)...
Không chỉ ở những sô trình diễn thời trang, các chương trình biểu diễn ca nhạc cũng thường xuyên phải xử phạt khi các nghệ sĩ liên tục trưng ra những bộ cánh khiến người xem “nhức con mắt bên phải, đau con mắt bên trái” như: Thu Minh, Minh Hằng... với mức phạt nhẹ nhàng (3,5 triệu đồng, khoảng 1/10 catsê ca sĩ). Cũng có ca sĩ bị phạt vì hát nhép (4,5 triệu đồng) như: Cao Thái Sơn trong Quà tặng tình yêu (6-2012). Hay hi hữu hơn cả là chuyện phạt ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng 5 triệu đồng vì hành vi phản cảm hôn môi nhà sư trong đêm nhạc gây quỹ giúp ca sĩ Wanbi Tuấn Anh (11-2012)...
Dĩ nhiên, có vi phạm thì có phạt. Nhưng điều gây nhức nhối dư luận hiện tại là vì sao những vi phạm này cứ lặp đi lặp lại như thách thức dư luận và cơ quan quản lý? Trở lại chuyện Đêm hội chân dài 7. Trước khi diễn ra, chương trình đã kịp đánh bóng tên tuổi cho mình bằng thiệp mời in ảnh nhiều người mẫu bán khỏa thân và quảng cáo rượu. Dù Sở VH-TT&DL TP.HCM có nhắc nhở và lập biên bản để xử phạt vụ thiệp mời (mức phạt hiện vẫn chưa được thông qua) nhưng tại sao sở không giám sát một cách chặt chẽ hơn khi chương trình diễn ra, để “lọt sổ” màn trình diễn nội y (vốn đã vài lần Venus chơi “trò” này) là điều khó hiểu.
Những ai từng tổ chức các chương trình nghệ thuật đều biết rõ để chương trình đến được công chúng, nhà tổ chức phải có một hoặc vài buổi tổng duyệt trước sở VH-TT&DL của địa phương nhằm đảm bảo các vấn đề đúng - sai, hay - dở... Và với những chương trình, những đơn vị tổ chức đã có tên trong “danh sách đen” như Đêm hội chân dài hay Venus thì việc thanh tra của Sở VH-TT&DL buộc phải có mặt trong đêm diễn để giám sát là điều đương nhiên. Vậy khi chương trình diễn ra, thanh tra sở ở đâu để các người mẫu tự tin sải bước trên sàn diễn trong trang phục nội y trái quy định và vẫn tự nhiên mời rượu (loại rượu đã bị nhắc nhở khi in trên thiệp mời, sau đó sở tịch thu và tiêu hủy 10 ly rượu trong chương trình)?
Dù ông Võ Trọng Nam, phó giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết mức phạt không dừng ở 35 triệu đồng bởi sở sẽ tiếp tục xử phạt các người mẫu tham gia trình diễn nội y trong Đêm hội chân dài 7, thậm chí xem xét việc đình chỉ hoạt động, rút giấy phép của Công ty Venus lần này, nhưng xem ra đã khá muộn sau ít nhất ba lần Venus vi phạm trong những sự vụ tương tự. Nếu Sở VH-TT&DL có các mức phạt và chế tài nghiêm hơn trong những lần vi phạm trước của Venus hoặc trong những vụ vi phạm khác thì đã không phải đau đầu mãi về các vi phạm như “trêu ngươi” cơ quan quản lý kiểu này. Cũng như việc các trang mạng thường xuyên bị phạt vì đăng tải những hình ảnh “cởi mở” và những thông tin phản cảm (có khi lên đến 40 triệu đồng tiền phạt/tuần) nhưng Bộ Thông tin - truyền thông vẫn chưa “đóng cửa” bất kỳ trang mạng thường xuyên phạm luật nào.
Chẳng lẽ các cơ quan quản lý nhà nước đành bó tay trước những cá nhân hay đơn vị “chơi trội”, coi thường pháp luật kiểu này, cứ phải chạy theo phạt “nguội” như một hình thức xoa dịu dư luận mà thôi?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận