Phóng to |
Bà Chi bán rau dưới gầm cầu - Ảnh: Hữu Khoa |
Tài sản giá trị nhất của gia đình tám miệng ăn này là chiếc ghe cũ. Chồng bà, ông Nguyễn Văn Tòng và mấy đứa nhỏ ngày ngày cần mẫn chèo ghe vào rừng Sác mò cua, xúc tép. Bà Chi lo ngược xuôi buôn mớ rau, trái ớt bán cho thuyền bè qua lại dưới gầm cầu. Cả gia đình nương tựa vào nhau sống đắp đổi qua ngày.
Không một tấc đất cắm dùi, không nhà, không điện, không nước sinh hoạt, đều đặn mỗi tháng bà Chi đến công an xã đăng ký tạm trú. Ngày nắng, gia đình phải đi mua nước sạch về dùng. Ngày mưa, tám con người co ro dưới gầm cầu trần mình hứng những hạt mưa xối xả, những cơn gió lạnh run người.
Nhiều đêm trời nổi cơn dông, cả nhà phải ngồi co cụm vào nhau cho bớt lạnh. Muỗi và côn trùng cứ xoắn vào những con người đáng thương ấy mà xâu xé. Để rồi mới đây thôi, hai đứa con giữa của bà bị sốt rét tưởng chết. Từ nhiều năm nay, ông Tòng bị một khối u trong gan, không có tiền chạy chữa phải uống thuốc nam cầm chừng.
Nhà chỉ có một đứa con út tên Nguyễn Tấn Đạt là được đi học, chuẩn bị vào lớp 6. Tuổi thơ của Đạt là những chuỗi ngày rong ruổi theo cha vào rừng Sác mò cua, bắt ốc. “Học kỳ vừa rồi, thằng bé sung sướng khoe với mẹ là được một suất quà hỗ trợ cho học sinh nghèo. Mới 5g sáng, nó đã sửa soạn tươm tất rồi lên cầu đứng đợi. Nhưng mãi đến tận trưa vẫn chẳng thấy ai đến đón đành lủi thủi đi về. Rồi nghe đâu cô giáo bảo ông tài xế quên mất nó. Nó rầu hết mấy ngày...” - bà Chi ngậm ngùi kể.
Bà kể vào dịp Tết Nguyên đán, cả nhà lại dắt díu nhau về quê ngoại mãi Cần Giuộc, Long An để có chỗ chui ra chui vào. Có lần về đến nhà mà trong túi chỉ còn vỏn vẹn 40.000 đồng, cả tám miệng ăn đành “ăn tết nhờ” họ hàng, lối xóm. Gia đình bà không mơ ước gì cao sang, chỉ mong có được một chỗ để che mưa, che nắng. Nhưng điều đó dường như mãi mãi nằm ngoài tầm với của họ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận