29/04/2024 06:49 GMT+7

Dưới bóng cây da dù: Màu hòa bình trong câu chuyện chiến tranh

Sống ở Việt Nam là sống trong một ký ức chiến tranh dù bạn không nếm trải cuộc chiến đó.

Đã nhiều năm nay, cứ đến tháng ba, tiếng vĩ cầm của Mike Boehm lại ngân lên giữa khu chứng tích Sơn Mỹ (thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, Quảng Ngãi)… - Ảnh: TRẦN MAI

Đã nhiều năm nay, cứ đến tháng ba, tiếng vĩ cầm của Mike Boehm lại ngân lên giữa khu chứng tích Sơn Mỹ (thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, Quảng Ngãi)… - Ảnh: TRẦN MAI

Nó hiện ra trong câu chuyện của ông bà - cha mẹ - bác hàng xóm - những người xung quanh bạn, cả trong thực tại hay không gian, có khi rất đột ngột, ngay giữa buổi cơm chiều, hay nhất là những ngày cuối tháng tư, dẫu là tháng của gần nửa thế kỷ sau khi chiến tranh đi qua.

Màu hòa bình trong câu chuyện chiến tranh

HUỲNH TRỌNG KHANG

HUỲNH TRỌNG KHANG

Trên sân khấu lễ trao giải Oscar lần thứ 96 vừa qua, đạo diễn Mstyslav Chernov trở thành đại diện đầu tiên của Ukraine giành tượng vàng Oscar nhờ bộ phim tài liệu 20 days in Mariupol.

Phát biểu khi nhận giải, Chernov nói ước mình không phải làm bộ phim này, và ông sẵn sàng đánh đổi giải thưởng danh giá của ngành điện ảnh để lấy lại những ngày đất nước Ukraine thanh bình.

Vậy mới biết cái giá của hòa bình không cách gì đong đếm được.

Có lẽ trong lịch sử văn minh nhân loại, chiến tranh, xung đột luôn xảy ra ở đâu đó trên địa cầu.

Ngay lúc bạn đang đọc dòng này, vẫn còn những thường dân đang mất nhà cửa, mất người thân vì bom rơi đạn lạc. Câu chuyện chiến tranh - hòa bình, vì vậy, mãi là vấn đề muôn thuở của văn chương, nghệ thuật.

Năm vừa rồi, khán giả thế giới có dịp trầm trồ trước phim Oppenheimer của Christopher Nolan.

Câu chuyện từ thời Thế chiến thứ hai vẫn còn hấp dẫn cho đến hôm nay, sức hấp dẫn không từ những góc khuất lịch sử, về những tranh cãi triền miên về nhân vật, hoàn cảnh lịch sử bởi quá khứ chưa bao giờ là câu chuyện đơn giản, khó có thể "Một lần kể lại để rồi thôi" như thơ Tô Thùy Yên được.

Từ hồi ít tuổi hơn bây giờ, thậm chí từ hồi còn là một cậu bé, tôi như một hậu nhân tò mò đứng nghe tiền nhân kể chuyện chiến tranh trên những trang sách.

Và khi đến lượt mình cầm bút như một nợ duyên, tôi cũng bắt đầu viết về chiến tranh, và rồi nhận ra trong câu chuyện chiến tranh lúc nào cũng thấp thoáng khuôn mặt của hòa bình.

Tôi vẫn còn giữ "trong ngăn bàn" một bản thảo dở dang về ngày đất nước hòa bình. Có lẽ nhờ những câu chuyện vụng về của tôi về cuộc chiến trên đất nước chúng ta mà tôi đã có cơ duyên được tham gia dự án xuất bản tác phẩm Hoa sen và cây da dù (NXB Đà Nẵng) của nhà văn Kim Yi Jeong người Hàn Quốc.

Những người Mỹ đến tham gia lễ tưởng niệm vụ thảm sát Sơn Mỹ - Quảng Ngãi - Ảnh: TRẦN MAI

Những người Mỹ đến tham gia lễ tưởng niệm vụ thảm sát Sơn Mỹ - Quảng Ngãi - Ảnh: TRẦN MAI

Ngày gió năm xưa

Ngày 14 tháng giêng năm 1968, quân đội Hàn Quốc khi tham chiến ở Việt Nam đã gây ra vụ thảm sát dân thường tại hai ngôi làng Phong Nhất và Phong Nhị. Chưa đầy mười ngày sau, đội quân này tiếp tục gây ra một vụ tương tự ở làng Hà My.

Nhiều người Việt Nam có thể cả đời vẫn chưa nghe đến tên những nơi chốn nọ. Thậm chí cũng không biết được những đau thương mà dân làng đã chịu đựng. Gần 50 năm sau khi đất nước thống nhất, hậu thế càng nhận ra sự phức tạp của lịch sử chiến tranh dai dẳng trên quê hương chúng ta.

Một ngày mùa đông, nhà văn Kim Yi Jeong rời Seoul trốn chạy cái lạnh để đến Đà Nẵng, dự định "một kế hoạch cực kỳ xa hoa" là hoàn thành thiên tiểu thuyết của mình.

Nhưng chuyến viếng thăm hai ngôi làng cùng với các sinh viên Hàn Quốc đã khiến kế hoạch đó thay đổi.

Phong Nhị và Hoa sen Hà My ra đời như "khởi đầu sự tạ lỗi" của cá nhân Kim với người dân ở Phong Nhị và Hà My và cũng là mong muốn của cô, "được xoa dịu vết thương" vẫn lưu trên thân thể của các nạn nhân chiến tranh.

Đọc đôi lời tác giả ở đầu sách Hoa sen và cây da dù, ta có thể cảm nhận được sự chân thành của một người đã đến và đã thấy một sắc diện của chiến tranh. Nhà văn Kim thông qua hai truyện ngắn này đã cố gắng nhìn cuộc chiến qua đôi mắt của những nạn nhân và cả những người lính.

Trong truyện của cô, chiến tranh là cái gì cực kỳ vô lý, phi nghĩa: mới phút trước những người lính còn thân thiện với dân thường vậy mà phút sau thường dân vô tội trong mắt họ đã chẳng khác gì những ngọn cỏ, có thể nhổ đi, đốt bỏ một cách dễ dàng.

Cô viết như lời xin lỗi thay cho những người lính đó.

Gió vẫn thổi nhưng đã là gió lành

Nhưng làm cách nào những lời xin lỗi dưới dạng văn chương này đến được đối tượng nó muốn xin lỗi? Đó là khi 26 người, gồm 22 bạn sinh viên năm 3, năm 4 và bốn bạn cựu sinh viên khoa ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc Trường đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng xuất hiện.

Dưới sự hướng dẫn của Nguyễn Ngọc Tuyền - phó trưởng khoa khoa ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc, họ đã làm việc và hơn 20 bản dịch của hai truyện ngắn Phong Nhị và Hoa sen Hà My đã ra đời.

Tôi được tham gia một công việc nhẹ nhàng: chọn ra hai giữa 22 bản dịch của các sinh viên. Đó cũng là lần đầu tiên hai ngôi làng xứ Quảng hiện ra sắc nét trong tâm trí tôi, không phải như bức tranh phong cảnh phẳng phiu mà là một thước phim về những con người, những gương mặt.

Đằng sau gương mặt đó là câu chuyện, là số phận, là thời khắc mà những kẻ xa lạ gặp nhau trên đường biên của sự sống và cái chết, trong cái cõi hỗn độn và phi nhân. Chiến tranh đã rạch vào không gian một nhát để vạch ra cõi địa ngục trần gian ấy.

Những tác phẩm văn học như hai truyện ngắn của nhà văn Kim Yi Jeong cho độc giả thấy rằng cuộc chiến tranh có thể chỉ diễn ra vài năm hay vài mươi năm, nhưng có lẽ chúng ta sẽ phải mất khoảng thời gian lâu hơn thế rất nhiều để hiểu mọi góc cạnh của nó.

Nhưng có một thứ luôn được soi tỏ: khát vọng hòa bình, hòa giải. Lời xin lỗi của một người phụ nữ Hàn Quốc có thể không khiến sẹo trên thịt da nạn nhân liền lạc lại, nhưng chí ít nó góp phần hàn gắn những thương tổn trong tâm hồn.

Đại diện Quỹ hòa bình Hàn - Việt cùng nhà văn Kim Yi Jeong tặng sách cho nạn nhân và thân nhân ở làng Phong Nhị - Ảnh: Quỹ hòa bình cung cấp

Đại diện Quỹ hòa bình Hàn - Việt cùng nhà văn Kim Yi Jeong tặng sách cho nạn nhân và thân nhân ở làng Phong Nhị - Ảnh: Quỹ hòa bình cung cấp

Bài hát con người

"Lời xin lỗi" của nhà văn Kim Yi Jeong chứa đựng trong hình hài một quyển sách bằng giấy và mực.

Vẻ ngoài của quyển sách trông mong manh. Tuy vậy, theo lời cô Nguyễn Ngọc Tuyền ở cuối sách, đó là sự huy động tài năng, vật chất, và tấm lòng của "hơn 500 bạn bè Hàn Quốc", sự hỗ trợ của Quỹ hòa bình Hàn - Việt, cùng "số tiền gây quỹ lên đến 9.950.000 won (khoảng 186 triệu đồng)" để "lời xin lỗi" từ đất nước Hàn Quốc đến được với những người dân Việt Nam.

Hoa sen và cây da dù được nhà văn Kim Yi Jeong và Quỹ hòa bình Hàn - Việt trao tận tay những người dân của hai ngôi làng Phong Nhị và Hà My. Một dự án dịch thuật và xuất bản khép lại, nhưng tôi nghĩ đây chỉ là khởi sự cho một hành trình dài để hiểu nhau và để hiểu thêm niềm vui của hòa bình, thống nhất.

Cây da dù ở truyện ngắn của nhà văn Kim Yi Jeong làm tôi nhớ đến cây cổ thụ ở Ba Chúc (An Giang) - quê tôi. Một thân dầu cổ thụ mọc giữa lòng đường thẳng đứng, đã ở đó chứng kiến tội ác diệt chủng của quân Pol Pot gây ra với đồng bào Việt Nam tại biên giới Tây Nam.

Tôi tự hỏi trên đất nước này còn bao nhiêu thân thảo mộc như cây da dù ở Phong Nhị, cây dầu ở Ba Chúc vô tình trở thành "chứng nhân" của chiến tranh, vẫn vươn thẳng lên trời để chứng giám cho sức sống của con người.

Ba Chúc cách nhà tôi ít giờ lái xe máy. Từ nhỏ, tôi đã nghe người lớn kể lại về những thảm kịch đã xảy ra ở vùng đất biên giới này. Cùng với thời gian, tôi nhận ra những người có thể kể cho tôi nghe câu chuyện đó mỗi năm lại ít dần đi. Sau rốt, sẽ chẳng còn ai nữa. Chỉ có cây dầu kia hẳn mãi ở lại đất này.

Tương tự như vậy, những chứng nhân ở Phong Nhị và Hà My năm xưa đến một lúc nào đó sẽ đoàn tụ với gia đình họ ở bên kia thế giới. Còn lại trên thế gian này chỉ riêng cây da dù đã bám rễ vào đất mẹ.

Tôi hình dung dưới bóng cây sẽ là những em bé lớn lên mà không cần nghe những câu chuyện về chiến tranh. Nắm tay nhau, chúng sẽ hát những bài đồng dao, về cỏ cây hoa lá, về đất nước quê hương. Một quê hương thanh bình, "Trái đất này là của chúng mình".

Lời xin lỗi của hòa bình

Dưới bóng cây da dù: Màu hòa bình trong câu chuyện chiến tranh- Ảnh 8.

"...Mắt tôi ngấn nước. Lúc đó tôi mới nhận ra có một điều mà tôi chưa kể Mây nghe.

Tôi chưa kể với cô ấy rằng người cha đã mất một tháng trước của tôi từng là lính tham chiến ở Việt Nam, và sau ngày hôm đó, ông đã sống trong khu cách ly của một bệnh viện tâm thần trong suốt 48 năm rồi ra đi khi chưa một giây phút nào rửa sạch được vết máu trên tay.

Tôi vẫn chưa kể được điều đó cho Mây - người bạn đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ sau khi học xong cao học ở Hàn Quốc trở về.

Dồn sức xuống đôi chân, tôi gượng đứng dậy và nhìn tấm bia một lần nữa. Những bông sen đỏ trên tấm bia khẽ rung rinh. Những bông hoa tựa một lời sỉ nhục.

"Mây, tôi có điều muốn nói".

Dù đã muộn, nhưng tôi vẫn muốn đối diện với Mây...".

KIM YI JEONG (trích Hoa sen Hà My)

……….

"Tôi gặp chị ở làng Phong Nhị. Trước bàn thờ nhà chị, tôi quỳ rạp cả người, sụp lạy. Đó là một chiếc bàn linh, thờ cúng những người thân đã khuất của chị. Tôi không dám nhìn thẳng vào những khuôn mặt trong bức ảnh. Chị đã kể cho tôi nghe câu chuyện của "ngày hôm đó".

Chị kể với tôi rằng, với vết đạn bắn bên hông, chị đã bò tới chỗ có người nhưng cổ họng khát khô đến mức không thể chịu nổi. Chị kể chị vừa ôm phần ruột đã đổ ra ngoài, vừa uống nước.

Chị kể rằng anh của chị cũng xin nước nhưng chị đã uống hết rồi nên không cho anh được, mà nếu chị nhường nước cho anh thì có lẽ anh cũng mất luôn rồi. Giọng chị nói nghe run run đẫm nước.

Trong lúc trò chuyện, tôi mới biết chị và tôi bằng tuổi nhau. Năm tám tuổi, trong lúc chị đang lấy tay rịt chặt phần hông bị đạn bắn toác, lết đi và chật vật giành lại sự sống thì tôi đang cùng lũ bạn trong xóm đến xem những món đồ Việt Nam của con trai trưởng thôn bên cạnh.

Ngày hôm đó, trước sân chật kín người, vợ chồng trưởng thôn vui sướng cho chúng tôi xem từng món đồ con trai họ mang về. Vợ của trưởng thôn niềm nở giơ cao từng thứ trên tay để những đứa con nít nhỏ thấp như chúng tôi nhìn thấy rõ, từ những cái lon thực phẩm không rõ bên trong là gì, mấy gói bột giặt cho tới mấy viên kẹo xoài.

Những gương mặt đầy tò mò cùng với những tiếng trầm trồ rôm rả của mọi người vang lên trong sân. Món đồ cuối cùng vợ của trưởng thôn mang ra là một chiếc radio bán dẫn hàng Nhật đựng trong một cái bao da màu nâu đỏ. Nó nhỏ hơn chiếc đài radio ống chân không ở nhà tôi nhưng âm thanh lại to hơn.

Mắt tôi không dứt ra nổi khỏi chiếc radio. Lòng bàn tay mướt mồ hôi, nước bọt tứa ra trong miệng. Đó là một chiếc radio nhỏ tôi chưa từng thấy bao giờ. Chiếc radio nhỏ nhắn và xinh xắn đến mức nếu có thể, tôi muốn lấy trộm nó.

Mãi cho đến khi vợ trưởng thôn cất chiếc radio vào trong phòng để tránh những ánh mắt thèm thuồng của mọi người, tôi vẫn không thể rời mắt khỏi.

Có khi ngày hôm đó chính là ngày chiếc radio chỉ bằng nửa hộp cơm ấy cứ luẩn quẩn mãi trong đầu tôi ngay cả trên đường về nhà. Và cũng không biết chừng cái ngày mà viên đạn lạnh và cứng ấy xuyên qua lớp da bụng mềm mại của chị lại là ngày hôm đó của tôi.

Tôi cùng với mọi người trong đoàn rời nhà chị tới chỗ cây da dù, nơi đặt bia tưởng niệm. Hai bên quốc lộ 1, những thửa ruộng xanh mướt nhấp nhô gợn sóng. Chị và tôi quàng tay qua eo nhau cùng rảo bước.

Sau khi biết chị và tôi bằng tuổi, chúng tôi đã trở thành bạn bè lúc nào không hay. Đó là ngay trước khi rẽ vào con đường ruộng hẹp. Tay tôi bỗng dưng trượt xuống một bên hông của chị.

Bàn tay vô tình trượt và chạm vào phần lườn bị hõm sâu của chị. Vết lõm sâu mà lòng bàn tay tôi vô tình trượt xuống chạm phải hệt như bàn chân đang bước đi bỗng hụt xuống vũng nước trên đường.

Cảm giác lồi lõm đó truyền đến lòng bàn tay tôi. Nhưng không, cảm giác đấy len lỏi vào trong tĩnh mạch đang trương phình rồi lan khắp cơ thể làm cả người tôi nóng ran. Tưởng như tôi cầm một cục sắt được nung trong lửa vậy.

Tay tôi ôm chặt vết thương của chị, chúng tôi bước sát bên nhau giống như trò chơi hai người ba chân trên con đường quê lộng gió. Có lẽ là ngọn gió vô tình đã thổi trong ngày xa kia...".

KIM YI JEONG (trích Phong Nhị)

Dâng hương tưởng niệm 504 thường dân bị thảm sát ở Sơn Mỹ 55 năm trướcDâng hương tưởng niệm 504 thường dân bị thảm sát ở Sơn Mỹ 55 năm trước

55 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ, mọi người thành kính tưởng niệm nhắc nhở nhau về giá trị của hòa bình. Năm nay cũng là lễ tưởng niệm đặc biệt khi ông Ronald Haeberle, tác giả các bức ảnh vụ thảm sát, đồng ý cho khu chứng tích Sơn Mỹ trưng bày vô thời hạn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp