20/02/2004 09:17 GMT+7

Dưới 16 hay 18 tuổi được coi là trẻ em?

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TT (Hà Nội) - Hôm qua (19-2), trong ngày làm việc thứ 6 của Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đại biểu (ĐB) bắt đầu tập trung thảo luận dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). Nội dung được các ĐB quan tâm nhiều nhất liên quan đến hai nội dung mà ban soạn thảo đưa ra nhiều phương án: đến độ tuổi nào thì được coi là trẻ em và chính sách khám chữa bệnh đối với trẻ.

Dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em:

Dưới 16 hay 18 tuổi được coi là trẻ em?

Theo Bộ trưởng - chủ nhiệm Ủy ban Dân số - gia đình và trẻ em Lê Thị Thu, trong khi đề xuất của Chính phủ là nên giữ nguyên qui định độ tuổi trẻ em là dưới 16 để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật thì một số nhà khoa học, nhà quản lý lại cho rằng nên nâng giới hạn độ tuổi trẻ em lên 18 tuổi, do đó ban soạn thảo đã đưa ra cả hai phương án này để Quốc hội xem xét. “Người chưa thành niên từ 16 đến dưới 18 tuổi chưa hoàn thiện về sức khỏe, tâm sinh lý và khả năng nhận thức nên cần được bảo vệ, chăm sóc như trẻ em, việc chưa được quan tâm, ưu tiên như trẻ em là một trong những lý do khiến tình trạng vi phạm pháp luật của đối tượng này có chiều hướng gia tăng” - bà Thu giải thích quan điểm của các nhà khoa học, nhà quản lý.

Trong khi đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Trần Thị Tâm Đan cũng như nhiều ĐB khác, việc qui định độ tuổi của trẻ em dưới 16 sẽ không ảnh hưởng gì đến việc bảo vệ, chăm lo cho người trong độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi. “Với tư cách là công dân, quyền và nghĩa vụ của số người chưa thành niên này còn được qui định khá cụ thể trong nhiều đạo luật của Nhà nước như Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật lao động...” - bà Tâm Đan giải thích.

Tuy nhiên, một số ĐB cũng cho rằng việc nâng độ tuổi trẻ em lên 18 tuổi cũng cần được cân nhắc để phù hợp với thông lệ quốc tế. “Các tổ chức quốc tế có khuyến nghị các quốc gia nên nâng tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi” - bà Lê Thị Thu thừa nhận. Tuy nhiên, theo chủ nhiệm Trần Thị Tâm Đan, công ước quốc tế về vấn đề này chỉ qui định chung độ tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi chứ không qui định bắt buộc, để cho các quốc gia thành viên tự qui định độ tuổi trẻ em thấp hoặc cao hơn tùy vào tình hình thực tế.

Vấn đề thứ hai được dành nhiều sự quan tâm của các ĐB là chính sách khám chữa bệnh cho trẻ em. Theo Bộ trưởng Lê Thị Thu, hiện vẫn còn hai phương án về chính sách chăm sóc sức khỏe cho trẻ dưới 6 tuổi đang được cân nhắc: được khám chữa bệnh không phải trả tiền tại các cơ sở y tế của Nhà nước, hay được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh. Tán đồng với phương án thứ hai, nhiều ĐB cho rằng “phương án cấp thẻ bảo hiểm y tế là phù hợp với xu hướng chung của thế giới hiện nay, phù hợp với mục tiêu của VN là tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân”.

Tuy nhiên, theo chủ nhiệm Trần Thị Tâm Đan, nếu làm theo phương án này, mỗi năm Nhà nước sẽ phải bỏ ra khoảng 400 tỉ đồng mua bảo hiểm cho khoảng 8 triệu trẻ em; tuy nhiên số trẻ bị ốm phải vào các cơ sở y tế chỉ chiếm khoảng 20-30%, chưa kể trong nhiều trường hợp trẻ bị bệnh nặng thì mức chi theo qui định của bảo hiểm y tế thấp sẽ không đủ để chữa trị đến nơi đến chốn.

Bộ trưởng Lê Thị Thu cũng cho biết việc thực hiện theo phương án 1 (miễn phí hoàn toàn chi phí khám chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi) sẽ phù hợp hơn với khả năng cân đối ngân sách trong điều kiện hiện nay. “Hiện tại ngân sách nhà nước đã cân đối kinh phí khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi trong chi thường xuyên của Bộ Y tế và các địa phương, nên khi trẻ vào khám chữa bệnh thì các cơ sở y tế hoàn toàn có thể sử dụng kinh phí được cấp để khám, chữa bệnh” - bà Thu cho biết thêm.

Hôm nay (20-2), các ĐB chuyên trách sẽ chuyển sang thảo luận qui chế hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi).

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp