Tại cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, công nhân đang tất bật đóng gạo vào container để xuất đi nước ngoài - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ngày 29-4, ông Trần Hoàng An - Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang - cho biết nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo trên địa bàn tỉnh rất vui khi Thủ tướng cho phép xuất khẩu gạo trở lại bình thường.
Tuy nhiên, hậu quả của việc tạm dừng xuất khẩu gạo và xuất khẩu có kiểm soát hạn ngạch của Bộ Công thương vừa qua đã làm doanh nghiệp thiệt hại nặng nề. Hiện đơn vị vẫn còn tồn đọng nhiều hợp đồng cần giao cho đối tác với hơn 30.000 tấn gạo. Do gạo bị ứ đọng không xuất được nên doanh nghiệp đang kiểm tra lại chất lượng và đàm phán với một số đối tác để vận động họ mua gạo Việt Nam.
Theo ông An, dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát nên nhiều nước như: Ấn Độ, Trung Quốc đã xuất khẩu gạo trước Việt Nam để cung ứng cho thế giới. Vì vậy, hiện nay giá gạo không thể tăng.
Doanh nghiệp cũng không dám ký hợp đồng mới vì 2 tháng vừa qua xuất không được nên sợ không giao đúng hợp đồng. Hiện giá gạo trắng thường xuất khẩu ở mức 415 USD/tấn, giảm khoảng 55 USD/ tấn so với thời điểm đầu tháng 3-2020.
Sà lan đang chuyển gạo sang tàu Giang Hải 11 chở gạo sang Đông Timor - Ảnh: BỬU ĐẤU
"Chúng tôi thua lỗ và mất thị trường khá nhiều. Bây giờ phải làm lại từ đầu nhưng chắc chắn là khó mở rộng thị trường. Giá gạo xuất khẩu không tăng như đầu tháng 3 được do chúng ta đã bỏ qua ‘cơ hội vàng" - ông An nói.
Theo ông Nguyễn Văn Hiền - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh An Giang, đến thời điểm này nông dân tỉnh An Giang đã thu hoạch xong vụ lúa đông xuân với năng suất đạt trên 7,2 tấn/ha, tăng 0,2 tấn/ha so với cùng kỳ.
Hiện bà con đang xuống giống vụ hè thu đạt trên 70% diện tích. Dự kiến giữa tháng 5, nông dân một số nơi ở huyện Tri Tôn sẽ thu hoạch lúa hè thu đầu vụ.
"Bây giờ nông dân đã thu hoạch hết lúa rồi và không còn lúa để bán. Nếu còn, chỉ có doanh nghiệp trữ lại thôi nên chắc chắn nông dân không quan tâm giá cả bao nhiêu vì họ không được hưởng lợi" - ông Hiền nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận