Mặc dù quyết định giám đốc thẩm của TAND tối cao tuyên ông Nguyễn Hồng Cầu (50 tuổi, thôn Thủy Hưng, xã Đông Hưng) vô tội từ năm 1998, nhưng phải đến 16 năm sau ông Cầu mới nhận được lời xin lỗi công khai từ phía tòa án.
Phóng to |
Ông Cầu xúc động cảm ơn những người dân đã tin tưởng ông vô tội, tòa án đã xin lỗi ông công khai - Ảnh: Thân Hoàng |
Ông Phạm Đức Tuyên, phó chánh án TAND TP Hải Phòng, đại diện cho tòa án đứng ra xin lỗi công khai ông Cầu.
Ông Tuyên cho biết TAND TP Hải Phòng đã đăng tin xin lỗi 3 số liên tiếp trên báo Nhân Dân từ tháng 8-2008. “Hôm nay, tại đây tôi thay mặt TAND TP Hải Phòng xin nhận lỗi và trân trọng xin lỗi ông Cầu vì ông đã bị kết án oan. Chính quyền địa phương, nhân dân cần tạo điều kiện để khôi phục nhân phẩm cho ông Cầu, giúp ông và gia đình tiếp tục ổn định cuộc sống”, ông Tuyên nói.
Ông Tuyên cũng hứa với những người tham dự buổi xin lỗi, tòa án sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc không để xảy ra án oan như thế này, gây ra những nỗi đau không thể nào bù đắp cho người dân vô tội.
Ông Cầu và đại diện tòa án xem lại biên bản buổi xin lỗi công khai - Ảnh: Thân Hoàng |
Bà Nguyễn Thị Hoa, vợ ông Cầu, lặng người trong buổi xin lỗi công khai khi nghĩ lại những ngày gian khổ đi kêu oan - Ảnh: Thân Hoàng |
Hai cấp tòa đều xử sai
Nhiều người dân bức xúc vì không được dự buổi xin lỗi Buổi xin lỗi công khai diễn ra muộn gần 30 phút vì hàng trăm người dân, người thân đến trụ sở UBND xã dự buổi xin lỗi nhưng không được vào nên ông Cầu cũng không lên dự. Sau khi người dân bức xúc, chính quyền xã Đông Hưng đồng ý cho một số người thân của ông Cầu lên dự nhưng chỉ được đứng ngoài hành lang với lý do “phòng hết chỗ”. Người dân đã phản ứng với cách tổ chức xin lỗi này vì UBND xã không sử dụng hội trường của xã mà chỉ sử dụng một phòng họp nhỏ. Những người dân đứng ngoài không nghe được gì vì xã không bố trí loa ra ngoài. Trả lời những bức xúc này, lãnh đạo xã cho biết sẽ phát lại nội dung buổi xin lỗi trên đài phát thanh xã để người dân nắm được thông tin về vụ việc. |
Vụ án của ông Cầu được ông Tuyên tóm tắt như sau: từ năm 1994, ông Cầu được UBND xã Đông Hưng giao hơn 3.400m2 đất nông nghiệp để trồng lúa với thời hạn 20 năm. Vụ mùa năm này, UBND xã cho thuê diện tích mặt nước tại khu vực ruộng nhà ông Cầu để nuôi cá. Đến khi thu hoạch, lúa của gia đình ông Cầu bị cá ăn rất nhiều.
Ông Cầu có đơn kiến nghị, chính quyền xã Đông Hưng đồng ý đền cho gia đình ông Cầu 80kg thóc/sào lúa. Tuy nhiên nhiều năm sau đó xã Đông Hưng vẫn không trả số thóc này cho gia đình ông. Vợ chồng ông Cầu không đòi được thóc nên đã giữ lại 97kg thóc không đóng sản lượng cho UBND xã để “trừ nợ”.
Năm 1997, chính quyền xã Đông Hưng đã thu hồi 3 sào ruộng của gia đình ông Cầu với lý do gia đình ông không đóng sản lượng. Diện tích đất này đã được gia đình ông Cầu cày bừa nhưng chính quyền xã vẫn lấy lại và giao cho hộ ông Phạm Minh Tuân (cùng xã) để cấy lúa.
Vụ chiêm năm 1997, vợ chồng ông Cầu ra bãi ruộng của mình để thu hoạch lúa. Khi vừa mới đánh thóc về đến sân nhà thì lực lượng công an xã đến bắt ông Cầu đưa lên trụ sở. Sau đó ông Cầu bị bắt tạm giam đưa lên huyện. Công an huyện Tiên Lãng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can điều tra ông Cầu với tội danh trộm cắp tài sản.
Tháng 6-1997, TAND huyện Tiên Lãng mở phiên sơ thẩm xét xử và tuyên phạt ông Cầu 3 tháng 10 ngày tội danh trộm cắp tài sản, buộc ông Cầu phải bồi thường cho ông Phạm Minh Tuân 149kg thóc.
Gia đình ông Cầu tiếp tục kháng cáo kêu oan. Tháng 7-1997, TAND TP Hải Phòng mở phiên phúc thẩm tuyên giảm án xuống cho ông Cầu với mức phạt 70 ngày tù giam và trả tự do tại tòa.
Ngay sau khi TAND thành phố Hải Phòng xử phúc thẩm, ông Nguyễn Hồng Cầu tiếp tục khiếu nại. Tháng 10-1998, TAND tối cao mở phiên giám đốc thẩm tuyên hủy hai bản án trên, tuyên ông Nguyễn Hồng Cầu không phạm tội ''trộm cắp tài sản của công dân'' và đình chỉ vụ án hình sự đối với ông Nguyễn Hồng Cầu.
Ông Phạm Đức Tuyên, phó chánh án TAND TP Hải Phòng, đại diện tòa án đứng ra xin lỗi công khai ông Cầu - Ảnh: Thân Hoàng |
Một người dân đến trụ sở chúc mừng ông Cầu được xin lỗi - Ảnh: Thân Hoàng |
Vẫn chưa thỏa thuận được mức bồi thường
Gia đình ông Cầu đã có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người bị oan. Ông Cầu đề nghị khôi phục danh dự, bồi thường thiệt hại về tinh thần, vật chất, sức khỏe và yêu cầu trả lại tài sản, bồi thường tài sản bị xâm hại và thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất của người bị oan… với tổng số tiền bồi thường hơn 640 triệu đồng.
TAND Hải Phòng đã tiến hành thương lượng với ông Nguyễn Hồng Cầu nhưng kết quả không thành. Ông Cầu đã làm đơn khởi kiện đòi bồi thường ra tòa án. Cả hai cấp tòa Tiên Lãng và TAND TP Hải Phòng đều tuyên buộc TAND TP Hải Phòng bồi thường cho ông Cầu hơn 17 triệu đồng và công khai xin lỗi người bị kết án oan. Gia đình ông Cầu không đồng ý mức bồi thường này và tiếp tục khiếu nại.
Nhiều người dân đến nhà chúc mừng ông Cầu - Ảnh: Thân Hoàng |
Ông Cầu cho biết gia đình ông rơi vào cảnh khốn cùng, khánh kiệt tài sản khi ròng rã đi kêu oan gần 20 năm qua. Ngay sau khi ông Cầu bị bắt giam, căn nhà cấp bốn của gia đình bỗng dưng bốc cháy với dấu hiệu có người tẩm xăng đốt. “Vợ tôi một mình vừa nuôi ba con nhỏ vừa vay mượn tiền đi kêu oan cho chồng. Khi tôi ra tù thấy nhà mình bị đốt, vợ con nheo nhóc, mang tiếng trộm cắp mà không muốn sống nữa. Nhưng thấy vợ vất vả đi kêu oan nên tôi tiếp tục bỏ công bỏ việc đi tìm lại danh dự cho mình. Gần 20 năm qua, đi ra ngoài tôi không dám ngẩng mặt với đời, bây giờ tài sản khánh kiệt nên những người làm sai phải đền bù thỏa đáng cho tôi”, ông Cầu ngậm ngùi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận