Táo bón lâu dài có thể gây bệnh trĩ, đi tiêu ra máu, nứt hậu môn; phụ nữ mang thai càng không nên để bị táo bón.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân gây táo bón nhưng chủ yếu là thiếu nước làm phân quá khô, nhiệt tích tụ trong cơ thể làm tiêu hao nước. Một nguyên nhân khác gây táo bón là nhu động đại tràng quá chậm. Muốn đại tràng vận động nhanh thì tuần hoàn khí phải đầy đủ, nếu vì áp lực gây khí trệ hoặc khí không đầy đủ sẽ không đủ động lực để bài tiện dẫn đến suy giảm chức năng bài tiện. Ngoài ra nếu đại tràng nhiễm lạnh, nhu động cũng chậm đi gây táo bón.
Nghiên cứu gần đây cho thấy vi khuẩn trong đường ruột luôn tiết ra nhiều độc tố như indole, heterorauxing…, cơ thể hấp thu những độc tố này dẫn đến ngộ độc mạn tính làm tăng nhanh sự suy lão. Vì thế phải giữ cho đại tiện thông suốt để giảm hấp thu độc tố từ phân sẽ làm chậm sự lão hóa, kéo dài tuổi thọ.
Nguyên tắc dưỡng sinh
Theo Đông y, bệnh do đường ruột tích nhiệt, khí huyết bất túc gây ra, phải điều trị bằng phương pháp thanh nhiệt nhuận tràng, dưỡng âm sinh tân, bổ khí huyết. Nên vận động nhiều như: nhảy cao, nhảy dây, chạy bộ, đi bộ để thúc đẩy nhu động ruột. Khi đi tiêu nên xoa bụng theo chiều kim đồng hồ hoặc đưa mông lên xuống nhẹ nhàng vài lần giúp phân dễ tuột xuống.
Nên ăn các loại rau quả có tác dụng bổ khí, trấn nhiệt và thông tiện như: mè, khoai lang, khoai tây, măng, củ cải trắng, hẹ, nấm rơm, mồng tơi, rau dền, mướp, chuối, đu đủ, sung, lê, hồ đào,… và uống nhiều nước. Tạo thói quen bài tiện có quy luật, kiêng uống rượu, trà, cà phê, các loại thức ăn kích thích như cay, nóng.
Một số món ăn hỗ trợ điều trị táo bón
1. Canh khoai lang nấu cải bó xôi:
Nguyên liệu:
- Khoai lang 100g
- Cải bó xôi 100g
- Thịt heo 150g
- Gia vị (gừng cắt sợi, muối).
Cách làm:
Thịt heo luộc sơ cắt sợi, khoai rửa sạch cắt miếng, cải bó xôi rửa sạch trụng nước sôi cắt khúc. Cho thịt, khoai vào nồi đất thêm gừng, nước nấu 20 phút, cho cải vào nấu sôi, nêm vừa ăn.
Công dụng: Khoai lang có vị ngọt, dinh dưỡng phong phú cung cấp nhiều năng lượng, món canh này cũng nhiều chất xơ có tác dụng thúc đẩy dạ dày và nhu động ruột rất tốt để phòng trị táo bón.
2. Khoai tây nấu thịt bằm:
Nguyên liệu:
- Khoai tây 300g
- Thịt nạc 50g
- Gia vị (hành, gừng bằm nhỏ, muối, bột ngọt, nước dùng).
Cách làm:
Khoai tây rửa sạch, gọt vỏ, hấp chín, tán nhuyễn trong tô sành. Phi hành, gừng cho thơm, cho thịt đã bằm vào xào vừa chín cho nước lèo nêm vừa ăn, nấu sôi và rưới lên khoai tây.
Công dụng: Khoai tây nhiều tinh bột, protein, vitamin nhóm B, vitamin C làm thúc đẩy chức năng tì vị. Khoai tây cũng nhiều chất xơ làm khoan tràng thông tiện giúp bài tiện kịp thời thải độc tố, phòng tránh táo bón, dự phòng phát sinh bệnh đường ruột.
3. Cháo khoai lang bách hợp:
Nguyên liệu:
- Khoai lang 100g
- Bách hợp 30g
- Đậu tương 30g
- Gạo 150g
- Đường phèn đủ dùng.
Cách làm:
Khoai gọt vỏ rửa sạch cắt miếng nhỏ, bách hợp, đậu tương rửa sạch. Vo gạo, thêm nước nấu chín thêm khoai, bách hợp, đậu tương, đường phèn nấu nhừ thành cháo đặc.
Công dụng: Món ăn nhiều vitamin E, chất xơ có tác dụng điều tràng chống táo bón.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận