
Những con tàu đầy ắp cá cơm cập bờ từ sớm - Ảnh: MINH CHIẾN
Từ 5h sáng mỗi ngày, nhiều phụ nữ tại xã An Chấn (huyện Tuy An, Phú Yên) lại đợi sẵn trên bãi biển chờ những thúng cá cơm tươi rói được đưa vào bờ.
Trở về sau một đêm đánh bắt cá cơm, ông Nguyễn Ngọc Hội (người dân xã An Chấn) cho hay chuyến biển này khai thác được hơn 2 tấn cá, với giá từ 160.000 - 200.000 đồng/giỏ (mỗi giỏ 20kg) thì trừ phí tổn, mỗi ngư dân thu về khoảng 1,5 triệu đồng sau chuyến biển.
“Mùa cá cơm từ tháng giêng đến tháng 4 âm lịch, sản lượng bình quân mỗi tàu 2 - 3 tấn, có tàu công suất lớn đi trúng luồng cá có thể khai thác được 5 - 6 tấn một đêm”, ông Hội nói.
Theo các ngư dân, ngoài việc được các chủ cơ sở chế biến cá cơm đặt hàng từ trước với số lượng lớn… các chủ tàu cũng bán lẻ cho các thương lái, tiểu thương hải sản ở chợ với số lượng ít hơn.
Chị Trần Thị Nga (thương lái từ xã An Phú, TP Tuy Hòa) cho biết: "Năm nay cá cơm được mùa, giá mua bán dao động 7.000 - 10.000 đồng/kg. Cá vào bờ là chủ tàu bán ngay do cá để lâu hay cấp đông sẽ không ngon, không tươi nữa. Tôi mua khoảng vài tạ để bán lại cho người dân, nhiều người họ thích tự muối mắm hoặc rang để ăn".

Những người phụ nữ đợi sẵn để phân chia cá - Ảnh: MINH CHIẾN

Các bà các mẹ gánh cá cơm về tiêu thụ, chế biến - Ảnh: MINH CHIẾN

Cá tươi mang về được sơ chế kỹ lưỡng - Ảnh: MINH CHIẾN

Cá sơ chế xong được đặt lên trên từng vỉ cho vào lò hấp - Ảnh: MINH CHIẾN
Tại cơ sở chế biến cá cơm của chị Nguyễn Thị Tuyết Nga (xã An Hòa Hải, huyện Tuy An), khoảng 12 người phụ nữ tranh thủ hấp cá, gắp cá. Theo chị Nga, cá sau khi đánh bắt về sẽ trải qua các công đoạn như sơ chế bằng nước muối cho tươi rồi hấp, phơi khô, nhặt lựa…
“Làm cái này (hấp cá) có giá hơn bán tươi. Tôi làm được nghề này gần 25 năm rồi, thu nhập cũng ổn, bữa nào nhiều thì bán 1 tấn cá khô, còn ít khoảng 5 - 7 tạ. Trung bình một ngày khoảng 300 giỏ cá tươi thì làm khô được hơn 1,5 tấn. Cá cơm chế biến đủ size, trong đó cá cơm ngần là loại cao cấp hơn sẽ xuất khẩu cho các công ty nước ngoài”, chị Nga nói.
Còn bà Nguyễn Thị Hương, chủ cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống Hồng Gia Phúc (xã An Phú, TP Tuy Hòa), cho hay đang mùa cá cơm nên bà đã liên tục nhập hàng để chế biến, đến nay đã mua khoảng 70 tấn cá để làm mắm.
“Cá cơm ở Phú Yên khi làm mắm có mùi thơm nhẹ, tùy theo công thức, thời gian ủ muối, ướp cá mà sẽ cho ra vị mắm độ mặn khác nhau”, bà Hương chia sẻ.
Theo ông Đào Quang Minh - chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên, hiện đang là vụ khai thác cá cơm. Nhờ sản lượng cao, việc tiêu thụ lại dễ dàng nên ngư dân có thu nhập khá ổn định. Hiện nay người dân cũng nâng cao giá trị cho cá cơm như chế biến thành phẩm cá cơm khô, nước mắm cá cơm đã có nhiều thương hiệu đạt chuẩn OCOP…

Công nhân phải phân loại cá thủ công - Ảnh: MINH CHIẾN

Những mẻ cá cơm được mang ra phơi khô trải dài trên bờ biển - Ảnh: MINH CHIẾN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận