Trái lại, hơn một năm sau, Indonesia tạo ra vô số tranh cãi khi nhập tịch ồ ạt các cầu thủ từ Hà Lan, Bỉ để thi đấu tại vòng loại World Cup 2026.
CĐV Indonesia không hài lòng
Chính người dân Indonesia cũng tỏ ra không hài lòng với chính sách nhập tịch hơi quá đà của Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI). Nhiều chính trị gia Indonesia đã lên tiếng phản đối PSSI.
Họ cho rằng việc nhập tịch quá nhiều cầu thủ cho thấy mất lòng tin vào các cầu thủ bản địa. Trước làn sóng chỉ trích, phó chủ tịch PSSI Zainudin Amali đã phải xoa dịu dư luận bằng phát biểu:
"Chúng tôi nhập tịch cầu thủ vì mục tiêu trước mắt. Về lâu dài, hy vọng Indonesia không phải trông đợi vào các cầu thủ nhập tịch nữa".
Cách làm của PSSI quả thật khiến không ít người dị ứng vì yếu tố "ăn xổi".
Nhưng mặt khác, chính sách nhập tịch cầu thủ cũng không đáng nhận chỉ trích đến vậy nếu người hâm mộ nhìn nhận nhẹ nhàng hơn như câu chuyện thành công của bóng đá Morocco hơn một năm trước.
Bài học Morocco
Tuyển Morocco đã đến World Cup 2022 với 14/26 cầu thủ là những người sinh ra ở nước ngoài, đa phần là ở Pháp và Hà Lan - những nền bóng đá đứng đầu thế giới.
Vài ngày trước, một ngôi sao bóng đá Việt Nam gây tranh cãi khi phát ngôn mỉa mai: "Nếu những cầu thủ nhập tịch của Indonesia đủ giỏi, họ đã cạnh tranh để lên tuyển Hà Lan".
Nhận định này có thể đúng với nhiều trường hợp, nhưng không phải luôn đúng.
Hakim Ziyech, ngôi sao số 1 của Morocco là ví dụ điển hình. Anh từng ra sân cho các đội tuyển trẻ của Hà Lan khi còn ở lứa tuổi U20. Và đến năm 21 tuổi, Ziyech chính thức chọn khoác áo Morocco, quê hương của cha mẹ anh.
Cho đến tận thời điểm này, khi Ziyech đã 31 tuổi, bóng đá Hà Lan hiện tại vẫn không có tiền đạo cánh nào thực sự xuất sắc hơn anh. Điều tương tự có lẽ cũng không sai lệch với Mazraoui và Hakimi - những hậu vệ cánh được xếp vào nhóm hay bậc nhất thế giới hiện tại. Họ cũng đã chọn màu áo quê hương thay vì Hà Lan và Tây Ban Nha.
Tất nhiên, giữa Morocco và Indonesia vẫn còn một khoảng cách lớn. Kể cả khi đã từ bỏ cơ hội để chơi cho những đội tuyển hàng đầu thế giới, Ziyech hay Hakimi vẫn có thể tỏa sáng tại World Cup - đấu trường mà Morocco góp mặt khá thường xuyên.
Nhưng câu chuyện của họ phản ánh một sự thật - những cầu thủ chọn nhập tịch một quốc gia khác nơi mình sinh ra không hẳn chỉ vì họ không đủ trình độ tỏa sáng ở các nền bóng đá lớn.
Cần chính sách rõ ràng
Và nếu nhìn nhận từ góc độ ngược lại, câu chuyện nhập tịch sẽ trở nên hợp lý hơn. Morocco và nhiều nền bóng đá trung bình - khá khác trên thế giới nhập tịch cầu thủ thành công vì có chính sách kêu gọi kiều bào hồi hương rõ ràng.
Theo thống kê của FIFA, có đến 136 cầu thủ đã khoác áo những đội tuyển quốc gia không phải nơi họ sinh ra. Ngoài Morocco, Senegal, Tunisia, Bồ Đào Nha, Croatia, hay cả Nhật Bản cũng có cầu thủ nhập tịch.
Cũng vì vậy, World Cup 2022 được ca ngợi là một kỳ World Cup "không biên giới", khi mọi đội tuyển quốc gia đều mở rộng cánh cửa, sẵn sàng chào đón các ngôi sao từ mọi miền thế giới, miễn là có quan hệ huyết thống nhất định.
Indonesia gây ra nhiều tranh cãi vì việc nhập tịch gấp rút và ồ ạt, nhằm hướng đến một mục tiêu ngắn hạn. Nhưng nếu nền bóng đá Indonesia có thể đi từng bước vững chắc như Morocco, họ sẽ được thông cảm.
Hay cụ thể hơn nữa, nếu các cầu thủ gốc Hà Lan, gốc Bỉ của Indonesia giành được vé dự World Cup cho Indonesia, họ sẽ lại được ca ngợi là những người anh hùng hồi hương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận