Bố mẹ Nhi đều là giáo viên dạy cấp III, biết con thi trượt sẽ nhận về bao nhiêu lời bàn tán, xì xào, bao nhiêu sự so bì điểm số giữa các cháu thi cùng trường... Mặc kệ tất cả, hơn ai hết bố mẹ Nhi hiểu rằng đó chỉ là một kỳ thi, tương lai phía trước của con còn dài, con còn nhiều cơ hội cố gắng, không trúng tuyển trường đó thì Nhi có thể học trường dân lập.
Có lẽ nhờ sự quan tâm động viên kịp thời của bố mẹ, chỉ một tuần sau Nhi đã trở lại bình thường, tiếp tục ôn luyện tìm kiếm cho mình cơ hội khác. Nhi nói với tôi: "Con nhớ mãi buổi chiều biết điểm thi, mẹ con đứng không vững... Nhưng ngay sau đó mẹ đã đến ôm con vào lòng, hai mẹ con cùng ôm nhau khóc. Đã lâu lắm rồi con mới được mẹ ôm ấp, vuốt ve như thế".
Cũng là trường hợp có con thi trượt vào lớp 10 nhưng một người anh họ của tôi đã không làm được như bố mẹ Nhi. Anh tôi khi đó đã chạy lên phòng con xé tung quần áo, sách vở và miệt thị con bằng những từ ngữ khủng khiếp nhất... Đứa con mới 15 tuổi đã "ân hận" vì thi trượt tới mức bỏ nhà ra đi, cháu cho rằng mình là người thừa, đứa con bất hiếu với bố mẹ.
Để rồi sau đó chính anh lại phải nhờ cậy công an, anh em họ hàng đi tìm con. Đọc bức thư của con để lại trước khi đi anh ân hận quá... Mang được con về nhà, anh cất hết dao, kéo, thuốc men vì sợ đứa con yếu đuối của mình có thể quẫn chí làm liều.
Một học sinh khác mà tôi biết cũng do không thi đậu vào trường chuyên của tỉnh nhà nên cháu bị ba mẹ nhiều lần so bì, trách móc. Tới năm cháu học lớp 11 lại bị ba mẹ cự tuyệt nguyện vọng học khối B, ép phải thi khối A, chọn các trường kinh tế...
Cháu đã chán nản, thất vọng tới mức bị trầm cảm, rối loạn tâm thần. Mất một năm điều trị bệnh cho con, ba mẹ cháu đã nhận ra lỗi lầm của mình, không còn gây sức ép tới việc học tập của con.
Xin phụ huynh đừng để con em mình đón nhận kỳ thi vào lớp 10 giống như đón nhận thất bại đầu đời... Rõ ràng con vẫn đang là những đứa trẻ - cần bao bọc, chở che và yêu thương nhiều hơn nữa!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận