Sau màn pháo hoa của hai đội Úc và Ý, trên cầu và hai bên bờ sông Hàn (Đà Nẵng) nhan nhản đủ loại rác bị người dân bỏ lại - Ảnh: ĐOÀN NHẠN |
Tôi và vợ tôi (một kỹ sư môi trường) vừa có dịp tham quan đất nước Việt Nam xinh đẹp trong hai tuần.
Chúng tôi đã có dịp tham quan di sản thế giới ở Bái Tử Long (Quảng Ninh) đến thung lũng Mai Châu (Hòa Bình), hồ Gươm Hà Nội, di sản văn hóa ở Huế, Hội An, danh thắng Non Nước ở Đà Nẵng, cũng như có dịp chạy xe máy tại TP.HCM và các cánh đồng phì nhiêu ở đồng bằng sông Cửu Long, bãi biển cát trắng trải dài ở Phú Quốc...
Những điều ám ảnh
Bên cạnh phong cảnh Việt Nam xinh đẹp, chúng tôi rất kinh hãi với rác ở khắp mọi nơi. Những chiếc bọc nhựa đen trên cánh đồng, những vỏ lon bia ở bên hông chùa, những hộp xốp đựng thức ăn trôi nổi trên sông, những điếu thuốc lá và vỏ bao bánh snack vương vãi phủ đầy các ống cống thoát nước.
Chúng tôi rất ấn tượng về con người Việt Nam thân thiện nhưng ở chiều ngược lại, hình ảnh những chai lọ được ném ra từ những chiếc ôtô chạy trên đường khiến chúng tôi có cảm giác thất vọng.
Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến một người phụ nữ lái đò để vương vãi bao nilông trên chiếc xuồng, rồi một người đàn ông ném trực tiếp những chiếc bao nilông xuống dòng kênh, cạnh đó là một nhóm trẻ em đang tắm.
Những tác động tiêu cực của rác thải như vậy lên sức khỏe con người là điều hiển nhiên. Không chỉ trước mắt là chuyện mất vệ sinh, rác thải làm cho loài gặm nhấm phát triển mạnh.
Và chính các loài gặm nhấm mang mầm bệnh trực tiếp cho con người. Việc xả rác bừa bãi còn làm giảm chất lượng của nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp lên người dân, đặc biệt là lên các loại thủy hải sản mà chúng ta ăn hằng ngày.
Hậu quả về môi trường sẽ ảnh hưởng lâu dài cho các thế hệ mai sau. Một điếu thuốc lá phải mất 10 năm để phân hủy trong môi trường nước biển. Một túi nhựa có thể mất 100 năm để phân hủy và đồng thời hủy hoại hằng ngày các loài thủy sinh.
Đối với một hộp xốp đựng thức ăn, có thể mất đến 1 triệu năm để phân hủy. Trong quá trình này, nhựa được phân hủy thành các loại chất dẻo và đến lượt cá, hải sản ăn vào và cuối cùng đến lượt chúng ta, như một chuỗi khép kín, hay nói khác đi là tiềm tàng của căn bệnh ung thư.
Trong bối cảnh Việt Nam đang thu hút khách du lịch, chuyện xả rác bừa bãi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến du khách cũng như tăng chi phí chăm sóc sức khỏe của người dân. Vậy liệu chúng ta có tiếp tục vừa làm du lịch vừa xả rác? |
Bác sĩ Micael Taavo - Ảnh: NVCC |
Cần hành động mạnh mẽ hơn
Vì sao nhiều người dân xả rác bừa bãi? Có thể là họ chưa hiểu hết về những hậu quả. Cũng có thể nhiều người nghĩ rằng khi họ xả rác thì sẽ có người dọn.
Dù lý do gì đi nữa thì Việt Nam cũng phải xử lý triệt để vấn đề này vì tương lai con em, vì sức khỏe của người dân và vì lợi ích kinh tế mà du lịch mang lại.
Việt Nam cần hành động mạnh mẽ hơn về vấn đề rác thải. Giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng vì có ý thức thì mới hiểu được hậu quả của việc xả rác gây ảnh hưởng môi trường sống của chúng ta.
Ở Thụy Điển, mỗi năm, tất cả các em học sinh đều dành riêng một ngày để gom rác ở ngoài đường, cống rãnh và trên bãi biển. Các hoạt động dọn dẹp vệ sinh ở nơi công cộng là một bằng chứng sinh động để giáo dục ý thức trẻ em của người lớn.
Người dân Việt Nam nên tự thân vận động nhắc nhở lẫn nhau và nên gom rác tập trung thay vì ném rác ra ngoài. Môi trường có sạch đẹp mới thu hút các doanh nghiệp đầu tư, khách du lịch cũng như làm cho môi trường sống thêm lành mạnh.
Các công ty du lịch nên thực hiện một chiến lược môi trường và áp dụng quy tắc ứng xử khi tham gia du lịch của du khách.
Có thể khuyến cáo du khách nên mang theo một túi nilông khi đi du lịch để bỏ rác trong trường hợp cần và đổ rác vào nơi thích hợp, để những điểm tham quan du lịch không còn rác thải và xứng đáng là nơi để mọi người có thể tận hưởng khung cảnh xinh đẹp và không khí trong lành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận