Chuyên viên tâm lý khám cho một trường hợp trẻ bị tự kỷ - Ảnh: T.T.D. |
Mới đi học lớp mầm được một tuần, cháu bắt đầu có các biểu hiện như hay quấy khóc, gắt gỏng, ngủ mớ, la hét trong lúc ngủ, đặc biệt là bé rất sợ đi học. Cứ đi đúng con đường dẫn đến trường là bé giãy khóc đòi về.
Đến ngày thứ mười thì đích thân cô hiệu trưởng và hai giáo viên đứng lớp đã trả bé về với lý do: bé bị tự kỷ do chưa nói được nhiều!
Tôi đưa con đến khám khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2 thì bác sĩ kết luận: bé chậm nói chứ không phải tự kỷ!
Cho rằng hẳn các cô đã la mắng hay làm gì đó khiến bé sợ đến mức không muốn đi học cũng như biết con mình không thể tiếp tục học với các giáo viên đã có ấn tượng không tốt với bé như vậy, tôi chuyển con sang học một trường tư thục.
Thật ngạc nhiên là kể từ khi sang trường mới, những biểu hiện căng thẳng, sợ sệt ở bé mất hẳn, bé thậm chí còn hay kể về cô giáo mới với cảm giác vui vẻ. Cho đến giờ cháu vẫn phát triển tốt và bình thường!
Nói ra mới biết không chỉ có con tôi mới bị cô giáo “định bệnh” oan, một số người thân, bạn bè của tôi cũng cho biết con họ từng bị cô giáo “phán” như vậy.
Đọc báo thấy nhiều người có con đi học những năm đầu cũng bị giáo viên kết luận con họ bị tự kỷ khi thấy các cháu không tập trung, hay quấy khóc, không hợp tác... tôi thấy thật xót xa.
Ai có chút kinh nghiệm, kiến thức cơ bản về việc nuôi dạy trẻ con đều hiểu rằng những đứa trẻ nào mới đi học thời gian đầu cũng có những biểu hiện như vậy, ít nhiều tùy bé do những thay đổi về môi trường trong những ngày đầu làm quen với trường lớp, bài vở.
Các “triệu chứng” này sẽ giảm dần sau khi các bé đã thích nghi được, đến một lúc nào đó sẽ biến mất hẳn (dĩ nhiên trừ các bé có “bệnh” thật sự nhưng tôi nghĩ số này không nhiều).
Thiết nghĩ giáo viên nếu không thể kiên nhẫn với các em thì cũng nên suy xét kỹ trước khi kết luận học sinh mình bị tự kỷ, đừng vội kết luận oan mà tội nghiệp con trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận