Phóng to |
PGS.TS Nguyễn Hoài Nam (trái) trao đổi với ông Nguyễn Thanh Minh - Ảnh: T.T.D |
PGS.TS Nguyễn Hoài Nam:
* Thưa ông, với cường độ, áp lực làm việc cao và phải tiếp xúc với nhiều đối tác trong công việc, có khi nào ông thấy những áp lực này ảnh hưởng đến sức khỏe hay không?
- Ông Nguyễn Thanh Minh: Có chứ, có những ngày chúng tôi phải làm việc 14-16g, luôn trong tình trạng căng thẳng. Nhất là trong trường hợp phải hoàn tất những hợp đồng lớn, quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Rồi những chuyến bay liên lục địa kéo dài hàng chục giờ, sức khỏe bị ảnh hưởng nhiều vì lệch múi giờ nên nhiều lúc mệt lắm. Với cách làm như thế này hiện nay khi tuổi đã trên 50, ngũ thập tri thiên mệnh rồi chúng tôi mới thấm mệt và thấy không có gì quý hơn sức khỏe. Nếu có sức khỏe anh sẽ thấy cuộc đời thêm đáng sống, đáng yêu, ăn ngon, ngủ kỹ và tự tin vào bản thân. Còn nếu không có sức khỏe, hoặc sức khỏe giảm sút thì mọi cái rơi vào số 0 hết, giống như Ground Zéro ngày 11-9 ở Mỹ ấy mà.
* Có một câu nói rất thường gặp là còn trẻ thì mang sức khỏe kiếm tiền, còn khi lớn tuổi lại mang tiền đi mua sức khỏe. Vậy theo ông, sức khỏe có mua được không?
"Việc bảo vệ và giữ gìn sức khỏe phải được bắt đầu từ ngay khi còn trẻ, nếu không sẽ là quá trễ" Ông Nguyễn Thanh Minh |
- Không, không bao giờ đâu bác sĩ. Vật chất có thể mua được bằng tiền bạc, còn sức khỏe thì không. Tôi đã chứng kiến rất nhiều người cực kỳ giàu có nằm trên đống vàng nhưng hoàn toàn không mua được sức khỏe. Do vậy ngay từ khi còn trẻ, chúng ta không nên vì công việc và kiếm tiền mà phung phí sức khỏe, phung phí những tinh hoa chắt lọc trong con người để khi lớn tuổi lại ngồi hối tiếc. Việc bảo vệ và giữ gìn sức khỏe phải được bắt đầu từ ngay khi còn trẻ, nếu không sẽ là quá trễ.
* Có một thói quen, theo tôi, không tốt là việc ký kết các hợp đồng làm ăn, bàn công việc và nhiều vấn đề nữa đều được tiến hành trên những bàn nhậu quắc cần câu. Vậy ngoài việc không hợp quy luật, cách làm việc này có hại gì cho sức khỏe?
- Có chứ, ảnh hưởng nhiều là đằng khác. Ở các nước khác người ta chỉ có thói quen uống chút bia để giải khát và uống rượu khi bạn bè họ hàng thân thiết gặp nhau, tổ chức ngày sinh nhật, ngày cuới...chứ không ai uống rượu, thậm chí rất nhiều rượu, để bàn bạc công việc và ký kết hợp đồng như ở Việt Nam hiện nay.
Chính thói quen khác người như vậy khiến rất nhiều người trong giới doanh nhân thành đạt phải trải qua những bữa tiệc rượu khủng khiếp, lãng phí và rất có hại cho sức khỏe. Nhiều người vì vậy đã phải rơi vào tình trạng đột quỵ, đột tử do nhồi máu cơ tim, vỡ mạch máu não đưa đến tử vong. Chính vì vậy, chúng tôi đã nhiều lần kêu gọi các thành viên trong Câu lạc bộ doanh nhân Sài Gòn thay đổi thói quen không tốt của chúng ta khi làm việc và ký kết hợp đồng với các đối tác.
* Hiện nay trên thế giới, các chuyên gia y học đều khuyên nên đi khám sức khỏe định kỳ mỗi năm ít nhất hai lần khi đã trên 40 tuổi, nhất là với những người có yếu tố nguy cơ cao về các bệnh tim mạch và chuyển hóa như giới doanh nhân. Vậy theo ông, chúng ta có thể làm và thực hiện tốt điều này hay không?
- Khám sức khỏe định kỳ tốt lắm chứ, đấy là khuynh hướng phòng và chữa bệnh hiện đại. Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp nhờ phát hiện bệnh sớm mà chữa được lành bệnh, kể cả bệnh ung thư. Tuy nhiên việc khám kiểm tra và tầm soát bệnh phải được tiến hành nghiêm túc và thật sự hiệu quả, tránh làm hình thức cho có như khám sức khỏe cho cán bộ công nhân viên ở một số cơ quan xí nghiệp hiện nay. Nếu xét về y học thì chẳng có giá trị gì, ngoài việc đối phó với các cơ quan chức năng và là một phần trong căn bệnh hình thức mà chúng ta cần chung tay phá bỏ.
* Để kết thúc buổi trò chuyện, ông muốn nhắn nhủ gì cho mọi người, đặc biệt là giới doanh nhân?
- Nên làm việc điều độ ngay từ khi còn trẻ, sức khỏe là vàng không có gì mua nổi. Trong trường hợp phải uống rượu để ngoại giao, hãy uống kèm nhiều nước và ăn thêm trái cây trong bữa tiệc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận