Bệnh đau mắt đỏ vẫn còn xu hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đã Nẵng...
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, phần lớn do vi rút, số ít do vi khuẩn gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia.
Tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng đau mắt đỏ thường lành tính, ít để lại di chứng. Thế nhưng bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động. Không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này.
Bác sĩ Huỳnh Thị Bích Liễu - phó khoa mắt Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) - khuyến cáo người dân khi có những biểu hiện kể trên nên đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid (dexamethasone) khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Lưu ý không đưa vật lạ vào mắt theo cách dân gian như đắp lá cây, nha đam, thuốc nam, thuốc bắc, đùi ếch, côn trùng, mật gấu, nước tiểu, sữa mẹ... vì có thể làm mắt đang bệnh bị nhiễm trùng nặng hơn.
Khi điều trị tại nhà, người bệnh cần cách ly 5-7 ngày và dùng thuốc theo toa bác sĩ chỉ định. Làm sạch ghèn trước khi nhỏ thuốc. Rửa tay trước và sau khi rửa, nhỏ mắt. Có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt.
Dùng bông gòn để lau mắt, không dùng khăn. Chườm lạnh sẽ giúp giảm sưng, mang lại cảm giác dễ chịu hơn. Người bệnh nên đeo kính mát bảo vệ mắt và vệ sinh kính mỗi ngày. Nếu có thêm triệu chứng hô hấp nên đeo khẩu trang.
Phòng ngừa đau mắt đỏ ra sao?
Theo Sở Y tế TP.HCM, biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất để phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ do vi rút là:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng. Không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
- Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Dùng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh mắc hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác.
- Khi phát hiện có dấu hiệu đau mắt đỏ cần đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, hướng dẫn và chăm sóc phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận