Thầy Dũng giữa những đứa học trò khuyết tật - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Chọn đến với những đứa trẻ không may mắn, với Dũng là một quyết định mà anh muốn gắn bó cả một đời tuổi trẻ.
Vừa là thầy, vừa là bạn
Chúng tôi gặp Dũng trong một buổi đến thăm cơ sở I - Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng. Anh loay hoay trên chiếc xe lăn ở giữa hội trường. Phải mất hơn chục phút Dũng mới ổn định được mấy đứa nhỏ vào chỗ ngồi.
Học trò của Dũng đủ các dạng khiếm khuyết, từ trẻ khuyết tật vận động, câm điếc, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ và nhiều em trong số đó là nạn nhân chất độc da cam.
Buổi sinh hoạt bắt đầu bằng những màn trình diễn nhảy múa của các em nhỏ. Rồi không có trong "kịch bản", mấy đứa nhỏ bỗng đề xuất: "Thầy Dũng, thầy Dũng... hát... Thầy Dũng hát đi...". Tiếng nói ngọng nghịu, ngắt quãng. Mấy tiếng vỗ tay lép bép cổ vũ.
Để chiều lòng trò, Dũng cầm micro trên bàn tay lành, dõng dạc và trầm ấm thể hiện bài hát "Khát vọng". Mấy đứa nhỏ kéo nhau đứng phía sau múa phụ họa bằng đủ các điệu vừa thiết tha vừa ngộ nghĩnh trông buồn cười mà thương da diết.
Là thầy nhưng cũng vừa là người anh, người bạn lớn của nhiều thế hệ học sinh khuyết tật ở trung tâm, Dũng được các em yêu thương hơn cả bởi những lời hát, điệu múa cho đến từng hình vẽ, bức tô màu của bọn trẻ đều do một tay Dũng uốn nắn. Các nhân viên khác sẽ giúp Dũng những phần khó hơn, đặc biệt những khâu đòi hỏi vận động.
Ngày ngày cứ thế trên vòng xe lăn, Dũng di chuyển đến từng góc phòng, sát từng bàn học của bọn trẻ vừa chuyện trò, vừa hướng dẫn các em học.
Dũng là người trầm tính nhưng những tiết học của anh luôn là giờ phút rộn rã bởi bọn trẻ tìm được niềm vui, yêu thích trong bài giảng. Dũng cười hiền: "Hồi mới về nhận công việc ở trung tâm, mình nhiều lần muốn bỏ cuộc, thật sự mình đã sốc khi các em vượt quá tưởng tượng của mình".
Thế rồi thời gian khó khăn nhất cũng qua. Chàng trai trẻ khi ấy bắt đầu vượt qua hết mọi rào cản bằng cách tìm hiểu từng em một. Dũng bảo rằng phải mất một thời gian dài mới hiểu hết các em. Giờ đây sau 10 năm gắn bó, mấy đứa trẻ rất thương thầy và biết nghe lời. Với Dũng, đó là cả một thành quả không nhỏ.
Thầy Dũng dùng tiếng hát để chữa lành vết thương tinh thần cho học trò - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Vượt qua nỗi đau để chữa lành nỗi đau
Nhiều người ngạc nhiên bởi chàng trai khuyết tật vận động nặng như Dũng lại là giáo viên dạy môn mỹ thuật và âm nhạc cho trẻ đặc biệt. Nhưng với Dũng, đó là sự công bằng của tạo hóa và lựa chọn của cuộc đời anh.
Thượng đế lấy đi của anh đôi chân và cho anh đôi tay yếu gầy, nhưng bù đắp lại cho anh bằng năng khiếu vẽ và hát. Đó cũng là cầu nối đưa anh đến với những đứa trẻ kém may mắn mà giờ đây đã là một phần cuộc sống của anh.
Trận sốt bại liệt năm 3 tuổi cướp đi đôi chân của Dũng, lấy đi phân nửa sức lực từ đôi tay anh. Tuổi thơ càng đau buồn hơn khi mẹ Dũng qua đời, cha anh bỏ đi biệt xứ. Bà ngoại mang Dũng về nuôi nấng. Ngày bé, Dũng đã bộc lộ năng khiếu vẽ.
Lớn lên, Dũng mưu sinh bằng tiền kiếm được nhờ bán những bức tranh của mình. Rồi anh nhận ra mình đam mê tin học. Tiếp tục theo đuổi cho đến một ngày anh tìm đến trung tâm, và nhận công việc nhân viên tin học ở đây.
Từ đây, Dũng vừa phụ trách máy móc vừa kiêm luôn giáo viên dạy vẽ và dạy nhạc cho các em. Lớp của Dũng luôn duy trì khoảng 15 em với các dạng khuyết tật nặng nhất.
Từ việc tập cho các em làm quen với giấy, bút màu cho đến tập tô đơn giản rồi tự vẽ được những bức tranh là cả một quá trình bền bỉ. Dũng cho biết nhiều em không nhận thức được đồ vật, sự vật xung quanh, nhưng chính mỹ thuật đã giúp các em dần nhận biết được những thứ gần gũi với mình.
Rồi nhận thấy kết nối âm nhạc cũng là một phương pháp trị liệu hiệu quả cho trẻ khuyết tật trí tuệ, thầy Dũng bắt đầu dạy nhạc, dạy hát múa cho các em.
Bằng tình yêu và sự cảm thông, chia sẻ đặc biệt, nhiều học trò của Dũng từ lớp "nặng" đã được chuyển lên các lớp học nghề, học văn hóa. Có em đã bước ra xã hội, lập gia đình và có nghề kiếm sống. Mỗi em tạm biệt lớp là một thành quả lớn khiến thầy Dũng quên đi nỗi vất vả bao năm của mình.
Dũng cũng là người khuyết tật nhưng bằng tình thương, sự cảm thông và lòng kiên nhẫn đã giúp nhiều em tiến bộ. “Vượt qua nỗi đau của bản thân, Dũng đã chung tay với gia đình, xã hội, lặng lẽ dốc hết sức mình cùng xoa dịu nỗi đau da cam” - cô Thu nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận