Học máy (Machine learning), một lĩnh vực thuộc trí tuệ nhân tạo, đang được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết những bài toán khó trong y học - Ảnh chụp màn hình
Người đứng đầu bộ phận công nghệ của Nhà Trắng, ông Michael Kratsios, cho biết đang phối hợp với các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Microsoft và Google về vấn đề trên.
Theo ông Kratsios, trong khi sức người có hạn và có thể bỏ qua những chi tiết có thể dẫn tới các phát kiến quan trọng chống lại virus corona mới, máy móc chắc chắn không biết mệt và "quét" các nghiên cứu nhanh hơn người.
Các ông chủ của những tập đoàn công nghệ hàng đầu nước Mỹ như Apple, Facebook, Amazon, Google và Microsoft đã được triệu tập đến cuộc họp khẩn tại Nhà Trắng hồi giữa tuần qua.
Kết thúc cuộc họp dài gần 2 tiếng, Tổng thống Trump thông báo Google sẽ phát triển một trang web để giúp người dân xác định liệu họ có cần đi xét nghiệm virus corona hay không, trong lúc các tập đoàn bán lẻ sẽ thiết lập các trạm kiểm dịch "drive-thru" bên ngoài các siêu thị.
1.700 kỹ sư tình nguyện
Áp lực đang gia tăng lên chính quyền Mỹ khi số ca nhiễm virus corona mới tại nước này đã tăng lên hơn 4.743 trường hợp vào ngày 17-3. Những ý kiến chỉ trích cho rằng chính phủ Mỹ đã chủ quan, không truy lùng và xét nghiệm ráo riết như Hàn Quốc.
Trên thực tế kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu xuất hiện, Mỹ đã triển khai chương trình theo dõi và giám sát những người có triệu chứng cúm tại các thành phố lớn.
"Tôi muốn cảm ơn Google. Google đang giúp phát triển một trang web, nó sẽ được thực hiện rất nhanh, không giống như các trang web nào trước đó, để giúp người ta xác định có cần xét nghiệm virus corona hay không và có thể làm điều này tại địa điểm thuận tiện nào gần đó", ông Trump thông báo. "Google đang có 1.700 kỹ sư tình nguyện đang làm chuyện này và sẽ đạt được những tiến bộ lớn".
Theo Hãng tin Reuters, trang web do Google phát triển sẽ bao gồm một số câu hỏi để giúp người dân biết được mình có nằm trong diện có nguy cơ cao cần phải xét nghiệm hay không.
Những người được trang web khuyên nên đi kiểm tra sẽ được hướng dẫn tới một cửa hàng hoặc một siêu thị nào đó. Họ chỉ cần ngồi trong xe và lái qua các chốt xét nghiệm "drive-thru" đặt bên ngoài. Kết quả sẽ được trả về sau 24 tiếng.
Giao diện trang web giúp người dân xác định có cần xét nghiệm virus corona hay không của Mỹ - Ảnh chụp màn hình
Website này đã được ra mắt hôm 15-3 (giờ Mỹ) và đang được thử nghiệm giới hạn tại khu vực vùng vịnh San Francisco.
Dùng cả công nghệ chống khủng bố
Ứng dụng giúp người dân xác định triệu chứng COVID-19 của Iran bị tố xâm phạm quyền riêng tư của người dùng - Ảnh chụp màn hình
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 14-3 tuyên bố sẽ sử dụng tất cả phương tiện có thể để chống lại đà lây lan của COVID-19, bao gồm cả "những công nghệ chưa bao giờ được sử dụng đối với dân thường".
Theo tờ Haaretz, điều này có nghĩa là Israel sẽ sử dụng các công nghệ không gian mạng thường được dùng chống khủng bố, để thực thi kiểm dịch và kiểm tra việc đi lại của những người dương tính với virus.
Sau tuyên bố trên, Bộ trưởng Tư pháp Israel đã cho phép các cơ quan tình báo trong nước theo dõi điện thoại của các bệnh nhân COVID-19 và xây dựng cơ sở dữ liệu để trả lời cho những câu hỏi ở đâu và khi nào. Điều này cũng cho phép nhà chức trách biết được ai đã tiếp xúc gần với bệnh nhân, tránh chuyện người bệnh khai man.
Theo Hãng thông tấn Bloomberg, Israel là quốc gia mới nhất sử dụng cách này để chống COVID-19, sau Iran và Trung Quốc.
Cách đây 2 tuần Google đã gỡ một ứng dụng về virus corona của Iran trên cửa hàng ứng dụng sau khi có thông tin nó sẽ chủ động theo dõi và thu thập thông tin của người dùng để làm cơ sở chống dịch. Tehran sau đó lên tiếng bác bỏ và trấn an người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận