PGS.TS Lê Minh Triết trao đổi công việc với các nhân viên khoa toán - ứng dụng - Ảnh: Q.L.
Anh hiện là trưởng khoa toán - ứng dụng, đồng thời là viện trưởng Viện khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, Trường đại học Sài Gòn. Anh cũng là 1 trong 14 "Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM" năm 2021 vừa được tuyên dương ngày đầu năm 2022.
Làm khoa học nổi trội, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, anh Triết còn là thầy giáo tận tụy, góp công đào tạo nhiều sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và nhiều tiềm năng phát triển.
PGS.TS PHẠM HOÀNG QUÂN (hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn)
Thi đúng một trường ĐH
Triết kể mình mê học toán, đam mê những con số, thích tính toán chứ cũng không có định hướng gì đáng kể thời phổ thông. Chỉ là học lớp chọn ở một ngôi trường phổ thông không quá nổi trội của TP.HCM. Vì thích học toán nên đến khi chọn trường đại học, Triết cũng tình thật kể với người thầy giáo dạy mình là "muốn vào trường nào có học toán nhiều nhiều á". Thế là ông thầy cũng thật tình không kém, kêu thi vào trường tự nhiên đi, trong đó có khoa toán, tha hồ mà học.
Và anh đỗ vào khoa toán - tin học, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), đúng cái nơi muốn được học toán nhiều nhiều theo lời thầy. Kể cũng lỳ, hồi đó Triết đăng ký thi có duy nhất trường này thôi. Lỡ rớt tính sao? Triết cười: "Làm bài xong, về ngồi nhẩm tính điểm so với điểm chuẩn ngành này mấy năm gần trước đó thấy đủ đậu rồi".
Mà đúng là học toán nhiều quá, có những lúc chính anh cũng cảm thấy đuối. Một người thầy đã dạy anh thời sinh viên đã cho anh nhiều định hướng trong việc học, hỗ trợ, tạo điều kiện cho anh khá nhiều lúc học đại học đã kể ông làm việc chung và nhận ra tiềm năng, tố chất về toán học của Triết khá lớn. Do vậy, ông cùng với một thầy khác đã góp ý, hướng dẫn để Triết học tiếp, làm nghiên cứu sinh luôn sau khi tốt nghiệp đại học, bỏ qua cao học.
Con người của nghiên cứu
Nhiều người hay hỏi những nghiên cứu của Triết sẽ ứng dụng thế nào vào thực tế. Thường anh sẽ cười và giải thích rằng sẽ cần quãng đường dài để những công bố của anh đi đến ứng dụng trong thực tiễn. "Tôi nghiên cứu khoa học cơ bản, và thường các nhà khoa học sẽ tính toán, chia thành từng giai đoạn nhưng những kết quả này sẽ là cơ sở, tìm ra quy luật mà nhiều nghiên cứu khoa học ứng dụng dựa vào đó để phát triển lên" - TS Triết chia sẻ.
Có thể dẫn chứng đề tài cấp nhà nước mà PGS.TS Lê Minh Triết đã hoàn thành "Một số bài toán ngược cho phương trình parabolic và elliptic" đã góp phần đào tạo 1 tiến sĩ, 4 thạc sĩ. Từ các nhánh nghiên cứu khác nhau trong khuôn khổ công trình này cũng đã công bố 4 bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín quốc tế.
Xét ở góc độ khoa học, kết quả nghiên cứu từ đề tài này với việc tìm nghiệm một số phương trình như phương trình phản ứng khuếch tán mô hình hóa sự khuếch tán một chất ô nhiễm trong môi trường. Từ đó cho phép chúng ta tìm ra quy luật để xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường. "Kết quả này cũng có thể ứng dụng trong việc tìm ra quy luật lây lan truyền nhiễm của virus, cho phép chúng ta dự báo được quá trình lây lan để có cách hạn chế lây nhiễm của dịch bệnh, nhất là với dịch bệnh COVID-19 hiện nay" - anh Triết phân tích.
Ông thầy tận tâm
PGS.TS Phạm Hoàng Quân - hiệu trưởng Trường đại học Sài Gòn - cho rằng với nghiên cứu khoa học cơ bản, không nên đặt vấn đề tính ứng dụng thực tiễn ngay mà nên quan tâm đến việc đánh giá mức độ ảnh hưởng đối với ngành và sự nhìn nhận trong giới khoa học. "Những nghiên cứu của thầy Triết mang nhiều ý nghĩa và giá trị nhất định, từng được giải thưởng toán học uy tín. Nhà trường cũng ghi nhận công của thầy Triết rất lớn trong việc xây dựng đề án, góp phần đào tạo cao học, nghiên cứu sinh ngành giải tích và nhiều thạc sĩ, tiến sĩ đã bảo vệ thành công luận án từ đây" - ông Quân cho biết.
Đang là học viên cao học được thầy Triết hướng dẫn, học viên Trần Quốc Tú - giáo viên toán Trường THPT Gia Định - chia sẻ điều anh ấn tượng nhất về thầy mình chính là tuổi đời còn trẻ nhưng "con đường làm khoa học" rất đáng nể. "Thầy tâm huyết với nghề, nghiêm túc trong công việc và luôn biết cách tạo hứng khởi cho học trò khi làm việc cùng" - anh Tú nói.
Chị Nguyễn Trần Minh Thư - một học trò khác - cho biết thầy Triết đã gợi mở rất nhiều, giúp chị xác định rõ hơn hướng nghiên cứu sắp tới dù có hơi khác so với luận án thạc sĩ. "Luôn có những yêu cầu nghiêm khắc trong công việc nhưng thầy Triết làm việc hết lòng, tận tâm với đàn em" - chị Thư chia sẻ.
Có một câu nói mà Minh Triết rất thích: "Thà thất bại còn hơn là không làm gì cả". Vị phó giáo sư trẻ ấy xem đó như phương châm sống cho mình, luôn lao về phía trước. Ở đó, anh được làm điều mình thích, sống cùng đam mê và dẫu không thành công, chí ít anh cũng có cho mình nhiều bài học quý.
Dấu ấn khoa học
Tính đến nay, PGS.TS Lê Minh Triết đã hướng dẫn hơn 20 đề tài luận án thạc sĩ, tiến sĩ hoàn thành đúng tiến độ cùng nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, khóa luận tốt nghiệp sinh viên. Anh cũng là tác giả và đồng tác giả đã xuất bản 3 giáo trình giảng dạy dành cho sinh viên trường.
Anh cũng đồng thời làm chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu khác nhau từ cấp cơ sở đến thành phố, nhà nước. Tính đến nay, TS Lê Minh Triết đã công bố 13 bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín quốc tế và một số bài báo trong nước mà phần lớn là tác giả chính hoặc đồng tác giả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận