13/10/2017 05:54 GMT+7

Đừng tin mù quáng vòng đeo cổ 'điều hòa huyết áp'

LAM XUÂN
LAM XUÂN

TTO - Không chỉ rao bán trên các trang mạng, những chiếc vòng được quảng cáo có tác dụng "điều hòa huyết áp" còn "tấn công" đến các tỉnh, thành phố lớn nhỏ với giá từ 400.000 đến hơn 500.000 đồng.

Đừng tin mù quáng vòng đeo cổ điều hòa huyết áp - Ảnh 1.

Vòng điều hòa huyết áp rao bán trên mạng- Ảnh: Lam Xuân

Tuy nhiên, theo ThS.BS Phan Thái Hảo, giảng viên Nội tổng quát - Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), các nghiên cứu đã chứng minh vòng điều hòa huyết áp không có tác dụng ổn định huyết áp, lưu thông máu, chống đau nhức mỏi vai cổ, không gây cảm giác chóng mặt say xe.

Giận con vì cản không cho mua vòng điều hòa

Để bán hàng, các trang còn tung ra câu chuyện "đường mật": Người mẹ bị say tàu xe, huyết áp lúc tăng lúc giảm và may mắn được người quen mang từ Nhật về chiếc vòng "thiêng" lắm, đeo vào cân bằng huyết áp, chống say tàu xe… người con này thấy sự "kỳ diệu" của chiếc vòng và mong muốn không chỉ mẹ mình dùng mà mọi người ai cũng có thể sử dụng để giảm tỷ lệ đột quỵ! Và người con đã xách tay từ Nhật về bán.

Những rao tưởng chừng thật lòng đó đã làm xiêu lòng nhiều người, không biết rõ tác dụng ra sao nhưng chỉ với 520.000 thì đây là món quà sức khỏe "quá rẻ" cho ông bà, bố mẹ.

"Mình thấy vòng này cơ bản là tốt, chỉ là đeo bên ngoài cơ thể chứ không phải như các loại thuốc hay thực phẩm đưa vào bên trong cơ thể mà sợ. Hơn nữa, chỉ hơn 500 ngàn mà có món quà tinh thần cho mẹ thì cũng không mắc…"- chị N.Nga (Q. Bình Thạnh) đặt mua qua mạng để gửi về Vũng Tàu cho mẹ nói.

Cũng tương tự với những lời rao như vậy, những người tiếp thị trực tiếp mang đến các tỉnh thành thông qua hình thức đo huyết áp miễn phí, tặng những món quà nhỏ và bán vòng đeo điều hòa huyết áp với giá ưu đãi chỉ 400.000 đồng, "do bán hàng trực tiếp, không tốn tiền quảng cáo, nên bà con được hưởng ưu đãi" - một nhân viên nói qua loa quảng cáo.

Bà M.T.T (60 tuổi, Thanh Hóa) háo hức muốn mua một vòng để đeo như những người trong xã, có những người cả đời chưa đo huyết áp lần nào, không biết mình có bị huyết áp tăng hay giảm.Thấy vô lý con cái cản, bà T. đâm ra giận con.

Chiếc vòng chỉ là nam châm vĩnh cửu

ThS.BS Phan Thái Hảo cho biết những chiếc vòng này thường cấu tạo với bên trong là nam châm vĩnh cửu. 

Theo nhà sản xuất thì nam châm có thể cải thiện dòng máu trong các mô bên dưới vòng điều hòa huyết áp tử đó có thể làm giảm huyết áp. 

Thực tế là từ trường tạo ra xung quanh vòng quá yếu và giảm nhanh nên không ảnh hưởng đến hồng cầu, các thành phần máu khác, mô cơ, xương, mạch máu hoặc các cơ quan khác. 

Một số người cho rằng nam châm có thể khôi phục "cân bằng năng lượng điện từ của cơ thể" nhưng thực tế không có sự cân bằng nào được công nhận về mặt y học.

Ngay cả từ trường được sử dụng trong chụp cộng hưởng từ MRI mạnh hơn nhiều lần so với nam châm trong vòng điều hòa huyết áp cũng không có thể khôi phục cân bằng như vậy. 

Nếu cơ thể bị ảnh hưởng bởi từ trường do nam châm trong vòng điều hòa huyết áp tạo ra thì việc chụp MRI sẽ không thể thực hiện được. 

Nếu tăng huyết áp mà ngưng uống thuốc sẽ xảy ra tai biến mạch máu não, hoặc người không biết chính xác mình có bị huyết áp hay không lại tin mà bỏ qua các biểu hiện bệnh dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Huyết áp cần được phát hiện và điều trị sớm

Huyết áp là áp lực máu cần thiết tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của tim và sức cản của động mạch. 

Ở người bình thường, huyết áp ban ngày cao hơn ban đêm, huyết áp hạ xuống thấp nhất vào khoảng 1 - 3 giờ sáng khi ngủ say và huyết áp cao nhất từ 8 - 10 giờ sáng. 

Khi vận động, gắng sức thể lực, căng thẳng thần kinh hoặc khi xúc động mạnh đều có thể làm huyết áp tăng lên. Và ngược lại, khi cơ thể được nghỉ ngơi, thư giãn, huyết áp có thể hạ xuống. 

Khi bị lạnh gây co mạch, hoặc dùng một số thuốc co mạch hoặc thuốc co bóp cơ tim, ăn mặn có thể làm huyết áp tăng lên. 

Ở môi trường nóng, ra nhiều mồ hôi, bị tiêu chảy… hoặc dùng thuốc giãn mạch có thể gây hạ huyết áp.

Huyết áp tối đa (còn gọi là huyết áp tâm thu), bình thường từ 90 đến 139 mmHg (milimét thuỷ ngân).

Huyết áp tối thiểu (còn gọi là huyết áp tâm trương), bình thường từ 60 đến 89 mmHg.

Khi chỉ số huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên thì được chẩn đoán là tăng huyết áp.

Hạ huyết áp (huyết áp thấp) được chẩn đoán khi huyết áp tâm thu dưới 90 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương dưới 60 mmHg hoặc giảm 25 mmHg so với bình thường.

Tăng hay thấp đều nguy 

Tăng huyết áp là nguyên nhân gây tử vong và di chứng thần kinh nặng nề như liệt nửa người, hôn mê với đời sống thực vật, đồng thời có thể thúc đẩy suy tim, thiếu máu cơ tim làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống (không cảm thấy khoẻ khoắn, mất khả năng lao động) và gia tăng khả năng tử vong. 

Tăng huyết áp còn là một trong những yếu tố nguy cơ của đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim và phình động mạch, ngoài ra nó còn là nguyên nhân gây ra bệnh thận mạn và biến chứng ở mắt.

Nếu so sánh với tăng huyết áp, huyết ấp thấp trước mắt không dẫn đến biến chứng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim nên nhiều người chủ quan với căn bệnh này. Tuy nhiên, ít người biết được rằng huyết áp thấp cũng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm không kém. 

Khi người bệnh bị tụt huyết áp nhiều lần, hệ thống thần kinh bị suy giảm chức năng, cơ thể không tự kịp điều chỉnh để cung cấp đủ dinh dưỡng và oxy cho các cơ quan có chức năng sống còn như não, tim, thận gây ra các tổn thương cho các cơ quan này.

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh huyết áp thấp có thể dẫn đến tình trạng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy thận… thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, người bị tụt huyết áp cấp có thể gây sốc, đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng trong những trường hợp như đang lái xe, làm việc trên tầng cao… Nếu huyết áp thấp kéo dài, còn làm cho các cơ quan thận, gan, tim, phổi suy yếu nhanh chóng.

Thay đổi lối sống phòng ngừa huyết áp

Theo BS Hảo, khi bị tăng huyết áp nếu tình trạng bệnh chỉ mức độ trung bình và nhẹ thì bác sĩ sẽ cho chỉ định bắt đầu chế độ không dùng thuốc là thay đổi lối sống trong vòng 1 - 2 tháng hay 1 - 2 tuần nếu không giảm huyết áp như mục tiêu đề ra thì sẽ kết hợp với thuốc để kiểm soát huyết áp. 

Nếu bệnh ở mức độ nặng thì bác sĩ sẽ cho thuốc kiểm soát huyết áp ngay từ đầu. 

Khi bắt đầu sử dụng thuốc cho bệnh nhân tăng huyết áp, bác sĩ sẽ cho bạn tái khám sau 2 đến 4 tuần để đánh giá hiệu quả điều trị hạ huyết áp và phát hiện các tác dụng phụ nếu có. 

Khi đã đạt được huyết áp mục tiêu, có thể tái khám định kỳ sau vài tháng. Nếu có triệu chứng hay biến chứng thì tái khám thường xuyên hơn. 

Bạn có thể trang bị máy đo huyết áp điện tử để theo dõi huyết áp tại nhà.

Đừng tin mù quáng vòng đeo cổ điều hòa huyết áp - Ảnh 3.

Thay đổi lối sống lành mạnh, vận động phù hợp để phòng tránh bệnh huyết áp-Ảnh: Lam Xuân

Để phòng chống bệnh tăng huyết áp thì cần thực hiện việc điều chỉnh để luôn có một lối sống hợp lý:

- Không nên ăn mặn <6g muối/ngày. Hạn chế ăn mỡ động vật mà thay bằng các loại dầu thực vật, hạn chế các loại thực phẩm có nhiều cholesterol như: tim, gan, não, trứng... Ăn thêm rau, trái cây và các sản phẩm sữa ít béo.

- Không nên uống nhiều rượu bia.

- Tuyệt đối không hút thuốc lá, thuốc lào.

- Tránh lo âu quá nhiều, căng thẳng thần kinh quá mức.

- Nên điều chỉnh chế độ làm việc, chế độ nghỉ ngơi một cách hợp lý.

- Tập thể dục và đi bộ nhẹ nhàng, cố gắng mỗi ngày khoảng từ 30-45 phút.

- Giảm cân duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI ) < 23, vòng eo < 90cm với nam, < 80cm ở nữ

- Khám sức khỏe định kì và làm một số xét nghiệm cần thiết trong những đợt khám sức khỏe đó.

Trong khi đó, đối với hạ huyết áp, người bệnh cần được thăm khám để bác sĩ tìm nguyên nhân gây hạ là gì để có thuốc hỗ trợ thích hợp, đặc biệt là nữ thường mắc tình trạng hạ huyết áp này nên lưu ý. Không được sử dụng thuốc tùy tiện vì đôi khi biểu hiện có thể giống tăng huyết áp nhưng điều trị hoàn toàn khác. Người hạ huyết áp nên ăn mặn hơn một chút, tránh ngồi dậy đột ngột sẽ gây choáng váng, té ngã.

Tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp ngày càng tăng trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Năm 1960, tỷ lệ này là 1% dân số ở miền Bắc Việt Nam, năm 1992 là 11,79% dân số của cả nước, đến năm 2008 đã lên đến 27,2% dân số ở người trưởng thành > 25 tuổi của nước ta và năm 2016 tỷ lệ người lớn bị tăng huyết áp là 48%, một mức báo động đỏ trong thời điểm hiện tại.

Trên thế giới, người ta thấy những vùng địa lý mà dân chúng ăn quá nhiều sản phẩm có muối thì tần suất mắc bệnh tăng huyết áp tăng cao rõ rệt so với các vùng khác. Theo một nghiên cứu cho thấy tần suất mắc bệnh tăng huyết áp tăng rõ ở vùng biển (11,7%) nơi mà người dân ăn nhiều muối hơn so với vùng đồng bằng và miền núi (8,33%).


LAM XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp