07/11/2012 06:55 GMT+7

Dùng tiền phạt đầu tư hạ tầng

Công Minh
Công Minh

TT - 49 phản hồi của bạn đọc về “Đề nghị bỏ quy định trích tiền phạt cho cảnh sát giao thông (CSGT)” (Tuổi Trẻ ngày 5-11) hầu hết đồng tình với đề xuất này và cho rằng nên dùng khoản tiền phạt đầu tư cho hạ tầng giao thông.

Nên bỏ quy định

Tôi tán thành đề nghị bỏ khoản trích 70% này cho lực lượng CSGT. Lực lượng CSGT trách nhiệm chính là phải phân luồng, hướng dẫn giao thông... Việc xử phạt các lỗi vi phạm Luật giao thông đường bộ là đúng, nhưng toàn bộ số tiền này phải sung vào ngân sách nhà nước để góp phần tu bổ đường bộ. CSGT khi làm nhiệm vụ đã có lương và các chế độ hỗ trợ theo quy định thì không nên hưởng 70% tiền xử phạt này.

Không nên

CSGT là lực lượng giúp Nhà nước làm công tác kiềm chế người dân khi làm sai luật. Tiền phạt vi phạm giao thông là góp phần tăng ngân sách nhà nước, giúp người phạm luật nhớ lỗi lầm của mình và cũng là có tính chất răn đe sau này. Còn lực lượng CSGT đã được Nhà nước phát lương theo cấp bậc hằng tháng và có trách nhiệm điều tiết trật tự giao thông. Vì vậy không nên lấy tiền phạt chi cho thu nhập tăng thêm.

Dùng cho dân

Thiết nghĩ nếu chất lượng cơ sở hạ tầng tốt, đường sá rộng rãi, phân luồng giao thông thuận tiện, hợp lý... thì không mấy người muốn vi phạm Luật giao thông. Theo tôi nghĩ, tiền phạt vi phạm giao thông nên đầu tư vào xây dựng và nâng cấp đường. Và nếu có thể giám sát người tham gia giao thông bằng camera thì sẽ công bằng và chính xác hơn. Tiền phạt nên phục vụ trở lại cho đời sống của người dân.

Giải quyết từ gốc

Chúng ta phải giải quyết “cái gốc” của vấn đề chính là cơ sở hạ tầng giao thông công cộng và ý thức người tham gia giao thông. Chỉ như thế mới giải quyết được vấn nạn hiện nay. Việc CSGT tăng cường thanh tra giám sát để giữ gìn an ninh trật tự là điều rất hoan nghênh, nhưng không phải vì thế mà trích một quỹ “khổng lồ” như vậy để hỗ trợ.

Gần đây, một số điều về xử phạt giao thông đường bộ đã sửa đổi, chẳng hạn như nâng mức xử lý vi phạm hành chính, tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà có nồng độ cồn. Điều này sẽ có ảnh hưởng lớn đến ý thức người dân vì ai cũng sợ bị phạt số tiền lớn. Tiền xử phạt này nên nộp ngân sách để phát triển hạ tầng giao thông, giúp việc đi lại thuận tiện hơn.

TS Vũ Thành Tự Anh:

Một cách làm chính sách rất cũ

Trước hết hãy xét mục đích của việc trích 70% tiền phạt hỗ trợ lực lượng CSGT. Đứng ở góc độ kinh tế, nếu nói việc dành 70% tiền phạt để cải thiện thu nhập cho CSGT thì không hợp lý. Bởi lẽ thu nhập của CSGT phải được cải thiện bằng chính sách tiền lương chứ không phải bằng tiền từ việc nộp phạt của người dân.

Thứ hai, đứng ở góc độ nghề nghiệp, nếu cho rằng mục đích việc trích tiền phạt này nhằm làm tăng động cơ thực hiện tốt công việc nghề nghiệp của CSGT thì mới nghe cũng có phần hợp lý. Tuy nhiên, điều này lại dễ dàng dẫn tới sự lạm quyền, tận thu của CSGT vì tỉ lệ tiền phạt họ được hưởng quá lớn. Có thể sẽ có nhiều lỗi nhỏ của người dân tham gia giao thông chỉ đáng bị nhắc nhở sẽ bị phạt tiền.

Một chính sách để tạo ra sự khuyến khích trong công việc với bất kỳ ngành nào cũng là cần thiết. Nhưng vấn đề phải cân nhắc là cơ chế đó sẽ được kiểm soát như thế nào để làm sao không bị lạm dụng. Theo tôi, đi kèm với con số 70% này phải là một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực, đồng thời với cơ chế đảm bảo lợi ích của người dân không bị xâm phạm. Việc quy định 70% tiền phạt sẽ được dành cho CSGT là cách làm chính sách chỉ có lợi cho người thực thi quyền lực. Và đó là một cách làm chính sách đã rất cũ.

Công Minh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp