Thí sinh tham dự phần thi nói trong bài thi IELTS - Ảnh: IDP
Nhiều người "chết đứng"
"Hôm qua cho thi, hôm nay bất ngờ hủy. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi học viên mà còn cho thấy cách quản lý thật khó hiểu. Phải chăng quyết định này nói lên rằng Bộ GD-ĐT từ trước đến giờ chấp nhận cho các trung tâm tổ chức thi sai phép? Cần phải xem xét trách nhiệm do ai!".
Ý kiến bạn đọc Cuong Doan
Cho rằng cách làm việc này thể hiện sự thiếu tôn trọng và không đặt lợi ích của người thi, bạn đọc Khai Phong viết: "Vì quyền lợi người cần chứng chỉ là trên hết, trong khi vấn đề mà Bộ GD-ĐT đề cập chỉ đơn thuần là hành chính thủ tục".
Theo bạn đọc này: "Tại sao Bộ GD-ĐT không công bố lộ trình cấp phép một cách công khai và thực hiện từng bước để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người với nhu cầu cần cấp chứng chỉ như hiện nay (du học, thi nghiên cứu sinh, xin việc...)?".
Trong khi đó, bạn đọc Minh Thuận than thở: "Trong sự việc này người bị khó khăn, thiệt hại nhất là người đăng ký thi. Đây là thời điểm nhiều người có kế hoạch ôn luyện và thi lấy chứng chỉ để tiến hành các kế hoạch dự tuyển công việc, học tập. Dừng thi lúc này làm lỡ kế hoạch của họ".
Ví von rằng việc dừng thi cấp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS, TOEFL, PTE đến các kỳ thi năng lực tiếng Nhật, tiếng Hoa... đột ngột này chẳng khác nào cúp điện mà không thông báo trước, bạn đọc Quang Nam viết: "Phải từ từ, phải có lộ trình chứ, sao lại làm như cúp điện vậy? Thiệt thòi, bất công nhất vẫn là các con em trong đợt này, đã bỏ bao công sức học tập, rèn luyện để cho kịp dự định tương lai".
"Kiểm soát có vấn đề! Đang hoạt động bắt ngưng giống như cắt đứt mạch máu, ảnh hưởng rất nhiều đến người dân, đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đó… Cần xem xét lại" - bạn đọc Thanh bổ sung.
Cũng liên quan đến quyền lợi người học, có được chứng chỉ quốc tế cần thiết để hội nhập thế giới, bạn đọc Hữu Trí chia sẻ: "20 năm trước tôi thi IELTS để đi du học dù đã tốt nghiệp cử nhân Anh văn tại một trường đại học lớn. Và bây giờ bằng IELTS (dù thi ở bất kỳ đâu trên thế giới) vẫn được tín nhiệm, không chỉ các trường ĐH nước ngoài mà cả tại Việt Nam".
Từ câu chuyện của mình, bạn đọc Hữu Trí đề nghị: "Nếu Bộ GD-ĐT thấy bằng IELTS không có giá trị thì chỉ cần không công nhận chứng chỉ này tại Việt Nam là được. Cấm tổ chức chỉ tổ khó khăn cho các du học sinh Việt Nam khi họ phải qua các nước khác thi".
Làm gì cũng phải nghĩ đến quyền lợi học viên
Với suy nghĩ quyền lợi của học viên là trên hết, làm gì cũng nghĩ đến quyền lợi của họ, bạn đọc Khai Phong viết: "Không thể nào chấp nhận cách làm việc tùy tiện, bất chấp lợi ích của người thi chỉ vì lý do... thủ tục hành chính! Rất không chuyên nghiệp và thiếu... nhân văn!".
Phân tích trách nhiệm, bạn đọc Lai Cuong viết: "Chuyện hài thật, chứng chỉ quốc tế uy tín quốc tế, cả thế giới công nhận và sử dụng, họ không biết cách quản lý để giữ chữ tín mà các cơ quan quản lý của mình lại "lo lắng" thay người ta"!
Mổ xẻ thêm, Hoàng Nguyễn viết: "Đã cấp phép cho tư nhân mở trường đào tạo thì vấn đề chất lượng và uy tín của trường trong và ngoài nước là do nhà trường tự quyết định".
Theo bạn đọc này: "Các đối tác nước ngoài khi thấy học viên mang văn bằng của trường mà không đạt chất lượng họ yêu cầu thì sau này họ sẽ tự động từ chối những người mang văn bằng khác, chứ có gì đâu mà Bộ GD-ĐT lo lắng".
Đứng ở góc độ quản lý, nhiều bạn đọc cho rằng Bộ GD-ĐT chỉ cần giám sát là được, không nên can thiệp vào làm gì bởi vấn đề chất lượng cấp bằng thì họ chịu, Bộ GD-ĐT không cấp bằng thì can thiệp làm gì. Làm căng vấn đề này chỉ có người học chịu thiệt.
Cùng suy nghĩ vậy, bạn đọc Lily Nguyen góp ý: "IELTS là chứng chỉ quốc tế, mục đích chính là để phục vụ tuyển sinh đánh giá trình độ tiếng Anh cho các tổ chức, công ty ở nước ngoài và họ công nhận chứng chỉ đó, đó là việc của họ. Bộ GD-ĐT không chấp nhận, hoặc nghi ngờ chất lượng thì không dùng, không công nhận chứng chỉ đó cho các hoạt động tuyển dụng, tuyển sinh, đánh giá của các tổ chức trong nước. Quá khó khăn rồi".
Bổ sung, bạn đọc TH viết: "Chỉ là thủ tục giấy tờ mà làm ảnh hưởng đến quyền lợi biết bao nhiêu người, có đáng không? Cuối cùng người thiệt thòi chính là người học".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận